Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế giới bất ổn đẩy chi tiêu quân sự tăng

Bất ổn leo thang tại một số khu vực đã đẩy chi tiêu quân sự thế giới năm 2015 tăng lần đầu tiên sau 4 năm suy giảm.

Quân đội Mỹ tham gia tập trận Vai kề Vai ở Philippines năm 2015. Ảnh: DoD

Ngày 5/4, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố báo cáo cho biết chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2015 chạm ngưỡng 1,67 nghìn tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm trước đó.

Các khu vực đẩy mạnh chi tiêu quân sự là Đông Âu, châu Á và Trung Đông, trong khi phương Tây giảm đổ tiền vào quốc phòng.

Trên thế giới, Mỹ vẫn là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho quân đội, dù ngân sách quốc phòng năm qua của Mỹ giảm 2,4% so với một năm trước xuống còn 596 tỷ USD

SIPRI cho biết Mỹ phải đổ thêm tiền thực hiện "các kế hoạch hành động khẩn cấp ở nước ngoài" trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Quốc gia chi tiêu quân sự cao thứ hai thế giới là Trung Quốc (215 tỷ USD), sau đó là Saudi Arabia (87,2 tỷ USD). Nga xếp vị trí thứ 4 (66,4 tỷ USD).

Trong giai đoạn 10 năm kể từ năm 2006, ngân sách quân sự Mỹ đã giảm 4%, trong khi Trung Quốc tăng đến 132%. Mức tăng ở Saudi Arabia và Nga cũng rất đáng kể, lần lượt là 97% và 91%.

Trong khi đó, Pháp từng là nước chi tiêu quân sự nhiều thứ 5 trên thế giới hồi năm 2014, nhưng đã rớt xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng mới, đứng sau Anh và Ấn Độ.

Nhìn chung, chi tiêu quân sự khu vực Tây Âu đang theo đà suy giảm trong những năm gần đây. Theo SIPRI, một trong những nguyên nhân là do các thành viên khối NATO đồng ý duy trì chi tiêu quân sự chỉ ở mức 2% GDP cho đến năm 2024.

Tại châu Á, tình hình căng thẳng ở Biển Đông và bán đảo Triều Tiên khiến các quốc gia tăng mua sắm quân sự, bao gồm Indonesia, Philippines và Nhật Bản.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm