Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới đóng cửa, Trung Quốc đối mặt cơn bão kinh tế thứ 2

Các nhà máy Trung Quốc đã hoạt động trở lại với công suất gần 100%, nhưng vấn đề của họ giờ là hàng loạt khách hàng nước ngoài hoãn thanh toán hoặc hủy đơn hàng.

Theo South China Morning Post, cuối tháng 2, các ông chủ của một công ty đường ống công nghiệp Trung Quốc lo lắng vì số lượng đơn đặt hàng trong nước sụt giảm sau khi hoạt động sản xuất và bán lẻ bị ngưng trệ do dịch Covid-19.

Chưa đầy một tháng sau, số lượng đơn đặt hàng trong nước gia tăng, các nhà máy trên khắp Trung Quốc hoạt động trở lại với công suất gần bằng công suất trước khi dịch bùng phát. Nhưng giờ Rifeng Enterprise lại có thêm một nỗi lo khác.

Các lệnh phong tỏa từng làm tê liệt hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc giờ bị nhân rộng ra nhiều nơi khác trên thế giới.

Nhu cầu quốc tế sụt giảm

“Chúng tôi đã hoạt động trở lại với 100% công suất để đáp ứng nhu cầu nước ngoài, nhưng đáng buồn là thị trường quốc tế giờ ngừng hoạt động hoặc sắp đóng cửa. Các khách hàng ở Pháp, Italy và Mỹ đều yêu cầu hoãn thanh toán hoặc hủy đơn hàng”, South China Morning Post dẫn lời Jason Cheng, Tổng giám đốc kinh doanh tại Rifeng, chia sẻ.

“Một tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 2008 và 2009. Vào thời điểm đó, doanh thu quốc tế của chúng tôi chỉ bằng 50% doanh thu cùng kỳ năm trước. Tôi chắc rằng câu chuyện tương tự sẽ lại xảy ra vào lúc này”, ông nói thêm.

Hiện, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chuẩn bị cho cơn bão thứ hai từ dịch Covid-19.

Dich virus corona anh 1

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục dù các nhà máy đã hoạt động trở lại. Ảnh: Reuters.

Hai tháng qua, cú sốc nguồn cung đã khiến công xưởng lớn nhất thế giới gần như tê liệt. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại cú sốc thứ hai về cầu sẽ làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng tiếp theo.

Với những nỗ lực ngăn chặn dịch virus lây lan, xuất khẩu của Trung Quốc - chiếm 20% nền kinh tế - sẽ bị ảnh hưởng. Dữ liệu hải quan cho thấy xuất khẩu nước này đã giảm 17,2% trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Giới phân tích cảnh báo viễn cảnh tồi tệ hơn vẫn nằm ở phía trước.

“Khi nhiều nước phải đối mặt với sự bùng nổ của dịch bệnh và các biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn cảnh giác, làm giảm nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc ngay cả khi nền kinh tế đang hoạt động trở lại”, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) viết hôm 20/3.

Chẳng hạn, tình hình ở Mỹ xấu đi nhanh đến mức các nhà kinh tế của Morgan Stanley đã thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế trong quý II/2020 từ -4% xuống còn -30,1%. Giới chuyên gia dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên đến 12,8%, mức tiêu thụ giảm 31%.

"Họ nói không cần hàng nữa rồi hủy đơn"

Stanley Szeto, Chủ tịch hãng dệt may cao cấp Lever Style, cho biết dịch virus corona khiến ông khó đến thăm khách hàng và nơi sản xuất.

Với các nhà máy hợp đồng trên khắp Trung Quốc, Việt Nam và một số khu vực khác ở châu Á, Lever Style sản xuất hàng may mặc cho Hugo Boss, Ted Baker, Fila và All Saints. Nhưng giờ, người tiêu dùng phương Tây đã ngừng mua.

“Bây giờ, chúng tôi có thể đạt công suất 70%, 80% đến 90% tùy cơ sở, đó đã là quá đủ vì nhu cầu không còn. Trong mảng thời trang của chúng tôi, rất nhiều cửa hàng đóng cửa”, ông Szeto than vãn.

Các hãng thời trang như Adidas, Nike, Lululemon Athletica và Under Armour đều tuyên bố đóng cửa hàng loạt cửa hàng ở châu Âu và Mỹ. Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, khách hàng của công ty gấp rút đặt hàng vì lo ngại vấn đề về chuỗi cung ứng. Giờ mọi chuyện đã thay đổi.

“Giờ họ nói họ không cần những hàng hóa này nữa rồi hủy đơn hàng. Khi bên cung hoạt động trở lại, nguồn cung trở nên thừa thãi và không có đủ nhu cầu”, ông Szeto nói thêm.

Dich virus corona anh 2

Nhu cầu nước ngoài sụt giảm là cú sốc thứ hai của nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, bóng ma của dịch virus corona có thể gây ra hàng loạt vụ phá sản. Bloomberg đưa tin đã có 100 công ty bất động sản nộp đơn xin phá sản vào tháng 1 và tháng 2.

Nhu cầu trong nước chưa phục hồi

Tuần trước, một khảo sát chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tăng từ 5,2% lên 6,2%, tương đương 5 triệu người bị mất việc làm. Con số này không kể đến người lao động nhập cư, người lao động chưa thể trở lại làm việc hay không có hợp đồng chính thức.

Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics ước tính dịch Covid-19 có thể khiến những người lao động nhập cư ở Trung Quốc tổn thất đến 800 tỷ NDT (115 tỷ USD) vì không có thu nhập.

Những số liệu này nói lên rằng nhu cầu trong nước sẽ còn tiếp tục giảm. “Tôi nghi ngờ rằng các hạn chế của nguồn cung đã được loại bỏ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để phục hồi nhu cầu. Điều này sẽ trở nên trầm trọng đến mức nhiều người không bị ảnh hưởng thu nhập vẫn quyết định tiết kiệm”, South China Morning Post dẫn lời giáo sư tài chính Michael Pettis tại Đại học Peking.

Biggi Stefansson, chủ sở hữu nhà phân phối hải sản IS Seafood, cho biết hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm giảm sút 94% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông hy vọng mức giảm sẽ ít hơn vào tháng 3.

“Mọi người muốn đi ra ngoài nhưng vẫn còn lo sợ. Nó đã trở thành thói quen mới và sẽ mất một thời gian để phục hồi”, ông Stefansson nói.

Dich virus corona anh 3

5 triệu lao động Trung Quốc mất việc vì dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với công ty cung cấp và phân phối thịt USource ở Bắc Kinh. Hoạt động kinh doanh bị sụt giảm 90% trong tháng 2 và có thể lao dốc 50% vào tháng 3.

Chủ nhà hàng William Kerins tin rằng nhu cầu sẽ dần hồi phục. Nhưng các mặt hàng xa xỉ như của ông vẫn bị ảnh hưởng nặng nề hơn những quán ăn cấp thấp khác.

“Không ai gọi một món ăn đắt đỏ khi ngồi ăn ở nhà. Mảng thực phẩm cao cấp sẽ thiệt hại nặng nề hơn những cửa hàng mì do các hộ gia đình mở bán”, ông nói thêm.

Theo một cuộc khảo sát của Rong360.com, 64,4% người cho biết sẽ hạn chế chi tiêu sau khi dịch bùng phát, 31,4% người không thay đổi thói quen chi tiêu.

“Từ những gì chúng ta có thể thấy, niềm tin của người tiêu dùng tăng lên nhưng không thể trở lại mức trước khi khủng hoảng diễn ra. Lĩnh vực thương mại điện tử có nhiều ưu thế hơn các cửa hàng truyền thống, đặc biệt là thực phẩm, vật tư y tế và các thiết bị thể dục tại nhà”, ông Josh Gardner, nhà sáng lập Kung Fu Data, nhận định.

Nền kinh tế Trung Quốc từng được kỳ vọng sẽ phục hồi theo đồ thị hình chữ V, nghĩa là khôi phục với tốc độ tương tự như khi lao dốc. Nhưng giờ, niềm tin tiêu dùng sụt giảm và các vấn đề về nhu cầu quốc tế khiến hy vọng này trở nên xa vời.

Đa số chuyên gia kinh tế dự đoán nền kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ thu hẹp kỷ lục lần đầu tiên kể từ năm 1976. “Đây là một cú sốc, một cuộc suy thoái tạo nên một Trung Quốc khác, một thế giới khác”, chuyên gia kinh tế Alicia Garcia Herrero tại Natixis bình luận.

Gói cứu trợ Mỹ 1.800 tỷ USD bị tố ưu ái nhà giàu, bỏ qua người nghèo

"Vô lương tâm", "tàn nhẫn" và "khủng khiếp" là cách nhiều nghị sĩ Dân chủ và giới phân tích dùng để mô tả gói cứu trợ 1.800 tỷ USD Tổng thống Mỹ Trump và đảng Cộng hòa đưa ra.

Người nghèo ở Bắc Kinh: 'Chỉ cầu mong cuộc sống trở lại bình thường'

Các biện pháp kiềm chế dịch của Trung Quốc đã đem lại hiệu quả, nhưng việc giao thông ngắt quãng và các cơ sở kinh doanh đóng cửa gây sức ép lớn lên người nghèo nước này.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm