Theo báo cáo tài chính của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, từ 2 điểm bán thử nghiệm vào tháng 4 tại TP.HCM, tính đến cuối tháng 9, nhà bán lẻ này đã có 43 cửa hàng bán xe đạp trên toàn quốc. Thực tế, cuối tháng 10, số lượng cửa hàng bán xe đạp của Thế Giới Di Động đã tăng lên 58, trong đó phát triển mạnh tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO của Thế Giới Di Động, cho biết hệ thống dự kiến khai thác thêm 47 điểm bán trong tháng 11, đưa tổng số cửa hàng bán xe đạp trên toàn quốc lên 105, tiến sát mục tiêu 150 điểm bán vào cuối năm. Với tốc độ trên, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 cửa hàng bán xe đạp mới được mở.
Thế Giới Di Động đặt mục tiêu mở 150 điểm bán xe đạp trong năm nay. |
Trong báo cáo tài chính quý III, Thế Giới Di Động nhận định việc mỗi cửa hàng Điện máy Xanh tận dụng phần diện tích sân trước để kinh doanh xe đạp, dự kiến giúp tăng 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng doanh thu hàng tháng khi hoạt động ổn định, mà không phát sinh chi phí vận hành đáng kể.
Quy mô thị trường này ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm và đang có xu hướng tăng khi nhu cầu vận động, nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch ngày càng cao.
Theo báo cáo từ Savills, tại Việt Nam, nhiều cửa hàng và các nhà bán lẻ lớn phải đóng cửa hoặc thu hẹp dưới tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn tồn tại ngành hàng hoạt động tốt với lượng khách hàng khả quan. Thậm chí, những doanh nghiệp này còn có xu hướng mở rộng. Việc Thế Giới Di Động khai trương chuỗi cửa hàng bán xe đạp là một trong những câu chuyện điển hình về sức sống và định hướng phát triển của doanh nghiệp nội sau dịch bệnh.
Thế Giới Di Động đẩy nhanh việc khai trương chuỗi cửa hàng ở thời điểm nhu cầu vận động của người dân tăng cao. |
Bên cạnh lợi thế khi các nhà bán lẻ nhỏ phải rời thị trường và tạo ra khoảng trống, Thế Giới Di Động cũng lựa chọn thời điểm tăng tốc mở chuỗi phù hợp nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài ra, tại thị trường Việt Nam, chưa hệ thống nào sở hữu hàng trăm cửa hàng bán xe đạp được đầu tư bài bản. Phần lớn đều là những cửa hàng nhỏ lẻ. Đây là lợi thế để Thế Giới Di Động nhanh chóng tham gia và vươn lên nắm thị phần.
Thực tế, ngoài việc đẩy nhanh mở chuỗi để tăng độ phủ, Thế Giới Di Động cũng bán sản phẩm thuộc mọi phân khúc để phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng. Đơn cử, ngoài bán lẻ các thương hiệu đang có tại thị trường Việt Nam như Fornix, Giant, Royal Baby, Martin 107, Asama, Thống Nhất... nhà bán lẻ này còn nhập khẩu sản phẩm trực tiếp tại nguồn để tăng mẫu mã, chủng loại và giảm giá thành cho khách hàng.
Với những lợi thế trên, cùng kinh nghiệm mở rộng kinh doanh các sản phẩm ngoài công nghệ, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết Thế Giới Di Động có cơ sở để kỳ vọng xe đạp mang về doanh thu 500 tỷ đồng vào cuối năm 2022.