Thế giới ghi nhận cột mốc đáng ghi nhận khi một tỷ liều vaccine được tiêm ở 207 quốc gia và vùng lãnh thổ, mức tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, Guardian đưa tin ngày 24/4.
Các nước nghèo chỉ mới bắt đầu tiêm chủng, chiếm 0,2% tổng số liều vaccine trên toàn thế giới, chủ yếu nhờ Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu - COVAX.
Ấn Độ nơi ghi nhận kỷ lục 346.786 trường hợp nhiễm mới và 2.624 ca tử vong chỉ trong ngày 24/4, chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chỉ 1% dân số Ấn Độ được tiêm vaccine.
Ngược lại, các quốc gia có thu nhập cao, nơi sinh sống của 16% dân số thế giới, đã tiêm chủng 47% liều vaccine.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ có đủ vaccine để tiêm cho 70% dân số trưởng thành vào cuối tháng 7/2021.
Bỉ đã cho phép tiêm vaccine Johnson & Johnson cho tất cả người trưởng thành vào ngày 23/4 và dự kiến tiếp nhận tổng cộng 1,4 triệu liều vaccine trong khoảng thời gian từ 4-6 tháng tới.
Người dân ở Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ đang xếp hàng trước trung tâm tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: Shutterstock. |
Chính phủ các nước tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Trong khi đó, Ấn Độ ngày 24/4 yêu cầu Twitter gỡ bỏ các tweet của một số nhà lập pháp địa phương với nội dung chỉ trích chính phủ Ấn Độ trong việc xử lý các ổ dịch trong nước, đồng thời triển khai nhiều chuyến tàu đặc biệt để chuyển oxy đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đức và Anh tăng cường các biện pháp phòng dịch như công bố lệnh giới nghiêm, đóng cửa trường học hay bắt buộc đeo khẩu trang, bất chấp sự phản đối của người dân.
Đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng hơn 3 triệu người trên toàn thế giới. Số ca nhiễm mới trên toàn cầu tiếp tục tăng với khoảng 893.000 trường hợp được ghi nhận vào ngày 23/4.
Brazil báo cáo hơn 68.000 ca tử vong chỉ trong tháng 4/2021. Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha cho biết hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19 mới đang chờ nhập viện trong ngày 23/4. Trong khi đó, Đức ghi nhận tỷ lệ 100 ca nhiễm mới/100.000 người trong 7 ngày qua.