Singapore, Australia là các quốc gia mới nhất từ chối máy bay Boeing 737 MAX 8 ra vào không phận nước này. Trước đó, nhà chức trách Trung Quốc và Indonesia cũng quyết định tạm ngưng cấp phép khai thác 737 MAX 8 sau khi một chuyến 737 MAX 8 của Ethiopian Airlines gặp tai nạn khiến toàn bộ 157 người trên chuyến bay thiệt mạng.
Trên thế giới, hơn chục hãng hàng không cũng đã tạm dừng khai thác Boeing 737 MAX 8. Tuy nhiên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vẫn cho phép 737 MAX 8 được bay dù nhấn mạnh sẽ làm việc với Boeing về các vấn đề liên quan đến an toàn hàng không.
Hai tai nạn nghiêm trọng trong chưa đầy 5 tháng liên quan đến dòng máy bay thân hẹp một lối đi của Boeing đã làm giới chuyên gia hàng không thế giới tranh cãi việc liệu 737 MAX 8 có đủ an toàn để cất cánh?
"Sẽ không lên máy bay 737 MAX 8"
"Tôi chưa bao giờ nói rằng một mẫu máy bay cụ thể nào đó không an toàn để bay nhưng trong trường hợp này, tôi phải làm như vậy. Tôi sẽ quan sát cẩn thận dòng máy bay này (737 MAX 8). Tôi rất tiếc phải nói điều đó", David Soucie, cựu thanh tra an toàn hàng không của FAA, hiện là chuyên gia phân tích của CNN, cho biết và tuyên bố sẽ không lên một chiếc 737 MAX 8 vì hành khách không có đủ thông tin.
Sau khi một chiếc 737 MAX 8 của Lion Air rơi xuống biển vào tháng 10 năm ngoái, Boeing đề nghị tất cả phi công lái dòng máy bay này tham gia một khóa đào tạo để không lặp lại sai lầm tương tự trong vụ việc. Nhưng khóa đào tạo này không bắt buộc.
"Việc đào tạo do Boeing đề nghị sau tai nạn của Lion Air. Nhưng không có cách nào để tôi biết liệu hãng hàng không tôi sử dụng hoặc phi công lái đang lái chuyến bay của tôi có tham gia huấn luyện hay không. Nếu có cách nào đó để tôi biết những thông tin này, tôi chắc chắn sẽ lên máy bay", ông Soucie nói thêm.
Mảnh vỡ của chiếc máy bay 737 MAX 8 của Lion Air rơi xuống biển tại Indonesia vào tháng 10/2018. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, Peter Goelz, cựu Giám đốc điều hành Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia của Mỹ và đồng thời là chuyên gia phân tích hàng không của CNN nhận định còn quá sớm để FAA tạm ngưng cho phép khai thác 737 MAX 8 như Trung Quốc hay Singapore dù ông hiểu các phi hành đoàn cảm thấy lo lắng.
"Tôi nghĩ vẫn còn sớm để không cho phép khai thác dòng máy bay này (737 MAX 8). Nhưng tôi cho rằng đây chắc chắn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc sắp tới của tất cả các bên", ông Goelz dự báo.
Theo chuyên gia này, bước ngoặt có thể xảy ra nếu các cơ quan điều tra tìm thấy mối liên hệ giữa tai nạn của Lion Air cách đây 5 tháng và tai nạn của Ethiopian Airlines hôm 10/3. Nếu trường hợp này xảy ra, ông Goelz cho hay: "Bạn sẽ thấy dòng máy bay của Boeing không được bay".
Chưa đủ dữ liệu để kết luận
Theo FAA, cơ quan này vẫn đang xem xét mối liên hệ nếu có giữa tai nạn của Lion Air và Ethiopian Airlines.
"Cuộc điều tra vừa bắt đầu và hiện chúng tôi chưa có đủ dữ liệu để đưa ra bất kỳ kết luận hay có hành động nào", FAA cho biết.
Cơ quan của Mỹ cũng nhấn mạnh "những thay đổi về thiết kế" với "hệ thống điều khiển chuyến bay" của Boeing 737 MAX 8 sẽ được thực hiện vào tháng 4.
Giới chức Mỹ sẽ làm việc với Boeing để thay đổi một số thay đổi trên Boeing 737 MAX 8. Ảnh: Boeing. |
Một báo cáo sơ bộ cho biết các phi công trên chuyến bay gặp nạn của Lion Air vào tháng 10/2018 đã phải vật lộn với hệ thống an toàn của máy bay được thiết kế với mục đích ngăn chặn hệ thống ngừng hoạt động đột ngột. Hệ thống này đã nhận dữ liệu sai và liên minh phi công cho biết chi tiết về hệ thống không nằm trong sách hướng dẫn khai thác an toàn dòng máy bay này.
Trong thư gửi nhân viên vào hôm 11/3, CEO Boeing Dennis Muilenburg nói rằng hãng máy bay Mỹ đang "hỗ trợ tối đa các khách hàng của mình và cuộc điều tra và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật theo yêu cầu dưới sự hướng dẫn của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ và nhà chức trách Ethiopia."
"Dù còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp lúc này, chúng ta cam kết hiểu mọi khía cạnh của vụ tai nạn này", CEO Muilenburg viết trong thư.
Thông thường một dòng máy bay chở khách phải trải qua quy trình kiểm tra an toàn nghiêm ngặt, bay thử và đánh giá trước khi đưa vào khai thác thương mại. Đây là lý do các cơ quan chức năng hiếm khi yêu cầu toàn bộ dòng máy bay nào đó dừng khai thác.
Năm 1979, FAA ngừng cấp phép khai thác dòng máy bay DC-10 trong 37 ngày sau khi động cơ của một chiếc DC-10 bị hỏng trong quá trình cất cánh. Nguyên nhân bởi một tai nạn làm toàn bộ 271 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay thiệt mạng. Lệnh cấm của FAA được đưa ra sau khi tìm thấy nhiều máy bay DC-10 khác có thể gặp phải lỗi tương tự.