Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố doanh thu quý II tăng trưởng 20% lên 21.658 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm đạt 62.487 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ tập đoàn có thêm 1.000 cửa hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng có sự tăng lên khoảng 20-25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên biên lợi nhuận cao hơn cùng kỳ do mức nền so sánh thấp (chịu ảnh hưởng của đợt giãn cách đầu tiên tháng 4/2020). Theo đó lợi nhuận sau thuế tăng 26% lên 2.552 tỷ đồng.
Tổng hợp kết quả nửa đầu năm của MWG. Nguồn: MWG |
Năm 2021, tập đoàn bán lẻ này đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu thuần là 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với kết quả năm 2020. Với kết quả trên, mục tiêu lợi nhuận đã đạt tiến độ gần 54% kế hoạch năm.
Doanh thu online đóng góp gần 5.300 tỷ đồng cho MWG, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Kênh online riêng tháng 6 tăng 30% so với tháng 5 và tăng 67% so với mức trung bình 4 tháng đầu năm do nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh.
Thu 1,4 tỷ đồng/ngày từ bán thực phẩm
Hoạt động kinh doanh của MWG chia làm 2 cấu phần chính là chuỗi bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh cùng với chuỗi bán lẻ công nghệ (gồm Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh - TGDĐ/ĐMX). Trong đó Bách Hóa Xanh đang trở thành động lực tăng trưởng chính khi ghi nhận 13.360 tỷ đồng doanh thu, tăng 42% trong nửa đầu năm.
Tính riêng tháng 6, chuỗi thực phẩm ghi nhận mức doanh thu cao kỷ lục vượt mốc 2.700 tỷ đồng, tăng 7% so tháng 5 và tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng tháng 6 đạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Tập đoàn cho biết Bách Hóa Xanh đã tiếp tục cải thiện biên EBITDA nhưng vẫn đang ghi nhận lỗ ở cấp độ công ty. Lãnh đạo tập đoàn này từng kỳ vọng chuỗi bán lẻ này sẽ có lãi EBITDA ở cấp độ công ty vào cuối năm nay và thực sự có lãi vào năm 2022.
Kênh Bách Hóa Xanh online ghi nhận số lượng đơn hàng gấp 5 lần và doanh thu gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Sau một năm đầu tư nguồn lực để phát triển, kênh online đang phục vụ từ 8.000 đến 10.000 đơn hàng mỗi ngày tại 23 tỉnh thành.
Mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh thu bình quân 1,4 tỷ đồng/ngày trong tháng 6. Ảnh: Phương Lâm. |
Hiện chuỗi này có tổng cộng 1.888 điểm bán, nhờ mở mới 37 cửa hàng trong tháng 6 và đã xuất hiện tại 25 tỉnh thành, trong đó gần 80% số cửa hàng hoạt động tối thiểu 1 năm (khai trương trước 1/7/2020).
Trong tháng 7, Bách Hóa Xanh phục vụ khối lượng lớn với khoảng 800.000 đến 1 triệu lượt khách hàng trung bình mỗi ngày, gây ra thách thức cho việc vận hành. Chuỗi này gần đây bị nhiều phản ánh về giá bán tăng cao, xuất hóa đơn sai…
“Khi nhu cầu tiêu dùng, nguồn cung và cả cách thức cung ứng hàng hóa đồng loạt thay đổi một cách đột ngột nhưng nhân lực có giới hạn nên chưa thể đáp ứng kịp tải công việc, nhiệm vụ nhập hàng và đưa hàng lên kệ nhanh nhất có thể được ưu tiên tập trung nguồn lực. Do đó, những thiếu sót trong quá trình phục vụ khách hàng là điều không thể tránh khỏi và Bách Hóa Xanh đang cố gắng rà soát để xử lý”, báo cáo gửi cổ đông của MWG viết.
Tập đoàn này khẳng định đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung với giá cả ổn định nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng cho người tiêu dùng. Bách Hóa Xanh đang tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro dịch bệnh và chấn chỉnh những điểm chưa chính xác trong khâu vận hành để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Bán lẻ công nghệ cũng tăng trưởng
Bên cạnh thực phẩm, chuỗi bán lẻ công nghệ TGDĐ/ĐMX cũng ghi nhận kết quả khả quan dù dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến 1.000 cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng trong tháng 6. Doanh thu nhóm chuỗi này trong tháng đạt hơn 7.880 tỷ đồng, tăng 21% so với tháng 6/2020.
Xét riêng từng mặt hàng lũy kế từ đầu năm, doanh thu sản phẩm điện thoại tăng trưởng 16%. Doanh thu laptop, điện lạnh và gia dụng duy trì mức tăng trưởng một chữ số so với cùng kỳ. Ngược lại các sản phẩm điện tử (chủ yếu là tivi) sụt giảm 3%, đây là mức giảm đã được cải thiện so với cùng kỳ.
Mô hình Điện Máy Xanh supermini có tổng cộng 566 cửa hàng nhờ được mở mới 29 địa điểm trong tháng vừa qua. Chuỗi cửa hàng diện tích nhỏ này đóng góp gần 3.000 tỷ đồng doanh thu lũy kế và chiếm 9% doanh thu của chuỗi điện máy.
"Toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện làm việc mà không nhận thù lao"
Báo cáo từ MWG
Tập đoàn nhận định dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội rộng tại 19 tỉnh thành phía Nam và Hà Nội có tác động lớn đến kết quả kinh doanh. Thời điểm cuối tháng 7 có gần 2.000 cửa hàng TGDĐ/ĐMX phải tạm đóng cửa để phòng dịch hoặc hạn chế bán hàng, trong khi đây là chuỗi trụ cột đem lại lợi nhuận chính.
MWG cho biết đã nhanh chóng kích hoạt những biện pháp kiểm soát chi phí để đảm bảo dòng tiền kinh doanh bao gồm đàm phán giảm giá thuê mặt bằng; triển khai chính sách điều chỉnh thu nhập của nhân viên theo nguyên tắc “thu nhập càng cao thì điều chỉnh giảm càng nhiều”, điều chuyển nhân sự giữa các chuỗi để tối ưu năng suất lao động và phục vụ khách hàng hiệu quả nhất.
Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định khi hoạt động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, điều tốt nhất MWG có thể làm là nỗ lực bảo vệ việc làm cho tất cả nhân viên. Toàn bộ nhân sự từ cấp giám đốc trở lên tự nguyện làm việc mà không nhận thù lao nhằm hạn chế ảnh hưởng lên nhóm nhân viên có thu nhập thấp.