Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế Giới Di Động 'bị trói tay' khi 70% cửa hàng tạm đóng cửa

Với 2.000 cửa hàng tạm đóng cửa và mảng online cũng gặp khó, Thế Giới Di Động - Điện Máy Xanh đang bị “trói tay trói chân”, doanh số tháng 7-8 suy giảm.

Đó là những khó khăn mà ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc 2 chuỗi Thế Giới Di Động - Điện Máy Xanh (TGDĐ - ĐMX), nêu ra trong cuộc họp với nhà đầu tư mới đây.

Ông Hiểu Em kỳ vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát từ giữa tháng 9-10 trở đi, chuỗi bán hàng công nghệ này sẽ nỗ lực chạy đua với kế hoạch năm nay để có thể giữ được tăng trưởng dương như chỉ tiêu đặt ra từ ban đầu.

Theo báo cáo 7 tháng đầu năm, doanh thu TGDĐ - ĐMX vẫn đạt tăng trưởng dương 3% lên mức hơn 54.350 tỷ đồng, tương đương với 58% kế hoạch năm. Với quỹ thời gian còn lại đến cuối năm, doanh nghiệp kỳ vọng có thể đạt được kế hoạch năm nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt.

70% cửa hàng đóng cửa

Chuỗi bán hàng công nghệ bắt đầu chịu tác động lớn từ dịch bệnh. Trong khoảng đầu tháng 5 đến giữa tháng 7, khoảng 600-800 cửa hàng của công ty tạm đóng cửa và hạn chế bán hàng. Dù vậy, giai đoạn này vẫn chưa thật sự quá nghiêm trọng khi hoạt động giao hàng online vẫn được thực hiện giúp duy trì doanh số.

The Gioi Di Dong,  Ban hang cong nghe,  The Gioi Di Dong tam dong cua hang anh 1

70% cửa hàng quan trọng của TGDĐ/ĐMX tạm đóng cửa. Ảnh: T.L

Ông Hiểu Em đánh giá giai đoạn từ giữa tháng 7 đến hiện tại, tác động của dịch bệnh nghiêm trọng hơn, buộc toàn chuỗi này phải đóng cửa và hạn chế hoạt động 2.000 cửa hàng. Ngoài ra, việc siết chặt Chỉ thị 16 dẫn đến việc bán hàng online cũng khó thực hiện nên doanh nghiệp gần như bị “trói tay trói chân”, điều này dự kiến ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh tháng 7-8.

2.000 cửa hàng này chiếm khoảng 70% số lượng cửa hàng toàn quốc (2.700 shop) của TGDĐ - ĐMX. Điều đáng chú ý khi đây là những cửa hàng ở Hà Nội, TP.HCM hay trung tâm tài chính lớn nên đóng góp tỷ trọng rất lớn vào doanh thu.

“Mặc dù chỉ chiếm 70% số lượng nhưng nhóm này có thể đóng góp 85-90% doanh thu, chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì doanh số của mình tầm khoảng 40% so với thời điểm trước đây”, ông Hiểu Em chia sẻ.

Về bán hàng online, TGDĐ - ĐMX đặt mục tiêu doanh thu tăng khoảng 50% lên 13.500 tỷ đồng trong năm nay. Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, doanh thu online đạt khoảng 6.000 tỷ đồng và thực hiện 45% kế hoạch năm.

Đặc biệt doanh số tháng 7 đạt khoảng 1.000 tỷ, tăng 75% so với cùng kỳ khi nhu cầu mua sắm online được đẩy lên do dịch bệnh. Ông Hiểu Em cho biết đã có những điều chỉnh chiến lược cho hoạt động online để tạo ra sức cạnh tranh vượt trội, đồng thời dịch bệnh cũng là lợi thế cho mảng này tiếp tục phát triển thời gian tới.

Ưu tiên giảm chi phí hoạt động

Theo lãnh đạo TGDĐ - ĐMX, khi 2.000 cửa hàng tạm đóng cửa và online cũng cũng gặp khó khăn, không có cơ hội phát triển doanh thu nên doanh nghiệp tập trung tiết giảm chi phí tốt nhất.

Một số phương án được đưa ra như điều động 40% nhân sự đang làm việc tại các cửa hàng tạm đóng cửa để chuyển sang hỗ trợ bán hàng tại mô hình Bách Hóa Xanh cùng tập đoàn, điều này cũng góp phần giúp Bách Hóa Xanh không bị quá tải. Do nhân sự điều điều chuyển nên TGDĐ - ĐMX đã giảm được các chi phí này.

Mặt khác, công ty cũng đang thương lượng với các chủ nhà để có những hỗ trợ giảm giá mặt bằng và đang nỗ lực thực hiện. Tiếp theo là phương án tiết giảm các chi phí vận hành tại cửa hàng như điện nước…

Song song đó TGDĐ - ĐMX cũng đang có những điều chỉnh về mặt thu nhập đối với cấp quản lý, theo tiêu chí cấp càng cao thì tác động thì điều chỉnh thu nhập càng lớn, giúp tiết giảm chi phí càng cao.

“Không có chuyện nhân viên đến giờ trực tại các shop đang tạm đóng cửa mà mở máy lạnh từ sáng đến chiều, mở đèn suốt ngày… không thể có như vậy, chúng tôi phải tiết giảm tốt nhất”

Ông Đoàn Văn Hiểu Em

“Thời điểm bình thường chúng tôi đưa mục tiêu để đạt được doanh số, còn thời điểm này làm sao để tiết giảm chi phí thì chúng tôi đưa ra các đầu mục tiết giảm để thực hiện một cách tốt nhất, mang về kết quả tốt nhất”, ông Hiểu Em khẳng định.

Đối với việc cung ứng hàng hóa, CEO Thế Giới Di Động nhận thấy không thấy bất kỳ rủi ro nào, việc vận hành và mua hàng đều được tính trên hệ thống ERP, các đơn hàng được lên kế hoạch cho từng nhà cung cấp và giao đến từng cửa hàng.

Ông Hiểu Em nói thêm doanh nghiệp đang làm việc với các nhà cung cấp theo tuần, theo tháng và thậm chí theo quý, nên các biến động ở hiện tại không có tác động lớn đến tình hình tồn kho hiện tại. Do quản lý bán hàng đến từng cửa hàng nên việc đặt hàng cũng lập tức điều chỉnh nếu có biến động.

Ngoài ra sản phẩm của TGDĐ - ĐMX đang kinh doanh thường có vòng đời khá dài, do đó tác động của dịch bệnh không gây ra nhiều rủi ro về lỗi mốt, việc trích lập dự phòng vẫn có nhưng cũng không phải con số lớn.

Đẩy mạnh sau dịch bệnh

Vị này cũng nhắc thêm đã bắt đầu công tác chuẩn bị hàng hóa, để trường hợp dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ triển khai ngay một số chương trình bán hàng sau dịch và bán hàng dịp Tết, việc chuẩn bị hàng tồn kho được xem là yếu tố quan trọng cho thời gian tới.

Ông Hiểu Em cũng chia sẻ thêm về các thử nghiệm mới dù chưa đạt kỳ vọng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh những cũng có những tín hiệu khả quan ban đầu. Trong đó ông khẳng định mô hình bán hàng cộng tác viên không có ảnh hưởng đến các cửa hàng của tập đoàn.

Kênh bán hàng cộng tác viên này chỉ phát triển ở những nơi chưa có cửa hàng TGDĐ - ĐMX hoạt động, thậm chí đơn hàng giao tới cũng không thuộc nơi có cửa hàng của tập đoàn nên không có việc "dậm chân" lên khách hàng hiện hữu.

Thử nghiệm bán hàng này được khởi động từ cuối tháng 5 và đến nay đã có 2.600 đại lý với doanh số khoảng 35 tỷ đồng/tháng, chưa đạt được mục tiêu ban đầu là 10.000 đại lý và 100 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng đang điều chỉnh lại hệ thống để tăng tốc ngay sau dịch được kiểm soát, nhằm đạt được con số đã đề ra.

DOANH THU THEO THÁNG CỦA CHUỖI TGDĐ - ĐMX
Năm 2021
NhãnTháng 1Tháng 2Tháng 3Tháng 4Tháng 5Tháng 6Tháng 7
Doanh thu Tỷ đồng 8730901571337482869078805220

Thử nghiệm mặt hàng xe đạp dự kiến mở 150 cửa hàng theo hình thứ shop-in-shop, tức là mở rạp ngay trước cửa hàng Điện Máy Xanh. Tuy nhiên cũng do dịch bệnh nên mô hình chưa thể tăng tốc khi dự kiến chỉ có 30 cửa hàng vào cuối tháng 8.

Dù vậy ông Hiểu Em khẳng định không thay đổi mục tiêu 150 shop và sẽ đẩy mạnh mở mới sau dịch bệnh, mọi công tác chuẩn bị đều đã sẵn sàng. Ông ước tính nếu đạt 150 trên cửa hàng và sản lượng bán 12-15 xe mỗi ngày (giá trung bình 3,5 triệu đồng) thì mỗi tháng doanh số bán xe đạp có đóng góp rất lớn khoảng 1-1,5 tỷ đồng cho mỗi cửa hàng.

Với thị trường nước ngoài, tập đoàn này đã chuyển đổi từ cửa hàng Bigphone sang Bluetronics tại Campuchia để đa dạng hóa sản phẩm và tăng doanh thu, số lượng hiện có là 50 shop để đứng đầu thị trường nước này.

Doanh thu trung bình Bluetronics trả ra khoảng 1,2 tỷ/tháng nhưng gần đây dịch bệnh tác động nặng nề khiến nhiều cửa hàng đóng cửa và chưa đạt được mục tiêu có lời. Ông Hiểu Em dự báo khi dịch bệnh được kiểm soát thì chuỗi này sẽ đạt được mục tiêu có lời, bởi biên lợi nhuận gộp hiện tại khoảng 22% nhưng chi phí đầu tư ban đầu đang lớn nên khó sinh lời.

“Ngoài việc đóng góp doanh thu thử nghiệm này còn có ý nghĩa lớn hơn, đây là mô hình chúng tôi mang sang một thị trường lạ lẫm nên có nhiều phát sinh về văn hóa tiêu dùng, mua hàng, xây dựng, nhà cung cấp, giao hàng, bảo hành…", ông Hiểu Em nói.

"Nhưng điều này giúp chúng tôi học rất nhiều, là bàn đạp để manh nha nhắm tới các thị trường khác như Indonesia hay Philippines. Dịch bệnh đang làm mọi kế hoạch đứng lại nhưng một khi được kiểm soát được thì khả năng Điện Máy Xanh sẽ chinh phục một vài thị trường trong khu vực”, vị doanh nhân gợi mở.

Bách Hóa Xanh kinh doanh ra sao trong tháng 7

Cao điểm tích trữ và giãn cách trong tháng 7 giúp Bách Hóa Xanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tăng cao khiến biên lợi nhuận đi xuống.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm