Người nhiễm biến chủng Beta của virus corona có nguy cơ phải nhập viện để được chăm sóc tích cực, và có xác suất tử vong cao hơn bệnh nhân nhiễm các biến chủng khác, tạp chí Nature ngày 9/8 dẫn kết quả nghiên cứu của chuyên gia Laith Jamal Abu-Raddad thuộc Trường Y Weill Cornell.
Biến chủng Beta, còn gọi là B.1.351, lần đầu được phát hiện vào cuối năm 2020 tại Nam Phi.
Một số chứng cứ cho thấy số ca bệnh nặng trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 tại Nam Phi nhiều hơn hẳn so với số ca trong làn sóng đầu tiên. Làn sóng dịch thứ nhất ở nước này do chủng virus corona ban đầu gây ra. Trong khi đó, biến chủng Beta là nguyên nhân dẫn đến làn sóng thứ hai.
Đầu năm 2021, ông Abu-Raddad tiến hành nghiên cứu trên một số bệnh nhân Covid-19, nhằm xác định mối liên hệ giữa biến chủng Beta và việc số ca bệnh nặng ngày càng tăng.
Khi đó, nhóm nghiên cứu không so sánh biến chủng Beta với biến chủng Delta - có nguồn gốc từ Ấn Độ và đang hoành hành trên thế giới.
Người nhiễm biến chủng Beta có nguy cơ hình thành bệnh nặng hơn 25% so với người nhiễm biến chủng Alpha.
Bên cạnh đó, số người thuộc nhóm nhiễm biến chủng Beta cần chăm sóc tích cực cũng nhiều hơn 50% so với nhóm nhiễm biến chủng Alpha.
Xác suất tử vong do biến chủng Beta cao hơn 57% so với biến chủng Alpha.
Các số liệu này phù hợp với quan sát vào thời điểm đầu năm 2021, theo ông Abu-Raddad. Cụ thể, khi biến thể Beta lây lan ở Qatar, số ca cấp cứu tăng gấp 2, còn số ca cần chăm sóc tích cực và tử vong tăng gấp 4.
"Rõ ràng đây là một biến chủng nguy hiểm không kém", vị chuyên gia nói.
Một khu chợ ở Qatar. Ảnh: Reuters |
Theo bà Waasila Jassat, chuyên gia y tế tại Viện Truyền nhiễm Quốc gia ở Johannesburg, Nam Phi, nghiên cứu của ông Abu-Raddad có quy mô nhỏ nhưng quan trọng. Các kết luận của nghiên cứu rút ra từ việc so sánh hậu quả của mỗi biến thể trên những người có cùng đặc điểm (như tuổi tác và giới tính).
Một nghiên cứu của bà Waasila, được công bố vào tháng 7, cũng chỉ ra rằng xác suất tử vong sau khi nhập viện trong làn sóng Covid-19 thứ 2 (do biến chủng Beta) cao hơn 30% so với trong làn sóng đầu (do chủng virus gốc gây ra).
Việc xác định mức nghiêm trọng của biến chủng Beta sẽ giúp các nhà nghiên cứu dự đoán tầm ảnh hưởng của nó, bà cho biết.
Một mặt, biến chủng Beta đang lây lan nhanh trên toàn thế giới. Mặt khác, số ca mắc Covid-19 do biến chủng này đang giảm dần ở những nơi nó từng hoành hành, gồm Nam Phi và Qatar.
Tuy nhiên, ông Abu-Raddad lưu ý rằng biến chủng Beta có thể chống lại các kháng thể hình thành từ vaccine, và kháng thể hình thành sau khi một người từng mắc bệnh.
Sức kháng cự này mạnh mẽ hơn so với các biến chủng khác, kể cả biến chủng Delta. "Chúng ta không được coi thường nó", ông nói.
Trong bốn tuần qua, Mỹ không ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 do biến chủng Beta. Tổng số ca do biến chủng này gây ra tại Mỹ là 2.231 ca. Ở châu Âu, biến chủng Beta vẫn lây lan, nhưng ở một mức độ thấp hơn so với biến thể Delta.