Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới loay hoay đối phó chương trình hạt nhân Triều Tiên

Qua vụ thử nghiệm hạt nhân, Triều Tiên tỏ ra là nước khó đối phó hơn so với Iran dù đây đều là hai quốc gia khiến phương Tây lo ngại về chương trình hạt nhân.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với Iran đạt tiến triển đáng kể sau khi nước này bầu ra ban lãnh đạo mới theo đường lối ôn hòa, mà dẫn đầu là Tổng thống Hassan Rouhani. Sau thỏa thuận mang tính đột phá giữa Iran và các cường quốc phương Tây đạt được vào giữa năm 2015, Tehran tỏ ra hào hứng với việc được cởi trói khỏi những cấm vận kinh tế. Đổi lại, nước này bắt đầu chuyển 98% nguyên liệu hạt nhân đến Nga từ cuối năm 2015. Với số lượng còn lại, Iran sẽ không thể phát triển vũ khí hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ tới.

Tuy nhiên, Triều Tiên có chính sách khác với Iran. Triều Tiên đã phát triển một đội vũ khí quy mô không nhỏ và sẽ không dễ thuyết phục họ từ bỏ. 

Sức mạnh vũ khí hạt nhân Triều Tiên

Việc thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom H) ngày 6/1, theo lời họ tuyên bố, là lời nhắc nhở thế giới rằng Bình Nhưỡng vẫn đang miệt mài thúc đẩy kế hoạch phát triển vũ khí nguyên tử, trong khi các cường quốc chỉ mãi tập trung về Iran.

Ngay cả khi Triều Tiên chưa thực sự chế tạo được bom H, hậu quả của những chính sách về Triều Tiên không hiệu quả vẫn rất quan trọng. Các quan chức tình báo Mỹ và quốc tế đều nhiều lần cảnh báo rằng, Triều Tiên đang sẵn sàng mở rộng quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ.

Những cảnh báo đưa ra nhiều nội dung khác nhau nhưng phần lớn đều cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu hơn 20 vũ khí đến cuối năm nay. Siegfried S. Hecker, một trong những người mà Bình Nhưỡng nhiều lần cho phép đến thăm các cơ sở bí mật, tiết lộ cuối năm ngoái rằng Triều Tiên "có rất nhiều bom".

Nhật Bản công bố những báo cáo quan sát về tình hình địa chấn do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng nỗ lực cải thiện tầm bắn và tính di động của những tên lửa của nước này, khiến chúng khó bị phát hiện hơn. Các quan chức quân sự Mỹ đã cảnh báo, Triều Tiên có thể sở hữu công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để đưa vào tên lửa, khiến nước này trở thành một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với Hàn Quốc, Nhật Bản, các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, và thậm chí là Bờ Tây nước Mỹ.

Đối với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân chính là chiến lược mà nước này dùng để mặc cả với thế giới, muốn buộc thế giới phải công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân và cần phải lưu tâm nhiều hơn. Dù có hay không có bom nhiệt hạch, vũ khí hạt nhân trở thành "chính sách bảo hiểm" mà Bình Nhưỡng không dễ dàng từ bỏ.

Sự kiên nhẫn chiến lược

Câu hỏi mà cả thế giới quan tâm hiện tại là làm thế nào để kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên? Những nghị quyết của Hội đồng Bảo an rõ ràng không có nhiều tác động. Mặc dù bị áp đặt hàng loạt cấm vận, Triều Tiên vẫn không ngừng phóng thử tên lửa hay thử nghiệm hạt nhân, mà sự việc mới nhất xảy ra ngày 6/1.

Các cấm vận của Liên Hợp Quốc không đủ ngăn cản Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân. Ảnh: NYT

Chính sách của chính quyền Mỹ đối với Bình Nhưỡng hiện tại là "sự kiên nhẫn chiến lược", tức không phản ứng quá gay gắt sau mỗi lần thử nghiệm hoặc các đòi hỏi của Triều Tiên; song song với áp đặt cấm vận đến khi nào nước này chịu ngồi vào bàn đàm phán. 

Những người chỉ trích cho rằng, chính sách này như dọn đường cho Triều Tiên phát triển đội vũ khí hạt nhân lớn mạnh tương đương như của Pakistan.

"Sự kiên nhẫn chiến lược này đang trở thành sự đồng thuận ngầm. Điều này rõ ràng tương phản với những nỗ lực và sự sáng tạo mà Washington đã đầu tư trong trường hợp với Iran", ông Robert Litwak, học giả tại trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, nhận định.

Chính quyền của ông Obama cũng cho thấy một số điều rằng họ đang cố gắng trong vấn đề Triều Tiên. Ông Sydney A. Seiler, điều phối viên chương trình hạt nhân Triều Tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã xây dựng nhiều đề xuất để Triều Tiên đồng ý nối lại đàm phán. Nội dung của những đề xuất này được cho là tương tự với kế hoạch ngoại giao bí mật đã dẫn đến các cuộc đàm phán chính thức với Iran kéo dài 2 năm.

Tuy nhiên, tình hình Triều Tiên không có chuyển biến nào. Giới chức Hàn Quốc đã sốt ruột cảnh báo việc phát triển vũ khí ở Triều Tiên đã tiến đến giai đoạn "không còn đường lùi".

Ngay cả một số cựu quan chức Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama cũng lo ngại việc chính quyền khăng khăng không đàm phán với Triều Tiên, trừ phi Bình Nhưỡng chịu chấp nhận rằng kết quả cuối cùng sẽ là giải trừ hạt nhân toàn diện, là dự báo cho một thất bại ngoại giao.

Stephen W. Bosworth, đặc phái viên về Triều Tiên đầu tiên của ông Obama, từng nhận xét hồi năm 2013 rằng: "Những rủi ro đi kèm với các cuộc đàm phán mới vẫn ít nguy hiểm hơn là không làm gì cả. Dự trữ hạt nhân của Triều Tiên sẽ tiếp tục tăng, nước này sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống tên lửa, sự nguy hiểm của vũ khí hủy diệt hàng loạt càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ đối với Mỹ và đồng minh cũng tăng theo".

Từ quan điểm của Bình Nhưỡng, họ không có nhiều lý do để từ bỏ chương trình hạt nhân như Iran. Phương Tây cũng không thể áp dụng chính sách với Triều Tiên tương tự như Iran, khi Triều Tiên không có dầu mỏ, không có tầng lớp trung lưu có ảnh hưởng, không có nhiều giá trị chiến lược trong tình hình chính trị hiện đại. Mối đe dọa lớn nhất mà Triều Tiên gây ra chính là tác động an ninh đối với một trong những khu vực thịnh vượng nhất thế giới.

Máy bay Mỹ tiếp tục do thám vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 7/1, ba máy bay do thám Mỹ tiếp tục rời căn cứ ở Nhật Bản để thu thập thông tin về hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.

Việt Nam quan ngại vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Triều Tiên thử bom nhiệt hạch.

Minh Anh (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm