Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vũ khí giúp 2 quốc gia thoát vòng xoáy Covid-19 giữa tâm dịch thế giới

Chuyên gia cho biết có nhiều lý do khiến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dù nằm ở “tâm dịch Covid-19 của thế giới" vẫn tránh được ảnh hưởng tồi tệ của đợt bùng phát ở châu Âu.

Tay Ban Nha va Bo Dao Nha anh 1

Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới khi số ca nhiễm mới liên tục tăng cao. Nhiều quốc gia trên "lục địa già" có nguy cơ trải qua một mùa “Giáng sinh u ám”, đặc biệt với sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Dù đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vẫn nổi lên là hai hình mẫu của các quốc gia châu Âu nhờ việc kiểm soát tình hình tương đối tốt.

Cho đến nay, Tây Ban Nha đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron, New York Times đưa tin. Tính đến ngày 8/12, ít nhất 11 ca nhiễm biến chủng mới đã được xác nhận ở Bồ Đào Nha.

“Tỷ lệ bao phủ vaccine cao là một trong những lý do hàng đầu giúp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của làn sóng dịch bệnh đang hoành hành khắp châu Âu", giáo sư Guillermo Martinez-de-Tejada, khoa Vi sinh và Ký sinh trùng thuộc Đại học Navarra, nói với Zing.

Bốn yếu tố quan trọng

Giáo sư Guillermo Martinez-de-Tejada cho biết có 4 yếu tố khiến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng dịch Covid-19 tàn khốc tại châu Âu hiện nay.

Tay Ban Nha va Bo Dao Nha anh 2

Giáo sư Guillermo Martinez-de-Tejada. Ảnh: Đại học Navarra.

“Yếu tố đầu tiên là việc hai nước này nằm trong top các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới”, ông cho biết.

Theo Our World In Data, Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Âu với 87% dân số. Trong khi đó, Tây Ban Nha xếp thứ hai với hơn 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ tiêm chủng cho thanh thiếu niên dưới 18 tuổi ở Tây Ban Nha cũng tương đối cao với khoảng 30,1%, theo số liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Sự lây nhiễm giữa những người dưới 18 tuổi là một trong những nguyên nhân chính làm tăng số ca mắc Covid-19 trong các đợt bùng phát gần đây. Do đó, tỷ lệ tiêm chủng cao ở thanh thiếu niên có thể là lý do giúp Tây Ban Nha tránh được những ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch mới tại châu Âu.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho biết người dân hai nước này cũng đặc biệt tuân thủ các biện pháp phòng dịch của chính phủ.

Tỷ lệ người dân đeo khẩu trang ở hai nước này đều trên 60%, cao hơn nhiều so với một số quốc gia châu Âu khác. Trong khi đó, tỷ lệ người dân đeo khẩu trang ở Đức - quốc gia đang có tình hình dịch Covid-19 vượt ngoài tầm kiểm soát - chỉ khoảng 40%, theo Health Data.

Tay Ban Nha va Bo Dao Nha anh 3

Người dân Tây Ban Nha tuân thủ các quy định phòng chống dịch của chính phủ. Ảnh: Bloomberg.

Về việc tuân thủ những khuyến cáo của chính phủ, Ana M. Garcia - giáo sư về y tế công cộng tại Đại học Valencia - cũng cho biết “người Tây Ban Nha rất cẩn thận, đặc biệt là trong việc sử dụng khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội".

"Họ tuân thủ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong những không gian kín, và nhiều người vẫn sử dụng khẩu trang ngoài trời", bà cho biết.

Theo giáo sư Guillermo, nguyên nhân thứ ba dẫn đến xu hướng khác biệt giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha với phần còn lại của châu Âu là sự gia tăng khả năng miễn dịch tự nhiên.

“Trước đó, hai quốc gia này đều chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 nặng nề hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Điều này cho thấy tỷ lệ miễn dịch tự nhiên của người dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng cao hơn”, ông nói với Zing.

Trong đợt dịch Covid-19 tại châu Âu năm 2020, Tây Ban Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo New York Times.

Giống như phần còn lại của châu Âu, Bồ Đào Nha đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2020 và nửa đầu năm 2021, ghi nhận khoảng 18.400 ca tử vong, đôi khi khiến hệ thống bệnh viện quá tải, theo News Stateman.

Yếu tố địa lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp hai quốc gia này tránh khỏi những ảnh hưởng nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh “tồi tệ chưa từng thấy” ở châu Âu.

Từ khi đại dịch bắt đầu, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết rằng virus corona có khả năng lây nhiễm cao hơn trong điều kiện khí hậu lạnh và khô. Đến nay, nhiều nghiên cứu đã được tiến hành để khẳng định mối liên hệ này. Giả thuyết càng được củng cố hơn khi nhìn vào thực tiễn tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong những tháng vừa qua.

Theo ông Guillermo Martinez-de-Tejada, khí hậu ấm đã giúp hai quốc gia này “trì hoãn đợt bùng phát dịch”, do Covid-19 thường dễ lây lan hơn trong khí hậu lạnh.

Nguy cơ vẫn ở phía trước

“Sự trì hoãn” tạm thời không có nghĩa là cả Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có thể hoàn toàn “đứng ngoài” sự hỗn loạn hiện tại ở châu Âu. Giáo sư Guillermo cho rằng “viễn cảnh tồi tệ nhất vẫn chưa đến”. Thực chất, hai quốc gia này đang trên bờ vực đối mặt với một làn sóng mới, ông cho biết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dịch tễ học đều đồng ý rằng số ca nhập viện, tỷ lệ tử vong,... sẽ thấp hơn nhiều so với những đợt bùng phát trước đó, ông cho biết.

Sự xuất hiện của biến chủng mới đã gây ra mối lo ngại cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự chấp nhận rộng rãi của quốc gia này đối với việc tiêm chủng được xem là một “vũ khí” quan trọng để chống lại những đợt bùng phát có thể xảy ra trong vài tháng tới.

Nếu cuộc chiến với Omicron đòi hỏi một loại vaccine mới thì người Tây Ban Nha dường như đã sẵn sàng tiêm chủng thêm một lần nữa, khi lãnh đạo của họ đề nghị.

Salvador Illa, cựu Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha, cho biết: “Tây Ban Nha có sự đồng thuận rộng rãi giữa các công dân về vấn đề tiêm chủng. Họ tuân theo khuyến nghị của các nhà khoa học”.

Tay Ban Nha va Bo Dao Nha anh 4

Tây Ban Nha triển khai tiêm vaccine cho người dân trong nước. Ảnh: EPA.

Mặc dù đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, bán đảo Iberia vẫn thận trọng theo hướng bình thường mới. Người dân vẫn phải đeo khẩu trang nếu di chuyển bằng phương tiện công cộng. Nhiều chuyên gia cho rằng hai nước này chính là hình mẫu về cách tiếp cận với Covid-19 của các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Giáo sư Guillermo Martinez-de-Tejada cũng cho rằng các quốc gia cần nhìn nhận bài học từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng và quy định đeo khẩu trang.

"Để đứng vững trước những ảnh hưởng tồi tệ do biến chủng Delta gây ra, Việt Nam nên đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Điều đó sẽ giúp làm chậm quá trình lây nhiễm cũng như hạn chế những tác động nghiêm trọng nhất của đợt bùng phát dịch", vị chuyên gia cho biết.

Thế giới có thể dõi theo châu Âu để 'giải bài toán' về Omicron

Các nhà lãnh đạo và giới khoa học châu Âu cảnh báo rằng Omicron có thể sớm vượt qua Delta để trở thành biến chủng chi phối ở một số quốc gia trong khu vực.

Người Việt ở châu Âu lo ngại mùa Giáng sinh ảm đạm vì chủng Omicron

Một số người Việt tại châu Âu nói cuộc sống chưa có nhiều xáo trộn trước sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhưng họ lo ngại lễ Giáng sinh sắp tới sẽ có nhiều hạn chế hơn.

Vân Đinh - Hải Linh

Bạn có thể quan tâm