Khi đại dịch Covid-19 đã trở thành mục tiêu "di động" của ngành y tế và giới khoa học, nguy cơ suy giảm miễn dịch càng trở nên đáng ngại trong thời điểm vẫn còn nhiều người trưởng thành chưa được tiêm chủng.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron tiếp tục dấy lên mối lo đó. Với nhiều đột biến khác biệt so với các chủng SARS-CoV-2 ban đầu, Omicron có thể khiến hiệu quả miễn dịch từ các kháng thể trước kém hiệu quả hơn. Giới khoa học cho rằng lượng kháng thể bổ sung của liều vaccine tăng cường có thể góp phần giải quyết nguy cơ này.
Các nghiên cứu cho thấy liều vaccine tăng cường giúp cải thiện đáng kể mức độ và chất lượng kháng thể tạo ra so với hai liều ban đầu. Sau nhiều lần được củng cố, hệ thống miễn dịch có thể tiếp tục tinh chỉnh và sản sinh các kháng thể phù hợp với chủng virus mới, Guardian nhận định.
Dù kết quả bước đầu đã cho thấy tín hiệu tích cực, các chuyên gia vẫn cần thời gian để kiểm chứng nghiên cứu của mình. Hiện tại, trong khi ngành khoa học vẫn chạy đua với sự lây lan của Omicron, các quốc gia đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng liều tăng cường, nhằm làm chậm quá trình suy giảm miễn dịch và đối phó với tốt hơn biến chủng mới.
"Ván cược" của Thủ tướng Johnson
Hôm 12/12, Anh đã nâng mức cảnh báo Covid-19 từ 3 lên 4, sau khi ghi nhận thêm 1.239 trường hợp dương tính với biến chủng Omicron. Con số này cao gần gấp đôi so với thống kê của một ngày trước đó.
Biến chủng Omicron nhiều khả năng sẽ trở thành chủng virus phát triển mạnh mẽ nhất tại Anh. Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo hệ thống y tế đất nước có thể quá tải trong thời gian tới.
Lo ngại hai liều vaccine là chưa đủ, Thủ tướng Johnson dường như đang "đánh cược" với nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng liều tăng cường ở quy mô một triệu liều/ngày để ngăn chặn "làn sóng Omicron" tràn đến.
Trên khắp nước Anh, quân đội sẽ được triển khai để hỗ trợ chương trình vaccine, trong khi nguồn lực y tế cũng được huy động trong chiến dịch tiêm chủng cho mọi người trưởng thành vào cuối tháng 12.
"Chúng ta phải lập tức củng cố bức tường bảo vệ bằng vaccine để giữ an toàn cho người thân và bạn bè", ông Johnson nói.
Hôm 10/12, dữ liệu sơ bộ của Anh cho thấy việc tiêm chủng liều tăng cường cung cấp 70-75% hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Omicron, trong khi hai tiềm tiêm cách đây ba tháng trở lên mang đến mức hiệu quả 30-40% hoặc ít hơn.
Kế hoạch của ông Johnson nhằm tăng số lượng các liều tiêm của Anh có thể vượt mức kỷ lục hồi tháng 3 với 844.000 liều/ngày. Quy định mới mở rộng đối tượng tiêm chủng tới tất cả công dân trên 18 tuổi, thay vì giới hạn ở những người trên 40 tuổi như trước.
Phương Tây cảnh giác
Tại một số nước châu Âu, việc tiêm liều vaccine thứ ba đã được tích hợp trong hoạt động xác nhận tiêm chủng của người dân.
Các quốc gia như Áo, Thụy Sĩ và Croatia đã quy định thời hạn đối với hai liều vaccine Covid-19. Theo đó, người dân tại đây buộc phải tiêm các liều nhắc lại sau một khoảng thời gian nhất định. Riêng tại Pháp, từ giữa tháng 12, chính phủ quy định người trên 65 tuổi cần tiêm liều vaccine tăng cường để tham gia các triển lãm, vào nhà hàng hay di chuyển đường dài.
Tại Mỹ, ông Anthony Fauci, cố vấn y tế của Tổng thống Joe Biden, đã kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm liều vaccine tăng cường, trong thời điểm nước này chạm mốc 800.000 người tử vong vì Covid-19.
Theo ông Fauci, biến chủng Omicron có thể “né tránh” khả năng bảo vệ của hai liều vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna cùng một số phương pháp điều trị khác.
Hiện tại, Mỹ vẫn áp dụng "tiêm chủng đầy đủ" với hai liều Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc một liều Johnson & Johnson. Tuy nhiên, ông Fauci nhấn mạnh một liều vaccine tăng cường cung cấp sự bảo vệ “tối ưu” trước chủng Omicron.
Dù tỷ lệ tiêm chủng tại Mỹ đã tăng đáng kể trong những tuần gần đây, khoảng 40% người trưởng thành đủ điều kiện vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ, trong khi tỷ lệ tiêm phòng của trẻ em 5-11 tuổi vẫn thấp hơn 20%, theo Kaiser Family Foundation.
Theo các nhà khoa học, dù liều tăng cường có vai trò quan trọng trong đối phó với biến chủng Omicron, việc tiến hành kết hợp với các biện pháp hạn chế tập trung đông người vẫn rất cần thiết.
Khi các hãng dược phẩm đang nghiên cứu thế hệ vaccine tiếp theo, đảm bảo sẵn sàng cung cấp từ sau tháng 3/2022, giới khoa học lo ngại việc điều chỉnh vaccine có thể vẫn để lại những lỗ hổng nếu Omicron tiếp tục bị một biến chủng khác, nguy hiểm hơn thay thế.
Các nhà khoa học mong đợi những liều vaccine mới không chỉ phù hợp với các chủng virus hiện có, mà còn cung cấp khả năng miễn dịch toàn diện hơn để chống lại các đột biến có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Trong trường hợp đó, một số chuyên gia đã đề xuất giải pháp nghiên cứu loại vaccine kích hoạt phản ứng miễn dịch của tế bào lympho T đối với hoạt động nhân lên của virus. Theo các nhà khoa học, khả năng này có thể tạo ra hiệu quả miễn dịch kéo dài nhiều năm chứ không phải trong vài tháng như hiện tại.
Số người chết vì Covid-19 ở Mỹ chạm mốc 800.000
Số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ đã chạm ngưỡng 800.000 hôm 12/12 giữa lúc nước này đang đối mặt với nguy cơ ca nhiễm tăng vọt, theo thống kê của Reuters.
Lo ngại biến chủng Omicron, Israel cấm người dân đến Anh và Đan Mạch
Israel ngày 12/12 cho biết đã thêm Anh và Đan Mạch vào danh sánh đỏ gồm khoảng 50 quốc gia mà người Israel bị cấm đến do lo ngại sự lây lan của biến chủng Omicron.
Ông Trump tuyên bố sốc trong chuyến đi đầu tiên của nhiệm kỳ
Trong chuyến đi đầu tiên của nhiệm kỳ, ông Trump bất ngờ đe dọa xóa bỏ FEMA. Thực tế tổng thống Mỹ không có thẩm quyền đóng cửa FEMA, điều này đòi hỏi phải có Quốc hội thông qua.