Từ một cửa hàng 200 m2 trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), qua 15 năm, Thế Giới Di Động đã xây nên một đế chế bán lẻ thiết bị di động, điện máy, thịt rau… trị giá 1,7 tỷ đô.
Mang theo kỳ vọng lớn khi đang chắc chân trong nhóm công ty tỷ đô tại Việt Nam, Thế Giới Di Động ở tuổi trăng tròn có gì trong tay để hiện thực hóa mục tiêu “bán cả thế giới”?
Năm 1995, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài, khi ấy là thạc sĩ tài chính mới từ Pháp trở về Việt Nam, được một tập đoàn liên doanh Thụy Sĩ mời làm việc. Kinh qua vị trí giám đốc tài chính tại đây, rồi giám đốc chiến lược của một công ty mạng di động, Tài vẫn nung nấu khát khao khẳng định bản thân, làm chủ công việc.
Lá đơn xin nghỉ việc của Nguyễn Đức Tài vào năm 2003 khiến nhiều người bất ngờ. Anh cùng 3 người bạn quyết định thành lập Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động trong bối cảnh điện thoại di động khi ấy là mặt hàng xa xỉ của người giàu. Thị trường điện thoại chính hãng cũng rất chật hẹp.
Trong căn phòng hơn 6 m2 thuê trên đường Nguyễn Gia Thiều (quận 3), Tài cùng hàng chục cộng sự dành 200% công lực cho một mô hình bước ngoặt: Kết hợp một trang web và một hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại đi động lớn nhất từ trước tới nay.
Miệt mài 6 tháng, mô hình ấy ra đời với website www.thegioididong.com và 3 cửa hàng bán lẻ điện thoại di động rộng cỡ 20 m2 tại Cách Mạng Tháng Tám, Lê Lai và Hoàng Văn Thụ. Lượng người truy cập website tăng vùn vụt, người đến xem cửa hàng cũng không ngừng nhân lên, nhưng họ đến rồi đi, không mua.
Sau 3 tháng trì níu và thất bại, số vốn 200 triệu đồng bay vèo. Hóa ra người ta đến vì một trang web hoành tráng, nhưng cái họ thấy lại là cửa hàng quá nhỏ. Tài và nhóm bạn sững người, lại bàn tới ngẫm lui rồi cũng tìm ra chân lý: Một khi trang web làm tốt thông tin thì dù cửa hàng ở trong hẻm, người ta cũng tự động tìm đến.
Tháng 10/2004, cửa hàng duy nhất được chọn rộng gần 200 m2 nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu. “Đường một chiều lại nằm phía phần xe tải chạy, ai ghé?”; “Coi chừng tiêu nghen”… là những lời bàn tán Tài và cộng sự nhận được khi ấy. Nhưng thực tế đã chứng minh tầm nhìn của đội ngũ đầu não Thế Giới Di Động là hoàn toàn chính xác.
Chỉ sau 3 năm, hệ thống bán lẻ đã cán mốc gần 20 cửa hàng trải từ TP.HCM, Đồng Nai, miền Tây Nam Bộ ra tới Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng và Hà Nội. Đó là một hệ thống luôn trung thành với triết lý “Kinh doanh sự hài lòng”, “Luôn luôn say Yes”.
Thành công nhờ thay đổi cách thức tiếp cận và phục vụ khách hàng, sau 15 năm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG)đã trở thành nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về doanh thu và lợi nhuận, với mạng lưới hơn 2.200 cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách hóa Xanh trên toàn Việt Nam và chuỗi bán lẻ Bigphone tại Campuchia.
Dù đích đến 10 tỷ USD còn khá xa, ngay từ đầu năm, Thế Giới Di Động đã đặt mục tiêu doanh thu cả năm đạt 108.468 tỷ đồng, tăng 25%; lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.571 tỷ đồng, tăng 24%. Ở vị trí nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, Thế Giới Di Động đã quen với sức ép phải liên tục tăng trưởng cao trong nhiều năm, tăng trưởng doanh thu trung bình đạt hơn 50% mỗi năm.
Ít ai ngờ một tên tuổi chuyên bán điện thoại lại có ngày đạt doanh thu tới 1.700 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm nhờ bán hơn 10 triệu xoong nồi, dụng cụ nhà bếp... đồng thời đặt mục tiêu đạt 7.000 tỷ đồng từ mặt hàng này trong năm nay. Cả đồng hồ và mắt kính cũng nhập cuộc với mô hình shop-in-shop trong các cửa hàng thegioididong.com và Điện máy Xanh. Đây là những sản phẩm sẽ giúp kéo doanh thu trên mỗi cửa hàng hiện hữu tăng lên. Và “cũng không loại trừ khả năng những mặt hàng khác sẽ tiếp tục được đưa vào nhằm tạo động lực cho tăng trưởng”, CEO hai chuỗi thegioididong.com và Điện máy Xanh Đoàn Văn Hiểu Em từng chia sẻ.
Về Bách hóa Xanh, theo tính toán của công ty, đến cuối năm 2020, Bách hóa Xanh sẽ mở thêm 700-1.000 cửa hàng, doanh thu chắc chắn vượt 3.000 tỷ đồng/tháng của chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động. Đến năm 2022, doanh thu của Bách hóa Xanh bằng doanh thu 2 chuỗi này cộng lại.
Những con số khổng lồ này khiến người ta một lần nữa nhớ lại xuất phát điểm không bằng phẳng của Thế Giới Di Động 15 năm trước, khi vị Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài quyết định ngưng làm thuê, về làm chủ. Hay “câu chuyện cười” với nhiều người vào năm 2009, khi ông Tài tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ điện thoại di động ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Tài không chỉ làm được mà còn làm rất lớn. Ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital, cho biết: “Khi chúng tôi đầu tư vào Thế Giới Di Động năm 2007, họ mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty 10 triệu USD. Hiện nay, Thế Giới Di Động có 3 thương hiệu với gần 3.000 cửa hàng và hơn 40.000 nhân viên khắp cả nước”.
So với mục tiêu ban đầu của Mekong Capital là đạt 50 cửa hàng và giá trị công ty là 50 triệu USD, sự thành công vượt quá kỳ vọng cao nhất của nhà đầu tư này.
Ông Chris Freund cho rằng đây là một trong những khoản đầu tư thành công nhất lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á. Ông cũng từng chỉ ra có nhiều yếu tố tạo nên thành công cho Thế Giới Di Động, nhưng cốt lõi là sự cởi mở, chủ động, sẵn sàng cải tiến.
Nhờ luôn cải tiến, công ty của ông Tài giờ đã trở thành hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu Việt Nam, đồng thời là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với vốn hóa 1,7 tỷ USD, nằm trong top những công ty kinh doanh hiệu quả nhất.
Ngày 28/6, trao giải “Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam 2018” cho Thế Giới Di Động, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, top 50 công ty được vinh danh lần này xứng đáng là đại diện cho cộng đồng kinh tế năng động của Việt Nam. Kết quả kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam tự tin, cạnh tranh sòng phẳng bằng năng lực.
Các doanh nghiệp Việt như Thế Giới Di Động đang tạo ra xung lực mới cho khối kinh tế tư nhân - được coi là động lực quan trọng để phát triển đất nước với đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng. Bản thân công ty 10 năm qua tăng trưởng liên tục với các con số ấn tượng: Doanh thu tăng 44 lần, thống trị 45% thị phần điện thoại di dộng, 35% thị phần điện máy.
Ông Tài từng ví doanh nghiệp của mình như “một con báo gấm với những cú nước rút kinh điển” khi doanh thu, lợi nhuận cũng bắt kịp được tốc độ mở chuỗi khi đều đặn tăng trưởng. “Mục tiêu của tôi bây giờ là doanh thu 10 tỷ USD năm 2022”, ông Tài cho biết.
Để đạt mục tiêu đó, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh được xác định là tương lai của Thế Giới Di Động. Người ta không biết chính xác khi nào Thế Giới Di Động đạt 10 tỷ USD, nhưng biết chắc chắn công ty này có kế hoạch cụ thể để đạt con số đó. “20 năm tới, MWG sẽ là một đế chế bán lẻ. Chúng tôi không chỉ ngồi đây mà còn đi ra thế giới” là tham vọng được ông Tài tiết lộ gần đây.
“Thế Giới Di Động có kế hoạch rất rõ ràng để phát triển doanh nghiệp và theo dõi các KPI quan trọng. Họ xây dựng một đội ngũ quản lý vững mạnh và văn hóa doanh nghiệp xuất sắc, đặt lợi ích của khách hàng lên đầu, tạo nên một bộ máy không ngừng đặt ra các tiêu chuẩn mới cho ngành bán lẻ Việt Nam”, ông Chris Freund cho biết.
CEO Mekong Capital cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi thoái vốn khỏi Thế Giới Di Động năm 2018, đồng thời tin tưởng doanh nghiệp này sẽ thành công hơn nữa, đặc biệt khi đang đẩy mạnh Bách hóa Xanh thành chuỗi siêu thị hàng đầu Việt Nam. Thực tế cho thấy từ Thế Giới Di Động, những lãnh đạo trẻ của công ty hoàn toàn có thể chuyển thành “di động quanh thế giới” để tạo ra năng lực “bán cả thế giới”.