Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bách Hóa Xanh kinh doanh ra sao trong tháng 7

Cao điểm tích trữ và giãn cách trong tháng 7 giúp Bách Hóa Xanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tăng cao khiến biên lợi nhuận đi xuống.

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố doanh thu thuần hợp nhất 7 tháng đầu năm đạt gần 72.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 2.784 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Trong đó doanh thu online đóng góp hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2021, tập đoàn bán lẻ này đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu thuần là 125.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với kết quả năm 2020. Với kết quả trên, doanh nghiệp đã thực hiện 58% chỉ tiêu doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dau tu The Gioi Di Dong,  Bach Hoa Xanh,  chuoi ban le thuc pham anh 1

Tóm tắt thông tin kinh doanh 7 tháng. Nguồn: MWG.

Tuy nhiên nếu tính riêng tháng 7, doanh thu thuần chỉ đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng và có lãi 231 tỷ, tăng 10% về doanh thu và giảm 29% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm trước.

Diễn biến trái ngược này là do có gần 2.000 cửa hàng công nghệ (chiếm 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc) phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ gia tăng doanh số vượt bậc của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).

BHX thu kỷ lục nhưng biên lợi nhuận giảm

Chuỗi bán lẻ thực phẩm của MWG đang chứng kiến tăng trưởng cao khi doanh số BHX ghi nhận kỷ lục mới 4.240 tỷ đồng trong tháng vừa qua, tương đương tăng 55% so với tháng 6 và tăng 133% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay và cách rất xa con số 1,4 tỷ đồng/cửa hàng hồi tháng 6. Sự tăng trưởng vượt trội này giúp đẩy tỷ lệ đóng góp của BHX trong tổng doanh thu của MWG lên tới 45%, so với mức khoảng 20% trước đây.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cung với giá cả hợp lý để đáp ứng nhu cầu hơn 31.000 tấn hàng tươi sống cho khách hàng trong tháng 7, gấp gần 2,5 lần so với mức trung bình trước dịch.

Thống kê trong tháng vừa qua, chuỗi thực phẩm này đã phục vụ hơn 27 triệu lượt khách hàng (tương đương 900.000 lượt phục vụ trung bình mỗi ngày), gấp 1,4 lần so với mức trung bình trước dịch.

“BHX cam kết tập trung mọi nguồn lực cho việc tăng sản lượng, nhập hàng và đưa hàng lên kệ nhanh nhất để phục vụ người tiêu dùng, mặc dù đội ngũ nhân viên tại cửa hàng và hệ thống kho vận phải chia đôi, vận hành theo ca cách ngày để giảm thiểu rủi ro gián đoạn hoạt động kinh doanh. Nhiều ngày chuỗi phải hoạt động với số lượng nhân sự dưới 50% so với điều kiện bình thường”, báo cáo MWG viết.

Dau tu The Gioi Di Dong,  Bach Hoa Xanh,  chuoi ban le thuc pham anh 2

Bách Hóa Xanh thu kỷ lục 4.000 tỷ đồng trong tháng 7. Ảnh: Phương Lâm.

Bên cạnh việc doanh thu tăng đột biến do nhu cầu dự trữ thực phẩm tăng mạnh trước đợt giãn cách xã hội, BHX cũng ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm so với tháng 6. Việc này do nguồn cung và cách thức cung ứng hàng hóa thay đổi đột ngột, dẫn tới nhiều chi phí mới phát sinh.

Đơn vị vận hành chuỗi cho biết các chi phí biến đổi đã tăng lên tương ứng theo sự mở rộng của doanh thu. Tuy nhiên nhờ đạt đến quy mô lớn, BHX đang kiểm soát tỷ lệ chi phí cố định trên doanh thu tốt hơn để tiếp tục cải thiện hiệu quả hoạt động.

Tính lũy kế 7 tháng đầu năm, BHX ghi nhận doanh thu hơn 17.600 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Trong đó mảng online ghi nhận số lượng đơn hàng và doanh thu gấp gần 5 lần so với cùng kỳ, đóng góp tỷ trọng 3% vào doanh thu toàn chuỗi.

Kênh BHX online ghi nhận kỷ lục hơn 315.000 đơn hàng giao thành công trong tháng vừa qua, gấp 1,5 lần so với mức trung bình trước dịch. Các ngày cao điểm còn ghi nhận đến 20.000 đơn khiến thời gian giao hàng bị chậm so với trước đây.

“BHX là kênh online duy nhất ở Việt Nam tại thời điểm này có năng lực phục vụ hơn 10.000 đơn hàng thực phẩm và hàng thiết yếu mỗi ngày, tại 24 tỉnh thành khu vực phía Nam”

Bán hàng công nghệ gặp khó

Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) ghi nhận hơn 5.220 tỷ đồng riêng tháng 7 trong khi phần lớn cửa hàng đang tạm đóng hoặc hạn chế hoạt động để phòng dịch. Lũy kế 7 tháng đạt hơn 54.150 tỷ đồng.

Do khó khăn từ việc đóng cửa, tập đoàn này đang đẩy mạnh các hoạt động bán hàng online với giá trị xấp xỉ 1.000 tỷ đồng trong tháng 7, tăng 61% so với cùng kỳ nhưng giảm 17% so với tháng 6 do siết chặt hoạt động giao hàng tại một số địa phương. Doanh thu online lũy kế gần 6.000 tỷ đồng.

Riêng mô hình Điện Máy Xanh supermini đóng góp gần 3.500 tỷ đồng doanh thu lũy kế và chiếm xấp xỉ 10% doanh thu của chuỗi điện máy. Mô hình cửa hàng nhỏ vẫn gần như duy trì được mức doanh số trước dịch và hiện có 589 cửa hàng (trong đó 23 cửa hàng mở mới trong tháng 7).

Về ngành hàng, lũy kế 7 tháng đầu năm, điện thoại, laptop, gia dụng tiếp tục tăng trưởng dương và điện lạnh duy trì mức doanh số tương đương cùng kỳ. Điện tử (chủ yếu là tivi) tăng trưởng âm so với 7 tháng năm 2020.

Tập đoàn nhận định việc siết chặt giãn cách xã hội ở nhiều địa phương để kiểm soát dịch bệnh có thể khiến kết quả kinh doanh tháng 8 dự kiến là tháng thấp điểm.

“Khi các biện pháp giãn cách còn kéo dài trong các tháng cuối năm, kế hoạch kinh doanh được công ty đề ra từ đầu năm sẽ khó thực hiện được. Tuy vậy, tập đoàn sẽ luôn nỗ lực để bảo vệ doanh số và lợi nhuận”, theo báo cáo MWG.

Thế Giới Di Động giảm phân nửa cổ tức vì dịch bệnh

Đứng trước rủi ro dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, MWG đã thực hiện giảm tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt từ 10% xuống còn 5%.

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm