Tối 13/1, hình ảnh MC Đức Bảo kèm thêm phát ngôn về vấn đề sinh con được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nội dung phát ngôn là: “Nếu đứa con sinh ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn, vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện”.
Ngay lập tức, phát ngôn mà thời điểm đó cộng đồng mạng cho là của Đức Bảo gây tranh cãi. Nhiều tài khoản không đồng tình với quan điểm trên và cho rằng những người nghèo cũng có quyền được sinh con.
Sáng 14/1, không để tranh cãi bị đẩy đi quá xa, Đức Bảo lên tiếng giải thích và xin lỗi. Tuy nhiên, những chia sẻ của MC cho thấy một thực trạng khác đang tràn lan trên mạng xã hội Việt, đặc biệt ở những người nổi tiếng.
Thực trạng trên mạng xã hội Việt
Đức Bảo giải thích phát ngôn trên không phải của cá nhân anh. Người phụ trách fanpage của MC đã trích dẫn câu nói từ một nơi khác để làm nội dung nên dẫn đến hiểu lầm.
“Hiểu lầm này xuất phát từ việc bên cạnh trang cá nhân, tôi còn có một page do ê-kíp quản lý, chủ yếu đăng các meme hài hước, đôi khi lồng một chút triết lý với mục đích đơn thuần là chia sẻ. Vậy nên, chia sẻ trên cũng là một phần trong số đó. Một quan điểm tuy không phổ biến, nhưng đáng để suy ngẫm về lựa chọn sinh con có trách nhiệm”, MC giải thích.
MC Đức Bảo đã xóa bài viết giải thích và xin lỗi. |
Theo bài viết đăng đầu năm 2023 trên tờ 163 của Trung Quốc, chủ nhân câu nói trên là nhà văn Trương Ái Linh. Suốt năm 2023, câu nói của nhà văn được đưa ra bàn tán, mổ xẻ và tranh luận rất nhiều. Nhiều phương tiện truyền thông hoặc trang mạng Trung Quốc cũng đưa câu nói vào bài viết phân tích nhưng để nguồn là của Trương Ái Linh.
Trở lại tranh cãi của Đức Bảo, MC bị chỉ trích vì sử dụng câu nói nhưng không hề để nguồn. Dẫn đến, nhiều khán giả nhầm tưởng Đức Bảo chính là người phát ngôn. Có những người tổn thương, chạnh lòng, nhiều người khác tức giận rồi công kích nam MC.
Ngoài phát ngôn kể trên, fanpage của Đức Bảo cũng đăng nhiều hình ảnh kèm những câu trích dẫn khác mà không có thông tin tác giả. Do đó, khán giả không thể biết những câu nói đó do Đức Bảo đưa ra hay lấy từ nơi khác.
Tình trạng các nghệ sĩ, KOL lấy câu nói hoặc trích dẫn từ tác phẩm của người khác rồi đưa lên trang cá nhân, fanpage để tăng tương khá phổ biến. Hình thức quen thuộc nhất là đăng ảnh, video chèn câu quotes hoặc thêm một đoạn nội dung dài. Có người ghi nguồn là tên tác giả hoặc sưu tầm, trong khi nhiều người thậm chí không để nguồn.
Quang Đại từng bị chủ blog Gác nhỏ của Mạch tố tự ý sử dụng nhiều trích dẫn do người này dịch để đăng lên trang cá nhân mà chỉ để nguồn chung chung: “sưu tầm”.
"Chú Đại thân mến, chú là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng nhất định, còn là người học thức cao, tốt nghiệp đại học nên xin chú hãy biết tôn trọng cảm xúc, thành quả của người khác. Đừng có vay mượn rồi biến cảm xúc của người khác thành của mình rồi đóng vai con người 'sâu sắc' trắng trợn như vậy chứ?", chủ blog nhắn nhủ Quang Đại.
Sau đó, nam người mẫu giải thích số lượng thông tin trên mạng xã hội hiện giờ quá nhiều. Do đó, anh gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc và chỉ để là “sưu tầm”. Quang Đại nhận lỗi vì bản thân chưa đủ tỉ mỉ đồng thời khẳng định luôn tôn trọng vấn đề bản quyền.
Quy định về trích dẫn lời nói, tác phẩm
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc công ty luật TNHH TGS, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội, có nhiều quy định liên quan vấn đề này, tùy từng trường hợp cụ thể.
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Còn việc trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để đưa lên trang cá nhân, fanpage để tăng tương tác thì không phải xin phép tác giả và không phải trả tiền nhuận bút thù lao.
Tuy nhiên, khi trích dẫn phải ghi thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Việc trích dẫn không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường của tác phẩm và không gây thiệt hại bất hợp lý đến lợi ích của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.
Do đó, nếu các nghệ sĩ, KOL nổi tiếng trích dẫn tác phẩm văn học mà không ghi tên tác giả, tác phẩm thì vẫn là hành vi vi phạm.
Trong trường hợp chỉ là câu nói đơn thuần mà không được thể hiện bằng bất kỳ chất liệu văn bản thì không coi là tác phẩm của người đưa ra câu nói đó. Do đó, theo quy định, ở trường hợp này, người sử dụng sau đó không cần ghi nguồn.
Song, theo trung tâm chuyên nghiên cứu, đào tạo về sức khỏe tinh thần cho thanh thiếu niên tại Mỹ Newport Academy, những người nổi tiếng có tác động mạnh mẽ đến thanh thiếu niên trong cách họ nhìn nhận bản thân cũng như thế giới xung quanh.
Người nổi tiếng có thể có ảnh hưởng tích cực đến giới trẻ và đóng vai trò hình mẫu. Ngược lại, họ cũng có thể đưa ra những ví dụ, chia sẻ không lành mạnh.
Do đó, “điều mà người nổi tiếng có thể làm là trách nhiệm hơn với những gì mình chia sẻ. Họ là những người có ảnh hưởng với phạm vi tiếp cận mở rộng đến rất nhiều người”, tờ Preen của Philippines nhận định.
Sách tham khảo:Người khôn ngoan ứng xử giao tiếp như thế nào? do nhóm tác giả Douglas Stone, Bruce Pation và Sheila Heen viết, lọt danh sách best-seller theo bình chọn của The New York Times. Cuốn sách như một cẩm nang nhỏ chứa đựng kỹ năng ứng xử cần thiết cho mỗi người.