GS TS Nguyễn Lân Dũng rất tự hào khi kể rằng ông ngoại mình là ông Nguyễn Hữu Tiệp, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ định tham gia là thành viên ban vận động “Tuần lễ vàng” năm 1945.
Ông Dũng hiện là thành viên Đoàn chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, một trong những cơ quan đi đầu trong việc kêu gọi ủng hộ phòng, chống Covid-19, trong đó có vận động huy động cho quỹ vaccine.
“Quỹ vacine thể hiện mình vì mọi người, và mọi người vì mình. Tôi thấy rằng cuộc vận động lần này có thể ví với Tuần lễ vàng năm xưa”, ông nói với Zing.
“Với việc lớn này mọi người hãy vui lòng đóng góp”
GS Nguyễn Lân Dũng nhắc lại năm 1945, trước một mối đe dọa với đất nước, Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đã nhận được sự hưởng ứng rất lớn của người dân. Ông cho rằng mọi người dân, từ người có nhiều tiền, từ nhà tư sản lớn, đến những người dân chỉ có một chiếc vòng vàng, một cái nhẫn vàng… nhưng vì lợi ích của đất nước, họ đều đem hiến tặng.
GS TS Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Quyên Quyên. |
Tình thế hiện tại của đất nước cũng rất khó khăn, khi dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Việt Nam cần một số lượng vaccine đủ cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là một số tiền rất lớn. Ông nói rằng dịch Covid-19 giống như một tai họa với dân tộc, nên quỹ vaccine đang kêu gọi sự đóng góp trên tinh thần mình vì mọi người và mọi người vì mình.
“Tôi thấy câu này rất đúng, mình vì mọi người, nhưng mọi người trong đó có mình, mình cũng sẽ được tiêm. Hoặc nếu mình không được tiêm, nằm trong số 30% còn lại, miễn dịch cộng đồng cũng giúp mình thoát khỏi dịch Covid-19”, ông chia sẻ.
Nếu mình không được tiêm, nằm trong số 30% còn lại, miễn dịch cộng đồng cũng giúp mình thoát khỏi dịch Covid-19
GS TS Nguyễn Lân Dũng
GS Nguyễn Lân Dũng cũng nhắc đến thực tế trên thế giới cho thấy nhiều nước đã giảm dần dịch Covid-19 nhờ chiến lược vaccine, như Na Uy, Mỹ, các nước EU, Trung Quốc… Ông đánh giá tác dụng của vaccine đã được chứng thực trên toàn thế giới. Vaccine nội địa đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm ở giai đoạn 3. Do đó, Việt Nam bắt buộc phải mua vaccine từ nước ngoài trong thời gian sớm nhất.
“Với việc lớn này mọi người cần đóng góp, hay vui lòng đóng góp giống như trước đây, mọi người vui lòng hưởng ứng Tuần lễ vàng”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đánh giá rất cao Chính phủ đã quyết định thành lập quỹ vaccine để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được đồng hành cùng Chính phủ tìm nguồn vaccine, chi trả chi phí tiêm phòng cho nhân dân.
“Việc thành lập quỹ thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong hoàn cảnh phòng chống đại dịch”, ông nhận xét.
Quỹ vaccine có ý nghĩa chiến lược đến phát triển kinh tế Việt Nam
Ông Hồ Mạnh Toàn, Nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Liên ngành ISR, Đại học Phenikaa, dẫn lại kết quả của Tuần lễ vàng năm 1945 để bình luận về quỹ vaccine được phát động năm 2021. Theo đó, Tuần lễ vàng đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Số tiền này tương đương 12.100 tỷ đồng, tính theo thời giá năm 2020.
Chính phủ cách mạng năm 1945 đã dành ngay số tiền có được để thực hiện những việc quan trọng khi đó, như dành 1,45 triệu đồng Đông Dương sửa chữa Quốc lộ 1, dành 1,3 triệu đồng Đông Dương sửa chữa cầu Guột và cầu Ninh Bình (trên tuyến Quốc lộ 1), chi 2,2 triệu đồng Đông Dương để sửa chữa đường xá tại Hà Nội…
“Quỹ Độc lập trước kia có ý nghĩa lịch sử to lớn, và quỹ vaccine hiện tại cũng vậy”, ông Toàn nhận định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng quỹ vaccine sẽ giúp Việt Nam vượt qua dịch Covid-19. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Theo đó, vị này cho rằng quỹ vaccine có ý nghĩa chiến lược đến công cuộc phát triển kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Theo đó, nếu dịch bệnh không được giải quyết trọn vẹn thì quá trình phát triển kinh tế về lâu dài của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Và “chìa khóa” mang tính quyết định để khống chế dịch bệnh là vaccine.
“Quỹ vaccine phản ánh rất sát việc thiết kế toàn diện, có tính chiến lược, không hề mang tính thời điểm hay tình thế, đối với công cuộc xây dựng kinh tế đường dài”, ông nhận định.
Ông Toàn cũng đánh giá cao việc thiết kế qũy dựa trên cấu trúc vi mô có khả năng tương tác hiệu quả cao với các tầng lớp cư dân trong xã hội, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Quan điểm về các giao dịch thị trường, giá cả, số lượng và chủng loại vaccine cũng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khá rõ trong các phiên họp của Chính phủ.
Ông Toàn tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng trong giai đoạn quyết định quan trọng, tạo nên dấu mốc lịch sử, giúp tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau thời kỳ Covid-19.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng “cuộc chiến” chống Covid-19 không chỉ bằng giãn cách, bằng khoanh vùng mà còn phải trông chờ vào vaccine. “Bao phủ tiêm chủng toàn dân càng sớm càng tốt, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ thành công", ông nói.
“Ý nghĩa xã hội của quỹ vaccine là rất lớn”
PGS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định nhiều quốc gia trên thế giới đã gặt hái thành quả của vaccine. Do đó, giai đoạn này, vaccine là yếu tố mang tính then chốt để chống dịch của Việt Nam.
Ông cho rằng việc tạo ra quỹ, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước chưa thể trang trải toàn bộ chi phí, là việc rất cần thiết. Quỹ giúp kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, toàn dân tới công tác phòng chống dịch. Quỹ giúp tạo ra giá trị nhân văn khi đảm bảo trang trải bao phủ tiêm vaccine đến mọi đối tượng người dân, bất kể người có khả năng chi trả hay không, kể cả người nghèo, người mất khả năng lao động…
“Quỹ giúp người dân tiếp cận vaccine bình đẳng nên mang ý nghĩa rất lớn. Tiêm vaccine đạt diện rộng sẽ giúp chúng ta yên tâm mở cửa kinh tế, phục hồi sau dịch”, ông nói.
Tuy vậy, Zing cũng đặt câu hỏi tới PGS Hoàng Văn Cường về việc quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 340 tỷ USD, việc Chính phủ bỏ ra khoảng 1 tỷ USD để mua vaccine liệu có khó khăn hay không.
Khi có sự chung tay sẽ tạo ra sức mạnh cộng đồng để xây dựng sự nghiệp chung. Sau này sẽ là những công trình chung, vấn đề chung của xã hội trong tương lai
PGS Hoàng Văn Cường
Trả lời, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng ngân sách có thể cố gắng đảm bảo tiền mua vaccine, nhưng ý nghĩa xã hội của quỹ mới là điều quan trọng nhất. Ông nhấn mạnh quỹ sẽ huy động được sự tham gia, nâng cao trách nhiệm của mọi người trong xã hội.
“Có người đóng chỉ 100.000 đồng, có người đóng hàng tỷ đồng, nhưng nó đều thể hiện sự chung tay của cả cộng đồng chống dịch. Nó cũng thể hiện tinh thần của cả dân tộc. Ý nghĩa xã hội của nó là rất lớn”, ông chia sẻ.
PGS Hoàng Văn Cường cũng nói rằng bài học chống dịch Covid-19 cho thấy phải có sự đoàn kết đồng lòng, từng cá nhân riêng lẻ sẽ không thể thành công. Ông nhấn mạnh nếu cả cộng đồng không cùng chung tay thì một cá nhân nào đó bỏ tiền tỷ ra cũng không thể phòng chống được dịch cho bản thân mình được.
“Khi có sự chung tay, nó sẽ tạo ra sức mạnh cộng đồng để xây dựng sự nghiệp chung. Sau này sẽ là những công trình chung, vấn đề chung của xã hội trong tương lai”, ông nói.