Khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lập lại lời hứa quen thuộc. Ông khẳng định chính phủ Nhật Bản sẽ chấm dứt tình trạng giảm phát nhiều thập niên qua (tình trạng giá cả hàng hóa giảm liên tục do người dân hạn chế chi tiêu).
Cuộc chiến cũ sẽ thêm khó khăn với sự xuất hiện của nhiều mối đe dọa mới, nổi bật trong đó là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Tham vọng đạt mức lạm phát 2% của Ngân hàng Nhật Bản có thể gặp nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, nếu ông Abe có thất bại thì cũng là do số phận của nền kinh tế đã được định đoạt từ trước khi ông trở thành thủ tướng, khi Nhật Bản từng đánh mất một thế hệ người lao động mà đáng ra phải trở thành nguồn lực chủ đạo của nền kinh tế hiện nay”, Nikkei Asian Review nhận định.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda (trái) và Thủ tướng Shinzo Abe đặt kỳ vọng nâng lạm phát quốc gia lên 2%. Ảnh: AP. |
Hậu quả sau “Kỷ băng hà của tuyển dụng”
“Trong công ty của chúng tôi, chẳng còn vị trí cao nào để chúng tôi được đề bạt”, một người đàn ông 40 tuổi, làm việc trong một công ty tài chính lớn ở Tokyo, bức xúc chia sẻ.
Ông và nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa thường hay than thở về tương lai không có cơ hội thăng tiến hay tăng lương. Họ đổ lỗi cho thế hệ sinh trước mình 10 năm, lớp người lao động tốt nghiệp đại học vào cuối thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản còn đang bay cao. Xin việc tại một tập đoàn lớn khi ấy vô cùng dễ dàng.
Nhật Bản gọi đó là “thế hệ bong bóng”, mượn tên của tình trạng nền kinh tế tăng trưởng nóng và thiếu bền vững cùng giai đoạn. Những người thuộc thế hệ này vẫn đang leo cao trên bậc thang danh vọng, trong khi những người sinh sau đẻ muộn còn phải chờ lâu mới đến lượt mình.
Nhóm lao động đang mòn mỏi chờ đợi thăng tiến rơi vào độ tuổi trung niên (từ 35 – 45 tuổi). Họ được xã hội Nhật Bản ví von là “thế hệ bị đánh mất”, được hình thành trong “kỷ băng hà của tuyển dụng”.
Những người này bắt đầu săn việc làm sau khi bong bóng kinh tế vỡ. Nhật Bản rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng cuối thập niên 1990. Các công ty siết chặt việc tuyển thêm nhân viên mới và giữ lại những người làm việc lâu năm.
Theo người nhân viên tài chính kể trên, công ty của anh đang có gần 100 nhân sự nằm trong nhóm tuổi cuối 40 đầu 50. Nhóm này đông gấp đôi số nhân sự rơi vào “thế hệ bị đánh mất” của công ty. Ông nói sự mất cân bằng trong phân hóa độ tuổi nhân sự khiến những người trẻ hơn phải gồng gánh khối lượng công việc nặng hơn.
Người lao động Nhật Bản 35-45 tuổi khó thăng tiến vì nhân sự lớn tuổi hơn quá đông, còn mức lương hấp dẫn được ưu tiên cho người trẻ. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Các dữ liệu cho thấy sự bức xúc này là có thật. Theo nghiên cứu được Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào tháng 2, tỷ lệ nhân sự trẻ giữ chức vụ cấp quản lý trong các công ty Nhật Bản đang giảm dần. Chỉ có 8,4% lao động nam từ 40 đến 44 tuổi giữ các vị trí lãnh đạo phòng ban, giảm 3,6% so với năm 2007.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra những tác động đối với thu nhập của nhóm lao động trung niên. Những người từ 40 đến 44 tuổi kiếm được trung bình 327.400 yen/tháng (khoảng 2.905 USD/tháng), thấp hơn thu nhập của nhóm sinh trước họ 10 năm khoảng 6,8%.
Nhóm lao động chịu thiệt thòi này chiếm một phần đáng kể trong tổng thể bức tranh dân số Nhật Bản. Gần 17 triệu người, tương đương 15% dân số nước này, rơi vào nhóm “thế hệ bị đánh mất”. Họ chịu sức ép lớn về tài chính, phải tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít hơn. Hệ quả của hiện tượng này là tiêu dùng giảm, tạo lực cản lên giá cả và sức tăng trưởng kinh tế.
“Những người ở độ tuổi 40 thường có xu hướng chi tiêu cho nhà cửa và giáo dục cho con cái. Điều này đang bị kìm hãm. Những chi tiêu phát sinh như du lịch gia đình hoặc ăn uống hàng quán cũng giảm”, Naoko Kuga, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định.
Vòng luẩn quẩn của thế hệ bị đánh mất
Thông thường, nếu người lao động không thấy triển vọng thăng tiến, họ có thể tìm một công việc khác với mức lương hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, lựa chọn này lại quá xa xỉ đối với người lao động Nhật Bản với văn hóa tuyển dụng và hệ thống lương tại nước này
Các công ty thường ưu tiên tuyển người mới ra trường, không có nhiều vị trí cho người lớn tuổi hơn. Trong nỗ lực thu hút thêm nhân tài, các công ty cũng ưu tiên mức lương hấp dẫn tuyển lao động trẻ tuổi thay vì cân nhắc tăng lương nhân viên đang làm việc.
Thâm niên làm việc và sự trung thành của nhân viên cũng là nhân tố quyết định đến việc xét tăng lương ở các công ty Nhật Bản, theo chuyên gia về kinh tế học lao động Yuji Genda ở Đại học Tokyo.
Nhìn chung, những lao động thay đổi chỗ làm giữa “đường sự nghiệp” sẽ gặp nhiều bất lợi hơn các nhân sự gắn bó với công ty kể từ khi ra trường và có thâm niên.
Sinh viên Nhật Bản tham dự một hội chợ giới thiệu việc làm. Ảnh: Getty. |
Nhiều người lao động rơi vào cảnh bế tắc không chỉ vì bị “chặn đường” bởi các tiền bối, mà còn do thiếu những kỹ năng cần thiết. Theo Genda, từ sau giai đoạn suy thoái cuối thập niên 1990, các công ty Nhật Bản không quá chú trọng đầu tư vào huấn luyện nhân sự. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng phần lớn “thế hệ bị đánh mất” không cảm thấy họ đã học thêm đủ những điều cần thiết để thăng tiến hoặc đổi việc.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động thuộc nhóm 35 – 45 tuổi phải chấp nhận công việc bán thời gian hoặc chỉ được ký hợp đồng theo năm. Họ rơi vào vòng luẩn quẩn thu nhập thấp, phúc lợi kém và mỗi năm trôi qua thì cơ hội ngày càng ít đi. Nam giới không có công việc ổn định cũng khó tiến tới hôn nhân hoặc sinh con.
Giới chức Nhật Bản đã bắt đầu ý thức về bài toán xã hội mang tên “thế hệ bị đánh mất”. Chính quyền thành phố Tokyo đang hỗ trợ một chương trình rèn luyện kỹ năng cho nam giới và nữ giới có độ tuổi từ 30 – 44.
Trong vòng 2 tháng, thành viên chương trình được huấn luyện với một văn phòng ảo. Họ còn được tham quan thực tế các doanh nghiệp để hiểu hơn về tính chất công việc và môi trường làm việc. Trọng tâm của toàn bộ chương trình là kỹ năng làm việc nhóm.
Theo Nikkei Asian Review, phần lớn những người tìm đến chương trình này là những người làm việc theo hợp đồng hoặc chưa bao giờ tìm được một công việc cố định.
“Họ đã đánh mất đi sự tự tin cần có ở độ tuổi của mình”, Akira Nagasaki, thành viên một quỹ phi lợi nhuận hỗ trợ tìm việc làm tại Tokyo, cho biết.
Tự cô lập với xã hội, sống dựa vào bố mẹ
Những trường hợp tìm được cho mình một chỗ làm nghĩa là họ vẫn còn may mắn.
Một bộ phận những thành viên trong “thế hệ bị đánh mất” thậm chí đã tự cô lập mình với xã hội sau quá nhiều năm không tìm thấy thành công trong cuộc sống và công việc.
Theo nghiên cứu của ông Genda, “kỷ băng hà tuyển dụng” cũng là giai đoạn nhiều thanh niên Nhật Bản bỏ cuộc trên con đường học vấn hoặc tìm việc làm và đóng hết các cánh cửa tiếp xúc với xã hội. Họ đi cùng với khái niệm “không học vấn, không việc làm, không được huấn luyện”.
Một buổi học trong chương trình hỗ trợ tìm việc làm của thành phố Tokyo. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Hơn 20 năm sau đợt suy thoái làm đóng băng thị trường việc làm, nhiều người dù đã bước sang độ tuổi 40 nhưng vẫn sống dựa vào bố mẹ. Họ trông chờ vào tiền tiết kiệm và phúc lợi hưu trí của người thân.
Truyền thông Nhật Bản bắt đầu bàn luận về tương lai của nhóm nhân khẩu này một khi bố mẹ của họ qua đời. Một bản tin truyền hình gần đây ước tính nền kinh tế Nhật Bản sẽ tốn gần 30.000 tỷ yen (hơn 263,5 tỷ USD) để chăm lo cho nhóm người này.
Trong khi đó, Naoko Kuga, chuyên viên Viện Nghiên cứu NLI, dự đoán rằng hệ thống an sinh xã hội sẽ còn gánh chịu những hệ quả nghiêm trọng hơn nữa nếu bài toán việc làm cho “thế hệ bị đánh mất” không được giải quyết nhanh chóng.