Hãng thông tấn Kyodo cho hay chàng trai người Việt đề nghị giấu tên hiện sống tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Theo lời kể của nam thanh niên, anh bị cho về nước sau khi xin nghỉ phép để làm đám cưới.
Chàng trai 27 tuổi từng là tu nghiệp sinh tại một công ty chế biến thủy sản ở thành phố Yokohama, Nhật Bản. Anh kể lúc 5h sáng ngày 6/2, khi anh đang ngủ thì đột nhiên 4 người của cơ quan quản lý lao động nước ngoài địa phương đến và đưa anh "lên phường" để làm giấy tờ.
Họ nói anh "đã đưa ra quá nhiều yêu cầu". Sau đó, họ đưa anh lên máy bay trở về Việt Nam.
Chàng trai trong vụ việc trả lời hãng tin Kyodo của Nhật. Ảnh: Kyodo. |
"Đầu óc tôi trống rỗng còn cơ thể thì run rẩy. Tôi chẳng thể làm bất cứ điều gì", anh nói với Kyodo tại Vinh. Khi sự việc xảy ra, anh làm việc tại Nhật chưa được một năm.
Vợ chưa cưới của anh làm đơn phản đối gửi đến cơ quan quản lý lao động nói trên. Một phiên dịch viên người Việt ở đó nói với cô qua tin nhắn rằng việc xin nghỉ phép có lương là hành vi "không phù hợp" đối với một tu nghiệp sinh.
Tu nghiệp sinh kỹ năng là chương trình dành cho lao động nước ngoài của chính phủ Nhật, ra đời vào năm 1993, nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật, kiến thức trong nhiều lĩnh vực ngành nghề cho các nước khác. Tuy nhiên, chương trình này lâu nay bị chỉ trích vì để các công ty ở Nhật lợi dụng nhằm sử dụng nhân công giá rẻ.
Shoichi Ibusuki, luật sư chuyên thụ lý các vụ việc liên quan chương trình tu nghiệp sinh, nói chương trình này có một vấn đề mang tính hệ thống.
"Các tu nghiệp sinh phải vay rất nhiều tiền để có thể đến Nhật. Cơ quan giám sát và các công ty thuê mướn lao động có toàn quyền quyết định, từ đó hình thành mối quan hệ lệ thuộc giống như cảnh tôi tớ nô lệ", ông nói.
Vị luật sư cũng nói thêm rằng những vụ việc như trên có thể cấu thành tội phạm, bao gồm tội đột nhập nơi ở bất hợp pháp, bắt cóc tống tiền.
Gần đây, nhiều sự vụ liên quan đến tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật liên tiếp xảy ra. Hồi đầu tháng 3, một thanh niên 24 tuổi cho biết anh ký hợp đồng sang Nhật làm kỹ sư nhưng "bị lừa" đến dọn rửa các khu vực nhiễm xạ ở Fukushima.
Sau đó không lâu, một tổ chức môi giới lao động của Nhật bị cáo buộc ăn chặn tiền lương của hàng chục cô gái Việt Nam làm việc tại các khách sạn và nhà nghỉ ở 2 tỉnh Ishikawa và Fukui.