Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay Mỹ tiếp tục do thám vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Ngày 7/1, ba máy bay do thám Mỹ tiếp tục rời căn cứ ở Nhật Bản để thu thập thông tin về hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên.

Hãng tin AP cho biết, các máy bay RC-135S xuất phát từ căn cứ không quân Kadena ở đảo Okinawa, Nhật Bản. Quân đội chưa công bố chính thức hoạt động của những phi cơ này, dù giới quan sát phỏng đoán chúng có thể liên quan đến việc Mỹ đang cố gắng xác minh chính xác loại vũ khí mà Triều Tiên đã thử nghiệm hôm 6/1.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết "Mỹ sẽ tiếp tục thu thập những bằng chứng bổ sung" và phối hợp với các quốc gia trong khu vực để hiểu rõ bản chất cuộc thử nghiệm của Triều Tiên.

Ngày 6/1, hãng tin Kyodo cho hay, một máy bay do thám Mỹ cũng rời căn cứ Kadena chỉ 10 phút trước khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm vũ khí mà Bình Nhưỡng khẳng định là bom nhiệt hạch.

Hệ thống loa tuyên truyền mà Hàn Quốc dùng để chống lại chính quyền Triều Tiên. Ảnh: Yonhap

Trong khi đó, hãng tin Yonhap cho biết, Cho Tae Yong, cố vấn an ninh cấp cao của tổng thống Hàn Quốc, ngày 7/1 cho rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã "vi phạm nghiêm trọng" thỏa thuận liên Triều đạt được hồi tháng 8/2015. 

"Quân đội của chúng tôi đang trong tình trạng sẵn sàng. Nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích, Hàn Quốc sẽ kiên quyết trừng phạt", ông Cho nói.

Một trong những biện pháp đáp trả của Seoul chính là triển khai hệ thống loa tuyên truyền đến vùng biên giới phía Tây với Triều Tiên. Các bộ loa sẽ phát nội dung chống lại chính quyền ở Bình Nhưỡng. Đây là điều khiến giới lãnh đạo ở Triều Tiên vô cùng tức giận.

Hồi tháng 8/2015, Triều Tiên từng có hàng loạt động thái quân sự sau khi Hàn Quốc đưa hệ thống loa tuyên truyền đến biên giới. Ông Kim Jong Un thậm chí tuyên bố tình trạng "cận chiến tranh", điều xe tăng và pháo binh đến biên giới, khiến căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang.

Trong diễn biến khác, AFP cho biết Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 7/1 cũng quyết định hạn chế dòng người đến khu công nghiệp Kaesong, dự án liên kết với Triều Tiên và đặt cơ sở ở miền Bắc.

Lực lượng an ninh Hàn Quốc phong tỏa đường vào khu công nghiệp Kaesong. Ảnh: AFP

Theo thông báo của bộ, họ chỉ cho phép các doanh nhân Hàn Quốc và những người có liên quan trực tiếp đến hoạt động ở Kaesong được phép đi qua biên giới. "Việc hạn chế đi lại này là biện pháp nhằm bảo đảm sự an toàn của người dân trong tình hình khẩn cấp", một quan chức cho biết.

Khoảng 500 người Hàn Quốc vẫn qua lại khu vực biên giới để đến Kaesong trong ngày 7/1. Tuy nhiên, nguồn tin AFP nói con số này đã giảm đáng kể trong ngày. Theo ông, những biện pháp đối phó trên của Hàn Quốc chỉ là phản ứng đầu tiên "cho đến khi chúng tôi có thông tin đầy đủ về những biện pháp trừng phạt mới của quốc tế đối với Triều Tiên".

Kaesong là dự án liên Triều lớn cuối cùng trong thời kỳ quan hệ hai miền chưa leo thang. Khoảng 120 công ty Hàn Quốc, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặt nhà máy ở khu công nghiệp Kaesong. Nơi này tạo ra việc làm cho khoảng 53.000 người dân Triều Tiên.

Liên Hợp Quốc sẽ phản ứng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bắt đầu làm việc nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống lại Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân lần 4.

Triều Tiên qua mặt Trung Quốc khi thử hạt nhân

Việc Trung Quốc ngày 6/1 kiên quyết phản đối Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân và triệu tập đại sứ nước này để bày tỏ sự không hài lòng cho thấy vết nứt mới trong quan hệ 2 nước.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm