Tòa nhà bị hư hại sau trận động đất ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2. Ảnh: Reuters. |
Các quan chức và nhân viên y tế cho biết số người thiệt mạng vì trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên đến 17.674 người và con số đó ở Syria là 3.377. Điều đó đã nâng tổng số người chết được xác nhận lên 21.051, AFP đưa tin.
Việc giải cứu một cậu bé 2 tuổi sau 79 giờ bị mắc kẹt trong đống đổ nát ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ và một số người khác đã vực dậy tinh thần cho các đội tìm kiếm.
Tuy nhiên, hy vọng về việc giải cứu thêm nhiều người còn sống sót đang mờ dần, Reuters nhận định.
Tổng số người chết ở cả hai quốc gia hiện đã vượt qua con số hơn 17.000 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh tương tự xảy ra ở vùng Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thảm họa đã gây ra "những khó khăn rất nghiêm trọng" cho việc tổ chức cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 14/5, trong đó Tổng thống Tayyip Erdogan được cho là sẽ đối mặt với thách thức khó khăn nhất trong hai thập kỷ cầm quyền.
Một bé gái 9 tuổi được giải cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 9/2. Ảnh: Reuters. |
Hàng trăm nghìn người ở cả hai quốc gia bị mất nhà cửa vào giữa mùa đông. Nhiều người đã tạm trú trong bãi đậu xe siêu thị, nhà thờ Hồi giáo, ven đường hoặc giữa đống đổ nát. Họ thường tuyệt vọng vì thiếu thức ăn, nước uống và không được sưởi ấm giữa mùa đông lạnh giá.
Trong khi đó, vào ngày 8/2, đoàn xe viện trợ động đất đầu tiên của Liên Hợp Quốc đã đến Syria sau 3 ngày trận động đất xảy ra.
Fitch Ratings đánh giá rằng trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể gây thiệt hại kinh tế hơn 4 tỷ USD.
“Khó có thể ước tính thiệt hại kinh tế khi tình hình đang diễn biến, nhưng có vẻ như chúng sẽ vượt quá 2 tỷ USD và có thể lên tới 4 tỷ USD hoặc hơn”, Fitch Ratings công bố.
Tổn thất được bảo hiểm sẽ thấp hơn nhiều, có thể vào khoảng 1 tỷ USD, do phạm vi bảo hiểm thấp trong khu vực này, Fitch cho biết thêm.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.