CLB Viettel vô địch giải hạng Nhất 2018 trước một vòng đấu, đồng nghĩa với việc cái tên hào hùng một thời sẽ sớm trở lại với bản đồ bóng đá Việt Nam sau gần 10 năm vắng bóng.
Một thập kỷ trôi qua, ký ức về Thể Công ngày nào trong tâm trí của nhiều khán giả thủ đô vẫn còn nguyên vẹn với những khoảnh khắc vinh quang, với thời kỳ đội tuyển quốc gia là "Thể Công mở rộng". Nhưng với thế hệ 9x và xa hơn là 10x, tượng đài của bóng đá Việt Nam vẫn là chút gì đó mơ hồ.
Lứa cầu thủ Thể Công thời kỳ đầu. |
Lịch sử oai hùng
Mùa giải 1998-1999, đội bóng áo lính giành những vinh quang cuối cùng với chức vô địch giải VĐQG quốc gia cùng danh hiệu siêu cúp đầu tiên ở đầu mùa giải sau. Khi đó, cái tên trên bảng vàng là CLB Quân Đội.
Lật lại quá khứ, Thể Công vốn là tên viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao công tác đội" - đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội, được thành lập ngày 23/9/1954 theo chỉ định của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh.
Thời kỳ đầu thành lập, cầu thủ Thể Công xuống hầm trú khi có bom, hết bom lại lên sân đá bóng. Với những cầu thủ xuất thân từ trường sĩ quan lục quân 1 khi đó, đá bóng là nhiệm vụ chính trị. Họ là những chiến sĩ đá bóng thực sự.
Thực tế, các cầu thủ Thể Công trong thời chiến còn là những chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, dân vận. Những trận bóng của Thể Công lúc bấy giờ là món ăn tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ cả nước mỗi dịp cuối tuần.
Trên trường quốc tế, đội bóng đại diện Việt Nam luôn nhận sự nể phục từ các đồng nghiệp nước ngoài nhờ lối chơi cống hiến cùng tính cách chân chất bên ngoài sân cỏ.
Tình hữu nghị Việt - Hung ngoài giờ tập. |
Năm 1962, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức giải bóng đá quân đội 12 nước XHCN (SKDA). Đội Thể Công đã tạo được ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế vì tính hiếu khách, hòa đồng và chất giản dị của mình.
Trên sân bóng, Thể Công còn nhiều trận thắng vẻ vang. Chiến thắng 4-1 trước Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) trên sân Công Nhân Trung Quốc vào 24/8/1974 trước 100.000 người xem Bắc Kinh được coi là trận đấu hay nhất lịch sử Thể Công. Ngày 2/9/1970, Thể Công thắng đội tuyển Cuba 3-2.
Trận đấu của Thể Công trên đất bạn Trung Quốc. |
Hành trình tìm lại hào quang quá khứ
Gần một thập kỷ trôi qua, bóng đá Việt Nam vắng bóng cái tên Thể Công ở mọi giải đấu. Thế nhưng, sức sống của nó vẫn nhen nhóm đâu đó trong những con người mang trọng trách tìm lại ánh hào quang xưa.
Pha ăn mừng theo phong cách nhà binh của Hồng Sơn tại Tiger Cup 1998 trở thành hình ảnh mang tính biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của Thể Công. Nó được nhiều thế hệ về sau tái hiện, theo nhiều cách khác nhau.
Hồi 2014, khi nhiều thông tin bên lề khẳng định Viettel sẽ từ bỏ bóng đá, Nguyễn Đức Hoàng Minh cũng có pha ăn mừng gây ấn tượng rất mạnh: Lột trần áo thi đấu với thông điệp "I Love Thể Công" (Tôi yêu Thể Công) ở trận đấu cuối vòng loại U17 quốc gia.
Những cách thể hiện khác nhau về tình yêu của "lũ trẻ Thể Công". |
Ngay trong ngày chính thức lên hạng, trung vệ đội trưởng Bùi Tiến Dũng khẳng định anh và các đồng đội sẽ nỗ lực hết mình, làm tất cả những gì có thể để "duy trì cái tên Thể Công mãi mãi về sau".
Lứa cầu thủ 1995 cũng là nòng cốt trong kế hoạch lấy lại phiên hiệu kéo dài tới 10 năm của lãnh đạo CLB Viettel.
Cùng với đó, nhiều cuộc tiếp xúc với các đội bóng hàng đầu châu Âu với mong muốn đem về những giáo án, phương pháp huấn luyện hiện đại nhất đã diễn ra.
Những cầu thủ trẻ Viettel luôn có niềm tin mãnh liệt vào 2 chữ "Thể Công" |
Ngày chính thức thăng hạng, HLV Hải Biên chia sẻ: "Lãnh đạo cũng đã lên kế hoạch chi tiết về việc bổ sung lực lượng chuẩn bị cho mùa giải 2019 từ cách đây khá lâu. Sau khi mùa giải chính thức khép lại, chúng tôi sẽ tập trung chuẩn bị cho V.League 2019".
Chặng đường phía trước sẽ còn rất gian nan. Những bài học nhãn tiền không phải là không có đối với HLV và cầu thủ CLB Viettel. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng, họ sẽ làm được điều mà rất nhiều CĐV Thể Công đặt kỳ vọng trong nhiều năm qua.