Đại sứ Marcia Bernicat, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề khoa học và môi trường quốc tế, đại dương, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Mỹ tham dự COP25, theo AFP.
“Mỹ sẽ tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán và các cuộc họp về biến đổi khí hậu như COP25 để đảm bảo một sân chơi bình đẳng bảo vệ các lợi ích của Mỹ”, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30/11 cho biết.
Tuy nhiên, trong nỗ lực tăng thêm tiếng nói cho Washington tại Madrid, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ dẫn đầu đoàn Quốc hội gồm 15 nghị sĩ để “khẳng định lại cam kết của người Mỹ trong việc chống khủng hoảng khí hậu”.
Theo quyết định của ông Trump, Mỹ đang rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, nơi đặt mục tiêu không để nhiệt độ trung bình Trái Đất tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Cuộc họp COP25 nhằm thúc đẩy các cam kết chống biến đổi khí hậu. Tây Ban Nha đăng cai hội nghị sau khi Chile rút lui vì bất ổn.
Quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez (trái) thăm địa điểm IFema, nơi tổ chức Hội nghị COP25. Ảnh: DPA. |
Bà Pelosi gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa hiện hữu của thời gian” và tuyên bố phái đoàn của đảng Dân chủ từ cả Hạ viện và Thượng viện sẽ lên đường sang Tây Ban Nha. Tuy nhiên, không có thành viên nào từ đảng Cộng hòa.
Ông Trump đã tuyên bố hiệp định Paris không công bằng đối với Mỹ. Trong khi đó, các nhà khoa học nói rằng hiệp định này rất quan trọng để ngăn chặn thảm họa tồi tệ nhất từ sự nóng lên toàn cầu, chẳng hạn như gia tăng hạn hán, lũ lụt và bão.
Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và là quốc gia duy nhất rút khỏi thỏa thuận Paris.
Thời hạn để Mỹ rút khỏi thỏa thuận được lên kế hoạch vào ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp.
Một số ứng viên tổng thống đảng Dân chủ nói rằng, nếu được bầu, họ sẽ lập tức trở lại thỏa thuận.