Bungo Okabe, 36 tuổi, là một người Nhật gốc Việt sinh sống và làm việc tại "xứ sở hoa anh đào" từ năm lên 8. Anh đã biến căn nhà 2 tầng cũ kỹ ở thành phố Koriyama, tỉnh Fukushima, trở thành chốn nương thân ấm cúng cho hàng chục người đồng hương.
Họ tìm đến sự giúp đỡ của Okabe sau khi không thể tiếp tục chịu đựng những ca làm thêm giờ dài đằng đẵng, sự ngược đãi từ các đồng nghiệp và quản lý người Nhật cùng nỗi sợ bị đuổi về nước.
Giúp đỡ những người đồng hương
Trả lời Nikkei Asian Review, một nữ tu nghiệp sinh 36 tuổi người Việt nói cô đến Nhật Bản từ tháng 4/2016 và làm việc tại một nhà máy dệt may tại tỉnh Yamagata. Cô phải làm việc 14 - 15 giờ/ngày và chỉ có 7 ngày nghỉ phép/năm. Không những thế, các quản lý thường chì chiết rằng cô làm việc chậm chạp và gây sức ép buộc về nước.
Để tham gia chương trình tu nghiệp ở Nhật Bản, người phụ nữ này đã vay ngân hàng gần 9.000 USD. Nghĩ rằng mức thu nhập không ổn định tại Việt Nam sẽ khó lòng giải quyết được khoản nợ lớn này, cô quyết định trốn khỏi khu nhà ở của xí nghiệp để ở lại Nhật Bản.
Cô tìm đến sự giúp đỡ của Okabe vào tháng 3 vừa qua.
Ngoài hỗ trợ ăn ở, anh Bungo Okabe còn giúp những người đồng hương học tiếng Nhật để họ có thể thích nghi với cuộc sống tại đây. Ảnh: Nikkei. |
Biên tập viên Eugune Lang của Nikkei Asia Review cho biết tên thật của Okabe là Pham Nhat Vuong. Gia đình anh định cư ở Nhật từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Anh nói mình không nỡ bỏ rơi những đồng hương không chốn nương thân nơi xứ người. Sau khi đóng cửa tiệm ăn nhỏ của gia đình, Okabe quyết định mở cơ sở hỗ trợ và bắt đầu tiếp nhận những tu nghiệp sinh đang hoạn nạn.
Anh quyên góp được gần 1 triệu yen (gần 9.000 USD) để sửa sang mái nhà chung của hơn 12 người Việt. Trong khi đó, gần như mọi chi phí ăn ở của các thành viên đều do anh bỏ tiền túi ra trả. Phần lớn những tu nghiệp sinh đang ở nhà Okabe đều không có nguồn thu nhập nào khác sau khi bỏ việc.
Thông tin về cơ sở của người đàn ông gốc Việt được nhiều tu nghiệp sinh truyền tai nhau. Dù căn nhà tại Koriyama đã không còn chỗ trống, Okabe vẫn nhận được khoảng 30-40 lời cầu cứu mỗi tháng thông qua mạng xã hội.
Mặt trái của giấc mơ tu nghiệp
Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, số tu nghiệp sinh kỹ thuật tại nước này vào năm 2017 là hơn 274.000 người. Tuy nhiên, cùng năm đã có 7.089 trường hợp bỏ việc, tăng gần 40% so với năm trước.
Theo một cuộc khảo sát vào năm ngoái của Bộ Lao động Nhật Bản, 4.226 cơ sở lao động có hành vi "giam" tiền lương của người tham gia chương trình tu nghiệp hoặc bắt họ làm thêm giờ trái quy định pháp luật. Tỷ lệ vi phạm đạt gần 70% các công ty tham gia khảo sát.
Đầu tháng 6, công ty Nissan bị phát hiện bắt buộc 45 tu nghiệp sinh nước ngoài làm các công việc không nằm trong kế hoạch đã nộp cho cơ quan chính phủ. Những người lao động đến từ Indonesia và Philippines.
Mặc dù công việc theo mô tả hợp đồng là học về kỹ năng đúc khuôn nhựa, công việc thực tế của họ tại các nhà máy ở Yokohama và Oppama là sơn các bộ phận cản trước và sau của xe ôtô.
Hồi tháng 5, công ty Mitsubishi cũng bị phát hiện ép buộc một số lao động người Philippines làm việc trái với nội dung hợp đồng.
Nhà máy lắp ráp ôtô của Nissan tại Oppama, tỉnh Kanagawa, phía tây nam Tokyo. Công ty này bị phát hiện vi phạm luật lao động đối với 200 tu nghiệp sinh nước ngoài. Ảnh: Nikkei. |
Những trường hợp cầu cứu Okabe đều muốn tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc. Tuy nhiên, chương trình không cho phép họ thay đổi cơ sở lao động theo nguyện vọng riêng. Họ cũng không được nhận những công việc bán thời gian như du học sinh.
Anh Okabe đã thường xuyên thông báo với cục di trú về những trường hợp mình đang hỗ trợ, sau đó đàm phán với các cơ quan và tổ chức có liên quan ở Nhật Bản và Việt Nam để tu nghiệp sinh được hỗ trợ chỗ làm mới. Kể từ khi cơ sở của anh đi vào hoạt động, 2 trường hợp đã ổn định chỗ làm thành công.
Ít nhất 10 người vẫn đang chờ cơ hội mới. Trong số đó, chỉ có 4 trường hợp được các trung tâm việc làm hỗ trợ phúc lợi thất nghiệp.
Đa số những thực tập sinh không thể nhận được sự hỗ trợ của chính phủ vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như cơ sở lao động cũ không thể cung cấp đầy đủ giấy tờ cần thiết để họ làm việc với cơ quan chức năng.
Tổ chức Đào tạo Tu nghiệp Kỹ thuật của chính phủ Nhật cũng có chương trình hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho các tu nghiệp sinh bị ngược. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/7, dịch vụ này chỉ mới được sử dụng 10 lần.
Bài toán nan giải
Vào tháng 6, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, cho biết vướng mắc lớn nhất trong việc đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản là tỷ lệ bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp khá cao, thậm chí cao nhất trong số các nước cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Trong khi đó, theo phản ánh của tờ tạp chí Nhật Bản, nhiều trường hợp bỏ việc sau khi đến Nhật Bản lại do không hiểu tường tận điều kiện lao động đòi hỏi cao. Theo khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp Nhật, một số người cho rằng họ không được hưởng mức thù lao thỏa đáng. Nhiều trường hợp còn bị phát hiện lao động trái phép sau khi bỏ việc tại chỗ làm cũ.
Trao đổi với Zing.vn về tình trạng trên, một viên chức tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam cho biết: "Theo thông tin mà đại sứ quán nắm được, một số doanh nghiệp Việt Nam không cung cấp đầy đủ thông tin cho các bạn đi lao động ở Nhật Bản, nên có thể một số người khi sang vẫn chưa hiểu rõ những nội dung trong hợp đồng lao động của mình".
Vị này cho biết Đại sứ quán không nắm rõ những trường hợp cụ thể tu nghiệp sinh bỏ hợp đồng và kẹt lại tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cần trợ giúp, nếu các cơ quan chức năng của Việt Nam liên hệ thì Đại sứ quán sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin và phối hợp giải quyết.
Tháng 3 vừa qua, một tu nghiệp sinh 24 tuổi người Việt nói anh bị lừa qua Nhật để dọn rửa các khu vực nhiễm phóng xạ tại tỉnh Fukushima. Ảnh: Nikkei. |
Vị này cho biết hai nước vẫn thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan đến chương trình tu nghiệp tại Nhật Bản. "Hiện nay, các cơ quan chức năng tại Nhật Bản vẫn đang nghiên cứu về các giải pháp cho tình trạng này", quan chức của Đại sứ quán nói.
Khi tình trạng dân số già đặt ra bài toán khó về nguồn lao động, các doanh nghiệp Nhật Bản được khuyến khích đưa người nước ngoài đến làm việc để guồng máy công nghiệp tiếp tục hoạt động.
Chương trình tu nghiệp sinh nước ngoài là một trụ cột của giải pháp nguồn nhân lực này. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách là người lao động nước ngoài có nguy cơ rơi vào tình cảnh bơ vơ giữa xứ người khi gặp các rắc rối, mâu thuẫn trong công việc.