Theo CNN, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các chính phủ trên khắp thế giới cần đưa ra những động thái quyết liệt nhằm cắt giảm nhu cầu dầu. Cuộc chiến ở Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
IEA đã nêu chi tiết kế hoạch khẩn cấp gồm 10 khuyến nghị, bao gồm giảm tốc độ giới hạn trên đường cao tốc ít nhất 9,6 km/h, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần nếu có thể và nói không với ôtô trong thành phố vào ngày Chủ nhật.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu khí lớn nhất thế giới. Các đòn trừng phạt nhắm vào Nga tác động mạnh tới giá dầu và khí đốt thế giới. Ảnh: Reuters. |
Khó thay thế nguồn cung dầu Nga
Các khuyến nghị dành cho những nền kinh tế tiên tiến như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Nếu làm theo kế hoạch này, nhu cầu toàn cầu có thể sụt giảm, bù đắp phần nào lỗ hổng nguồn cung dầu Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các biện pháp khác bao gồm thúc đẩy dùng ôtô chia sẻ, sử dụng tàu cao tốc và tàu đêm thay vì đi máy bay, tránh đi công tác bằng máy bay nếu có thể, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, đi bộ và đạp xe.
Theo IEA, nếu thực hiện các biện pháp kể trên, nhu cầu dầu thế giới có thể giảm 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng. Con số đó tương đương lượng dầu được tiêu thụ bởi tất cả ôtô tại Trung Quốc.
Tác động có thể rõ rệt hơn nếu những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc cũng áp dụng một phần hoặc toàn bộ kế hoạch nói trên.
Mỹ và các thành viên IEA khác nhận ra rằng việc mất đi nguồn cung dầu Nga sẽ tạo thành cú sốc nguồn cung lớn. Và ngay cả việc xả kho dầu dự trữ hay OPEC+ tăng sản lượng dầu cũng không thể bù đắp
Ông Bob McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy
Tuy nhiên, kế hoạch giảm nhu cầu dầu khẩn cấp sẽ cản trở đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, vốn vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là với giao thông vận tải.
"Do những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, thế giới có thể phải đối mặt với cú sốc nguồn cung dầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế và xã hội", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.
Việc IEA đưa ra kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu dầu cho thấy thế giới có rất ít lựa chọn để thay thế nguồn cung dầu của Nga - nhà sản xuất dầu thứ hai thế giới.
OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) ra tín hiệu sẽ không vội nâng sản lượng dầu. Tổ chức này cho rằng việc giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp đã xoa dịu nỗi lo thiếu hụt nguồn cung.
"Mỹ và các thành viên IEA khác nhận ra rằng việc mất đi nguồn cung dầu Nga sẽ tạo thành cú sốc nguồn cung lớn. Và ngay cả việc xả kho dầu dự trữ hay OPEC+ (OPEC và các đồng minh) tăng sản lượng dầu cũng không thể bù đắp", ông Bob McNally - Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy - bình luận.
Khó kiểm soát giá
Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu tăng vọt trong vòng một tháng qua. Ngay cả khi không nhập khẩu nhiều dầu Nga, giá xăng tại Mỹ cũng tăng phi mã.
Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Vào tháng 12 năm ngoái, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm khác ra toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng.
Sau khi phương Tây áp các lệnh trừng phạt chưa từng có lên nền kinh tế Nga, hầu như mọi nhà giao dịch đều né tránh dầu Nga. Bởi có quá nhiều bất ổn xoay quanh loại hàng hóa này.
Theo ước tính gần đây của JPMorgan Chase, hơn 4 triệu thùng dầu của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Vì thế, các nhà đầu tư định giá dầu như thể nguồn cung dầu từ Nga không còn, dẫn đến giá tăng cao.
Theo ước tính của JPMorgan Chase, hơn 4 triệu thùng dầu của Nga đã bị loại bỏ khỏi thị trường. Ảnh: Reuters. |
Giá dầu thế giới vừa quay trở lại đà tăng sau chuỗi ngày hạ nhiệt ngắn ngủi. "Giá dầu thô dường như đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm và giờ ổn định trên mức 100 USD/thùng, cho đến khi tình hình địa chính trị ở Ukraine và các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran trở nên rõ ràng hơn", chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) tại hãng tư vấn OANDA giải thích.
"Nhu cầu dầu không giảm mạnh như các dự báo trước đó, ngay cả với những lệnh phong tỏa tại Trung Quốc. Nguồn cung dầu dường như vẫn sẽ eo hẹp trong một thời gian khá dài", ông nói thêm.
Theo vị chuyên gia, giá dầu thô WTI sẽ tiếp tục tăng cao nếu các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không có nhiều tiến triển. Ông Moya cũng trích dẫn lời của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Tổng thống Nga Putin vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ dừng xung đột.
"Xung đột dường như sẽ không sớm kết thúc. Điều đó có nghĩa là giá dầu có thể chứng kiến một đợt tăng mạnh nữa", vị chuyên gia tại Oanda cảnh báo.