“Tôi cho rằng những vụ tấn công ngày càng gia tăng là do chủ nghĩa sợ Hồi giáo (Islamophobia) từ sau khủng bố 11/9/2011”, Thủ tướng Pakistan Imran Khan viết trên mạng xã hội. “1,3 tỷ người Hồi giáo đã bị quy chụp mỗi khi khủng bố xảy ra”.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói vụ tấn công là có chủ đích.
“Không chỉ thủ phạm, mà các chính trị gia và truyền thông vốn truyền bá chủ nghĩa chống Hồi giáo và thù hận ở phương Tây, là người chịu trách nhiệm cho vụ tấn công ghê tởm này”, ông viết trên Twitter.
Trong khi đó, chính phủ một số nước Trung Đông và châu Á đã gấp rút tìm hiểu xem có bao nhiêu công dân của họ là nạn nhân của vụ xả súng vào 2 thánh đường ở Christchurch, New Zealand ngày 15/3, khiến 49 người chết.
Một người được đưa lên xe cứu thương bên ngoài một thánh đường Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand ngày 15/3/2018. Ảnh: AP. |
Đại học Al-Azhar, nơi giảng dạy Hồi giáo dòng Sunni đã có lịch sử 1000 năm ở Ai Cập, trong một thông cáo đã nói các vụ tấn công “đã vi phạm sự thiêng liêng ở nơi thờ phụng Thượng đế”.
“Chúng tôi cảnh báo vụ tấn công này là dấu hiệu nguy hiểm cho thấy hậu quả của các phát ngôn thù hận, bài ngoại và quan niệm bài Hồi giáo”, theo thông cáo này.
Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất Anwar Gargash nói “nỗ lực toàn cầu của chúng ta chống lại bạo lực và thù hận cần phải tiếp tục, mạnh mẽ hơn nữa”.
Thánh đường Hồi giáo Al Noor, nơi 41 người đã thiệt mạng sau vụ xả súng ngày 15/3, nhìn từ phía đường Deans Avenue: Ảnh: Reuters. |
Ở Australia, nước láng giềng với New Zealand, Thủ tướng Scott Morrison viết trên Twitter “không có chỗ cho sự thù ghét là mầm mống của sự cực đoan, khủng bố bạo lực” ở New Zealand, và ra lệnh treo cờ rủ ở Australia để chia buồn.
Ở Pháp, nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất ở Tây Âu, và từng chịu các vụ khủng bố đẫm máu năm 2015 và 2016, cảnh sát sẽ tuần tra quanh các điểm cầu nguyện.
Tổng thống Emmanuel Macron viết trên Twitter Pháp “chống lại mọi sự cực đoan và sẽ cùng với các đối tác để chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu”.
"Xin gửi lời cảm thông sâu sắc nhất và lời chúc tốt lành nhất của tôi đến người dân New Zealand sau vụ thảm sát kinh hoàng ở nhà thờ Hồi giáo. 49 người vô tội đã chết một cách vô lý, với rất nhiều người bị thương nặng. Mỹ sát cánh cùng New Zealand trong bất cứ điều gì mà chúng tôi có thể làm. Chúa phù hộ tất cả!", Tổng thống Trump viết trên Twitter vào sáng 15/3.
Các băng đạn trong bức ảnh không rõ ngày được đăng lên Twitter ngày 12/3 bởi tay súng đã phát trực tiếp cảnh xả súng vào thánh đường Hồi giáo ở Christchurch, New Zealand ngày 15/3. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức Anh nói nước này sẵn sàng hỗ trợ New Zealand điều tra vụ tấn công, và cảnh sát sẽ tăng cường tuần tra các thánh đường ở Anh.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter “vụ tấn công độc ác ở Christchurch sẽ không bao giờ làm suy giảm được sự chấp nhận khác biệt và sự văn minh mà New Zealand được mọi người biết đến”.
Những người bình thường cũng bày tỏ sự ghê tởm về video phát trực tiếp từ góc nhìn kẻ xả súng, cho thấy hắn bắn bất kỳ ai ở trước mặt với súng trường tự động.
“Tôi cảm thấy buồn nôn, thấy tên này không có não và cầm thú”, một người dùng Twitter Indonesia có tên tài khoản Farhan Adhitama.
Một số khác cho rằng giới chức và truyền thông quá chậm trễ trong việc gọi thủ phạm là “khủng bố”, cho đến chiều 15/3 khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern dùng từ này trong buổi họp báo.
“Tại sao không gọi là khủng bố khi mà người Hồi giáo bị giết hại”, Mohammad Hanif, công chức ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, nói với Reuters. “Phải công bằng và gọi tên như nó vốn dĩ chứ”.