Trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ nhận được viện trợ từ hàng chục quốc gia sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2, các khoản hỗ trợ mà Syria nhận được ít hơn nhiều. Điều đó làm dấy lên lo ngại rằng các nạn nhân ở một bên của biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria có thể bị bỏ rơi trong khi những bên còn lại được hỗ trợ.
Giữa lúc đó, số người thiệt mạng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt mốc 21.000 người. Con số trên dự kiến tiếp tục tăng do sức tàn phá lớn của trận động đất.
"Không được quên người dân Syria"
“Không được quên người dân Syria. Thông thường, những người chịu thiệt hại nặng nề nhất trong những thảm họa như vậy là những người vốn đã dễ bị tổn thương”, Aya Majzoub, Phó giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Giới quan sát nhận định Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO với vị thế quốc tế ngày càng tăng. Trong khi đó, Syria vẫn ở trong tình trạng "chia năm xẻ bảy" sau nội chiến và bị hầu hết quốc gia phương Tây xa lánh.
Một số khu vực của Syria bị ảnh hưởng nặng nề nhất do động đất hiện được chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát, trong khi một số khu vực khác được kiểm soát bởi phe đối lập, phiến quân người Kurd và các chiến binh Hồi giáo Sunni.
Trong khi đó, những quốc gia mà Syria coi là đồng minh thân cận nhất cũng đang phải đối diện với nhiều lệnh trừng phạt.
Nhiều người đứng trên đống đổ nát sau vụ động đất ở Aleppo (Syria) ngày 7/2. Ảnh: Reuters. |
Charles Lister, Giám đốc chương trình Syria và Chống khủng bố - Chủ nghĩa Cực đoan tại Viện Trung Đông ở Mỹ, cho biết: “Đó vẫn là khu vực đang có xung đột. Cuộc khủng hoảng Syria còn lâu mới kết thúc”, ông nói. Ông đồng thời cho biết việc viện trợ của Liên Hợp Quốc tại đây là rất phức tạp.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm 8/2 cho biết 70 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đã đề nghị cứu trợ Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, bao gồm Mỹ, Anh, UAE, Israel và Nga.
Trong khi đó, thông tin về việc cộng đồng quốc tế viện trợ cho Syria ít hơn rõ rệt. Cho đến nay, UAE, Iraq, Iran, Libya, Ai Cập, Algeria và Ấn Độ đã gửi hàng cứu trợ trực tiếp đến các sân bay do chính phủ ông Assad kiểm soát.
Những quốc gia khác như Afghanistan, Saudi Arabia, Qatar, Oman, Trung Quốc, Canada đã cam kết viện trợ, song không rõ chúng có được gửi trực tiếp đến chính phủ ông Assad hay không.
Trong khi đó, chính phủ Syria khẳng định rằng tất cả viện trợ cho đất nước, bao gồm cả viện trợ dành cho các khu vực ngoài tầm kiểm soát của họ, đều phải được chuyển đến thủ đô Damascus.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bassam Sabbagh cho biết chính phủ Syria phải là bên phân phối mọi hàng hóa viện trợ trên lãnh thổ nước này.
Các nhà hoạt động và giới quan sát không hoan nghênh động thái này. Họ lo ngại về việc chính phủ Syria có thể cản trợ việc viện trợ kịp thời cho hàng nghìn nạn nhân của trận động đất ở các khu vực do quân nổi dậy kiểm soát, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, theo Liên Hợp Quốc.
Ở Tây Bắc Syria, nơi vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Tổng thống al-Assad sau hơn một thập kỷ nội chiến, việc vận chuyển hàng viện trợ vẫn còn nhiều vấn đề.
“Không ai liên hệ với chúng tôi để đề nghị giúp đỡ”, Ismail Alabdullah - tình nguyện viên của tổ chức viện trợ nhân đạo White Helmets - cho biết.
Vì sao viện trợ tới Syria khó khăn hơn?
Tranh chấp về quyền kiểm soát viện trợ - cùng với thời tiết xấu, đường sá bị phá hủy và các điểm giao cắt bị đóng cửa - đang cản trở các nỗ lực viện trợ cho miền Bắc Syria, nơi nhiều nhóm nổi dậy kiểm soát, Guardian đưa tin.
“Cộng đồng quốc tế phải khẩn trương tìm cách đảm bảo rằng viện trợ và hỗ trợ khẩn cấp đến được với người dân phía Tây Bắc Syria”, Mai El-Sadany, Giám đốc quản lý tại Viện Tahrir về Chính sách Trung Đông, cho biết.
Theo Liên Hợp Quốc, phía Tây Bắc Syria là nơi hơn 4,1 triệu người phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. CNN nhận định bế tắc giữa chính phủ ông Assad và các lực lượng đối lập sẽ chỉ bóp nghẹt sự trợ giúp từ quốc tế.
“Viện trợ quốc tế cho các khu vực đối lập có khả năng sẽ ít hơn vì điều đó cũng phức tạp hơn. Đó không phải là khu vực do chính phủ kiểm soát và gây khó khăn cho các nhà điều phối viện trợ”, ông Lister nói thêm.
Đống đổ nát sau trận động đất ở thị trấn Jandaris do quân nổi dậy kiểm soát. Ảnh: Reuters. |
Viện trợ của Liên Hợp Quốc cho khu vực đã bị gián đoạn do thiệt hại về đường sá sau trận động đất, cơ quan này cho biết. Cửa khẩu Bab al-Hawa, hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đã bị hư hại.
Madevi Sun-Suon, phát ngôn viên của Văn phòng Liên Hợp Quốc về Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo (OCHA), hôm 7/2 nói: "Chúng tôi đang tìm mọi cách để tiếp cận những người cần hỗ trợ và đánh giá về tính khả thi của từng phương án. Chúng tôi có viện trợ nhưng vấn đề đường sá hiện là một thách thức lớn".
Không những vậy, khu vực do phiến quân kiểm soát cũng đang phải vật lộn với mùa đông khắc nghiệt và đợt bùng phát dịch tả.
“Họ phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo qua cơ chế xuyên biên giới của Liên Hợp Quốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là cơ chế cho phép Liên Hợp Quốc và các đối tác cung cấp viện trợ mà không cần sự cho phép của chính phủ Syria”, bà nói thêm.
Trong khi đó, chính quyền Syria cũng tận dụng cơ hội này để kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào họ.
Đại sứ Syria tại Liên Hợp Quốc Bassam al-Sabbagh hôm 7/2 cho biết máy bay đã từ chối hạ cánh xuống các sân bay của Syria vì lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. “Vì vậy, ngay cả những quốc gia muốn gửi viện trợ nhân đạo, họ cũng không thể sử dụng vận tải hàng không vì lệnh trừng phạt”, ông nói.
Tuy nhiên, Mỹ đã loại trừ khả năng thay đổi quan điểm của mình đối với chính quyền Syria.
Cảnh ngộ của di dân Syria
Mục Thế giới giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Người nuôi ong thành Aleppo" kể về trải nghiệm di cư đến Anh để thoát khỏi cuộc nội chiến Syria. Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, “Người nuôi ong thành Aleppo” không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu đựng.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.