Thông tin 22 cửa hàng của MWG rời khỏi hệ thống Big C khiến không ít người đặt câu hỏi MWG bị động và chịu nhiều sức ép buộc phải rời khỏi hệ thống Big C. Tuy nhiên doanh nghiệp này cho rằng mọi việc chỉ thực hiện dựa trên các thỏa thuận kinh tế thông thường.
Ông Trần Kinh Doanh, Tổng giám đốc MWG, chia sẻ việc di dời này không phải là điều mong muốn, nhưng nó đúng với các thỏa thuận kinh tế giữa hai bên trong trường hợp phải chấm dứt sớm. Hai bên sẽ thực hiện mọi trách nhiệm của mình khi quyết định dừng hợp tác.
Ông Doanh cũng cho biết MWG chủ động hoàn tất việc di dời trong tháng 8 nên không có gì bất cập.
Thế giới Di động rút 22 cửa hàng khỏi Big C sau một năm hợp tác. Ảnh: Bình Nguyên. |
Hiện MWG có gần 1.000 cửa hàng khắp cả nước. Việc đóng 22 cửa hàng này không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Việc xáo trộn nhân sự, vận hành cũng không phải là vấn đề lớn.
Ông Doanh khẳng định nhu cầu nhân sự của MWG là rất lớn nên quyền lợi nhân viên của 22 cửa hàng vừa đóng cửa vẫn được đảm bảo. Bởi lẽ doanh nghiệp đang trong kế hoạch mở rộng hệ thống và có những tháng phải tuyển mới cả nghìn nhân viên.
Trong tháng 8 MWG vẫn ghi nhận mức tăng mới thêm 2 cửa hàng. Trung bình mỗi tháng đơn vị này có thêm hàng chục cửa hàng mới.
Trong báo cáo tình hình kinh doanh 8 tháng đầu năm 2016, MWG đạt doanh thu 27.028 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chuỗi Thế giới di động đạt doanh thu 19.399 tỷ đồng, tăng 53% và Điện máy Xanh 7.629 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phòng truyền thông của chuỗi siêu thị Big C Việt Nam cũng cho rằng việc ngưng mô hình shop-in-shop của nhà bán lẻ MWG tại hệ thống Big C là thỏa thuận kinh doanh được hai bên thống nhất trên tinh thần hợp tác và tự nguyện, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của hai bên.
Thực tế mô hình shop-in-shop (cửa hàng nằm trong cửa hàng) được hình thành trước đây, khi Big C còn thuộc tập đoàn Casino Group. Khi Big C chuyển sang cho Central Group quản lý thì đơn vị này vẫn duy trì mô hình. Đến nay, MWG và Big C đã thỏa thuận nhưng chưa đạt được lợi ích chung nên chấp nhận chấm dứt hợp đồng.
Dù cả hai bên không chia sẻ lý do tại sao phải chấm dứt, nhưng nhiều người ngầm hiểu Big C thuộc sở hữu của Tập đoàn Thái Lan Central Group là nguyên nhân chính, khi đại gia Thái cũng đang nắm trong tay 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
Hiện Big C chưa công bố kế hoạch kinh doanh mặt hàng điện máy theo mô hình shop-in-shop sau khi MWG rút ra khỏi hệ thống. Nhiều người dự đoán Nguyễn Kim sẽ thế chân. Việc vận hành hai hệ thống bán cùng sản phẩm trong một mặt bằng bán lẻ tại Big C được đánh giá là có xung đột về lợi ích kinh doanh.
MWG khởi động mô hình kinh doanh trong các siêu thị khi bắt tay với Big C hợp tác để triển khai mô hình chuỗi siêu thị shop-in-shop (cửa hàng nằm trong cửa hàng). Cửa hàng đầu tiên được mở theo mô hình này tại siêu thị Big C Đồng Nai vào tháng 3/2015.
Điểm thuận tiện của mô hình này là để tận dụng mật độ khách hàng sẵn có tại các trung tâm thương mại mà chi phí đầu tư hạ tầng không quá cao.
Khi Big C về tay Central Group thì mô hình này của MWG không còn được duy trì mà có thể sẽ thay thế bằng một thương hiệu khác.
Hiện mô hình shop-in-shop đã được một số nhà bán lẻ sản phẩm công nghệ như MWG, Viễn Thông A… áp dụng nhằm mở rộng kênh bán hàng.
Chuỗi bán lẻ Viễn Thông A đã bắt đầu đưa cửa hàng bán lẻ của mình vào các hệ thống như CoopMart, Lotte Mart… từ cuối năm 2009. Tại một số siêu thị Big C cũng đang hiện diện các cửa hàng bán lẻ Viễn Thông A theo mô hình này.