Thập kỷ vừa qua là một trong những đợt nóng "khác thường" trên toàn thế giới và gần như chắc chắn là nóng nhất trong lịch sử, trong khi các đại dương cũng ấm lên đến mức kỷ lục và axit hóa mạnh hơn, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.
Nhiệt độ trong những năm từ 2010 đến 2019 cao hơn khoảng 1,1 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp, cho thấy thế giới đang tiến gần đến mức tăng 1,5 độ C, điểm mà các nhà khoa học cho rằng sẽ gây ra những tác động mạnh mẽ, thời tiết khắc nghiệt và tổn hại sự sống còn của hệ sinh thái.
Theo Guardian, những phát hiện ban đầu của Trạng thái Khí hậu Toàn cầu, ấn phẩm thường niên của WMO, cho thấy năm nay sẽ là năm ấm nhất thứ hai hoặc thứ ba kể từ khi được ghi nhận.
Sóng nhiệt và lũ lụt từng là sự kiện xảy ra một lần trong thế kỷ nhưng đang trở nên thường xuyên hơn. Ảnh: AAP. |
Trên đất liền, các tác động từ tháng 1 đến tháng 10 bao gồm hạn hán nghiêm trọng, sóng nhiệt và lũ lụt trên tất cả lục địa có người ở và trên biển cũng có sóng nhiệt.
Trong năm qua, các mức cao hơn của các đại dương - được ghi chép bắt đầu từ những năm 1950, đã vượt quá các kỷ lục trước đó và đại dương trải qua khoảng 1,5 tháng nhiệt độ ấm áp khác thường, với các khu vực rộng lớn ở phía đông bắc Thái Bình Dương có sóng nhiệt nghiêm trọng.
Băng biển tối thiểu của Bắc Cực vào tháng 9 ở mức thấp thứ ba, theo ghi nhận. Phiên bản cuối cùng của báo cáo sẽ được công bố vào tháng 3.
Petteri Taalas, Tổng thư ký WMO, cho biết tác động của việc tăng nồng độ carbon trong khí quyển đang trở nên có hại hơn bao giờ hết, như đã được chứng minh trong các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong năm nay.
"Sóng nhiệt và lũ lụt đang trở nên thường xuyên hơn. Các quốc gia từ Bahamas đến Nhật Bản tới Mozambique phải hứng chịu những cơn bão nhiệt đới tàn khốc. Cháy rừng quét qua Bắc Cực và Australia", ông nói.
Ông cảnh báo rằng các kiểu mưa thất thường hơn gây ra mối đe dọa đối với năng suất cây trồng, kết hợp với sự gia tăng dân số, sẽ tạo nên những thách thức an ninh lương thực đáng kể đối với các quốc gia dễ bị tổn thương trong tương lai.
Những phát hiện được đưa ra khi các chính phủ thế giới nhóm họp tại Madrid cho hội nghị quan trọng của Liên Hợp Quốc về khí hậu.
Hôm 2/12, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo rằng mặc dù công nghệ và phương tiện kinh tế để chống lại sự biến đổi khí hậu đã có sẵn nhưng ý chí chính trị vẫn còn thiếu.