Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới thiếu vaccine vì thất bại của nhà sản xuất lớn nhất

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu hụt vaccine chống Covid-19 tại nhiều quốc gia xuất phát từ những vấn đề ở một công ty Ấn Độ.

Theo Bloomberg, Viện Serum Ấn Độ là công ty sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Viện Serum được chỉ định làm nhà cung cấp vaccine Covid-19 chính cho sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuy nhiên, công ty Ấn Độ đang mắc kẹt trong hàng loạt vấn đề, từ lệnh cấm xuất khẩu vaccine của chính phủ Ấn Độ tới một vụ cháy nhà máy. Do đó, đến nay Viện Serum không thể xoay xở đáp ứng nhu cầu vaccine của Covax.

Covax cam kết chuyển vaccine đến 92 quốc gia. Nhưng đến nay, Viện Serum mới chỉ chuyển đến Covax vỏn vẹn 30 triệu trong tổng số 200 triệu liều vaccine (tối thiểu) mà tổ chức của WHO đặt hàng.

Giới chuyên môn nhận định thất bại của Viện Serum đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực chống dịch của nhiều quốc gia đang phát triển, đồng thời cho thấy sự nguy hiểm của việc phụ thuộc quá mức vào một nhà sản xuất.

Cong ty vaccine lon nhat the gioi anh 1

Công nhân đóng gói vaccine tại nhà máy của Viện Serum Ấn Độ. Ảnh: AP.

Từ tháng 4, Viện Serum ngừng chuyển vaccine ra nước ngoài do chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch thứ hai. Tuy nhiên, đó không phải là nguyên nhân chính khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine trở nên trầm trọng.

Năm ngoái, CEO Viện Serum Adar Poonawalla cam kết cung cấp 400 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào cuối năm 2020. Tuy nhiến, đến đầu năm 2021, ông nói công ty mới chỉ sản xuất 70 triệu liều do thiếu kho lưu trữ và không biết đến bao giờ mới nhận được giấy phép của chính phủ Ấn Độ.

Nhiều quốc gia ký hợp đồng trực tiếp với Viện Serum và giờ phải chạy đua với thời gian để kiếm nhà cung cấp mới. Tại Nepal, nơi dịch đang bùng phát mạnh, chính phủ cho biết chỉ nhận được 1 triệu trong tổng số 2 triệu liều đặt hàng từ Viện Serum. Phần còn lại lẽ ra phải được giao vào tháng 3.

"Chúng tôi vật lộn với tình trạng thiếu vaccine trầm trọng", ông Tara Nath Pokhrel, đại diện Bộ Y tế Nepal, cho biết.

Theo ông Seth Berkley, CEO Gavi (Liên minh Vaccine Toàn cầu), WHO chọn Viện Serum làm nhà cung cấp cho Covax vì năng lực sản xuất quy mô lớn với mức giá rẻ của công ty này. Ông nói Viện Serum đang mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, Covax và các nước đang phát triển vẫn phải vội vã đi tìm nguồn cung mới trong những tuần qua.

Bởi mới đây Viện Serum cho biết sẽ không thể nối lại xuất khẩu trước thời điểm cuối năm 2021 vì tình hình dịch ở Ấn Độ quá phức tạp.

Hồi tháng 1, hỏa hoạn xảy ra tại một trong những nhà máy của Viện Serum. Ban đầu, công ty này tuyên bố vụ hỏa hoạn sẽ không làm chậm hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, nguồn tin từ nội bộ công ty tiết lộ tai nạn khiến nhà máy thiệt hại nhiều thiết bị, các dây chuyền sản xuất bị đứt quãng, khiến kế hoạch mở rộng sản xuất của Viện Serum gặp khó khăn.

"Viện Serum đang bế tắc và đây là cú đòn nặng giáng vào Covax", chuyên gia Cleo Kontoravdi thuộc Đại học Imperial London nhận định.

Viện Serum không phải nhà sản xuất vaccine duy nhất không thể thực hiện cam kết. Hãng dược phẩm AstraZeneca không thể cung cấp đủ lượng vaccine cho Liên minh Châu Âu như cam kết vì vấn đề sản xuất. Công ty Ấn Độ Bharat Biotech International cũng mới chỉ xuất xưởng 27 triệu trong số 1 tỷ liều vaccine như đã hứa.

"Các nhà sản xuất vaccine Ấn Độ đều hứa lố và tình hình này sẽ tiếp tục", chuyên gia Malini Aisola thuộc Mạng lưới Hành động Dược phẩm Ấn Độ nhận định.

'Quỹ vaccine có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển kinh tế dài hạn'

Chuyên gia cho rằng quỹ vaccine không chỉ đóng vai trò giúp kiểm soát dịch Covid-19 mà còn có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Doanh nghiệp rốt ráo tìm nguồn vaccine cho nhân viên

Các doanh nghiệp đang chủ động tìm vaccine để tiêm chủng cho người lao động, thông qua cơ quan chức năng và doanh nghiệp đầu mối.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm