Một bức tranh biếm họa mới được đăng trên tờ Le Monde của Pháp mô tả một người đàn ông đứng trước phòng tiêm chủng. “Tôi đến đây để tiêm mũi vaccine thứ năm vì làn sóng dịch thứ ba”, ông chán nản nói, “hoặc là ngược lại”.
Sự hoang mang của người đàn ông trên thể hiện cho trạng thái tâm lý của người Pháp trước làn sóng dịch thứ năm - và cả biến chủng Omicron: Lo lắng, kiệt sức và phần nào đó cả giận dữ.
Các biện pháp chống dịch thay đổi thường xuyên và có sự khác biệt ngay cả trong cùng một quốc gia. Sự không chắc chắn khiến các kế hoạch cho tương lai gặp khó khăn. Vaccine từng được coi là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng thực tế không thể ngăn chặn hoàn toàn đại dịch.
Những nhân tố này đã khiến sự lo lắng và phiền muộn, cô đơn và mệt mỏi lan rộng trong dân chúng. Tình trạng này ngày càng trầm trọng khi đại dịch kéo dài.
Tâm trạng mệt mỏi
Ngay cả tại Trung Quốc, nơi không ghi nhận ca tử vong mới do Covid-19 kể từ đầu năm nay, nhiều người cũng cảm thấy mệt mỏi với những biện pháp đã giúp họ an toàn.
“Tôi quá mệt mỏi với các quy định rồi”, Chen Jun, một nhân viên 29 tuổi đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ ở thành phố Thâm Quyến, nói.
Dù an toàn trước đại dịch Covid-19, nhiều người Trung Quốc đã tỏ ra mệt mỏi trước các biện pháp phòng dịch. Ảnh: UN News. |
Trong đợt bùng phát dịch tại thành phố hồi tháng 6, anh phải xét nghiệm Covid-19 ba lần và cách ly 14 ngày. “Tôi bắt đầu nghĩ rằng chúng ta sẽ không thể thấy đại dịch kết thúc”, Chen nói.
Qua hơn 20 cuộc phỏng vấn với người dân trên khắp các châu lục, New York Times nhận thấy sự bất định về tương lai đại dịch và sự mệt mỏi trong tâm lý là tâm trạng chung trên khắp thế giới.
Sau hơn hai năm với những sự thay đổi trong chính sách, sự hưng phấn và tụt hứng của tâm trạng, với biên giới đóng cửa và việc học tập, làm việc tại nhà, sức chịu đựng của con người đã suy yếu.
Tâm trạng này đặt ra thách thức với các chính phủ. Các nhà lãnh đạo rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, khi đại dịch đã bước vào năm thứ ba.
“Tôi biết dịch bệnh sẽ chỉ xấu đi. Nó sẽ không dừng lại và sẽ khiến nhiều người tử vong hơn”, Natalia Shishkova, một giáo viên ở thủ đô Moscow, Nga, nói. “Tình hình hỗn loạn như một bộ phim viễn tưởng. Biên kịch của các bộ phim về ngày tận thế quả là những nhà tiên tri”.
Tại Kenya, sau khi số ca mắc mới Covid-19 có chiều hướng sụt giảm kể từ tháng 10, Tổng thống Uhuru Kenyatta dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từng được áp đặt từ nhiều tháng trước đó. Các quán bar được mở cửa. Các rạp phim hay nhà hát cũng vậy. Tinh thần của người dân lên cao trở lại.
Người dân đăng ký tiêm vaccine tại một vùng nông thôn Kenya. Ảnh: AFP. |
Khi tình hình đang tốt đẹp, biến chủng Omicron xuất hiện. Ngay khi Kenya chưa ghi nhận ca nhiễm nào do biến chủng mới, Kenya đã công bố kế hoạch cấm người chưa tiêm chủng đến các cơ quan nhà nước, cũng như cảnh báo về các biện pháp hạn chế vào dịp nghỉ lễ sắp tới.
Corrie Mwende, chuyên gia truyền thông tại thủ đô Nairobi, cho biết cô từng cảm thấy như “tự do đã trở lại” sau khi các biện pháp hạn chế “như ngày tận thế” được dỡ bỏ. Giờ đây, cô không chắc hy vọng của mình có thể trở thành hiện thực hay không.
Tác động tới thế hệ trẻ
Tại Italy, một trong những quốc gia bị đại dịch tấn công sớm nhất, những người không có “thẻ xanh” phải đối mặt với nhiều hạn chế, từ việc đi làm đến đi xem phim. Chính phủ Italy cam kết về một mùa Giáng sinh “nửa bình thường” và không phong tỏa. Tuy vậy, tâm trạng chung của đất nước vẫn khá ảm đạm.
Massimiliano Valerii, giám đốc một trung tâm nghiên cứu tại Rome, nhận thấy đại dịch làm tăng những lo lắng của người dân về tương lai. “Khả năng cải thiện vị trí của mỗi cá nhân trong xã hội đã bị đóng lại”, ông nhận xét.
David Lazzari, chủ tịch Hiệp hội Nhà tâm lý học Italy, cho biết các nghiên cứu gần đây chỉ ra tỷ lệ người cảm thấy lo lắng hay phiền muộn tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát. Tỷ lệ này ở người dưới 18 tuổi đã đạt 25%. “Một trường hợp trong bốn người. Đây là tỷ lệ rất cao”, ông Lazzari nói.
Trong đại dịch, trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi bị mắc kẹt trước màn hình máy tính hay điện thoại, gặp khó khăn trong việc hẹn hò, cũng như ít có cơ hội gặp mặt bạn bè trực tiếp. Do đó, cả hội chứng biếng ăn và ăn uống vô độ đều có xu hướng gia tăng, theo bà Maria Melchior, chuyên gia về các chứng bệnh tâm lý tại Pháp.
Trẻ em chịu tác động tâm lý tiêu cực vì phải học trực tuyến trong thời gian dài. Ảnh: Reuters. |
“Tại Pháp, tỷ lệ phiền muộn và lo lắng cũng cao gấp đôi thông thường”, bà cho biết.
Các chính phủ đã nhận ra vấn đề này. Mới đây, Tổng Y sĩ Mỹ Vivek H. Murthy cảnh báo thế hệ trẻ đang phải đối mặt với các tác động “tàn phá” sức khỏe tinh thần do đại dịch, cũng như các thách thức khác mà họ phải đối mặt.
“Đại dịch vẫn còn đó”
Các thuyết âm mưu về đại dịch cũng đang xuất hiện. Covid-19 khiến nhiều chỉ số chứng khoán vụt tăng, làm lợi cho những người giàu có và khiến những người không đầu tư cảm thấy bất mãn.
“Tại Nga, sự nghi ngờ đối với vaccine - và cả đối với đại dịch - đã gia tăng mạnh. Điều này ảnh hưởng lớn tới tâm lý con người”, Yakov Kochetkov, giám đốc Trung tâm Trị liệu hành vi nhận thức tại thủ đô Moscow, Nga, cho biết.
Ngày 7/12, tại Moscow, một người đàn ông châm lửa đốt một tòa nhà của chính quyền và giết hai người sau khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang. Hung thủ được cho là theo chủ nghĩa hoài nghi đại dịch.
Anna Shepel, một bác sĩ tâm lý trị liệu tại Nga, cho biết bệnh nhân của bà có “những suy nghĩ ám ảnh, những hành động ám ảnh, sự sợ hãi bị lây nhiễm, sợ hãi chạm vào bất cứ thứ gì ở nơi công cộng”.
Nhiều người Nga có tâm lý hoài nghi với vaccine - và cả đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tại Trung Quốc, nơi vẫn đang đề cao cảnh giác để đảm bảo mục tiêu “zero Covid-19”, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Tuy vậy, cảm giác về cuộc sống bình thường mới vẫn rất mờ nhạt, đặc biệt sau khi nước này vừa phát hiện ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên.
Người dân nước này kỷ niệm hai năm ca bệnh đầu tiên được phát hiện tại Vũ Hán bằng việc viết lên trang mạng xã hội cá nhân của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo về Covid-19. Ông đã qua đời vì chính căn bệnh này vào tháng 6/2020.
“Tôi không thể tin rằng chúng ta vẫn phải đeo khẩu trang sau hai năm”, một tài khoản bình luận.
“Bác sĩ Lý, đã hai năm trôi qua nhưng đại dịch vẫn còn đó, thậm chí còn mạnh hơn”, một tài khoản khác bình luận.