“Sà vào lòng tao đi nào, tao thích lắm”, đó là lời một kẻ phản diện thách thức nhân vật chính trong 578: Phát đạn của kẻ điên – tác phẩm vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn làm đại diện Việt Nam tham gia giải Oscar 2023.
Nhưng đó lại không phải lời thoại ngô nghê duy nhất người xem nhận ra trong suốt bộ phim hành động do Lương Đình Dũng đạo diễn. Tác phẩm thách thức khán giả với hàng loạt tình huống khó hiểu, nhân vật ngớ ngẩn, lời thoại chắc chắn không phải văn nói và càng khó tìm trong văn viết.
Thậm chí, có những câu tưởng nghiêm túc nhưng khiến ta phải bật cười như: “Mày chỉ để một bàn tay nó sống / Nó sẽ đi tìm”.
Điều đáng bàn là 578: Phát đạn của kẻ điên không phải phim Việt duy nhất mắc lỗi kịch bản. Trước nay, lời thoại thường là điểm yếu khiến nhiều dự án điện ảnh trong nước nhận lời chê bai từ phía khán giả. Phần lớn cho rằng các nhân vật nói chuyện thiếu tự nhiên, còn nặng về kịch hoặc đôi khi thốt ra những câu phi lý đến mức khó hiểu.
Thoại phim Việt thiếu tự nhiên
Gần nhất, Mười: Lời nguyền trở lại là phim Việt ra rạp nhận nhiều đánh giá không tốt về kịch bản. Tác phẩm có cốt truyện quen thuộc, thiếu sáng tạo, đặc biệt lời thoại là một trong những điểm kéo chất lượng đi xuống.
Chuyện phim đơn giản, bắt đầu khi nhân vật chính Linh (Chi Pu) gặp lại bạn thân Hằng (Rima Thanh Vy) sau một thời gian xa cách. Thấy Hằng tiều tụy, cô đồng ý đưa bạn về nơi sinh sống là một biệt thự cũ ở Đồng Nai. Tại đây, Linh liên tục gặp những hiện tượng kỳ lạ, từ đó lật mở sự thật về hồn ma Mười (Anh Thư) năm nào.
Ở đầu phim, Linh được giới thiệu là sinh viên ngành mỹ thuật hiện làm việc tại phòng tranh. Nhưng khi được hỏi ý kiến về một tác phẩm, nhân vật không đưa ra được bất kỳ kiến thức chuyên môn, chỉ trả lời chung chung theo kiểu văn mẫu: “Em rất thích bức tranh này…”.
Đến khi Linh và Hằng đối thoại, cả hai khiến người xem mệt mỏi bằng những câu nói màu mè, ngôn từ như trích trong tiểu thuyết. Đơn cử, Linh ngỏ lời với bạn bằng câu: “Bây giờ hai đứa mình nói chuyện với nhau rõ ràng rồi mình sẽ lại thân thiết với nhau như xưa được không Hằng?”.
Phụ trách phần kịch bản Mười: Lời nguyền trở lại là gương mặt mới Oscar Dương và Phil Wyatt – từng viết Chí Phèo ngoại truyện (2017). Bộ đôi biên kịch chưa phối hợp tốt trong việc xây dựng mối quan hệ giữa Linh - Hằng. Trên màn ảnh, họ nói chuyện với nhau lúc thì dửng dưng như người lạ, khi lại cầu kỳ quá mức cần thiết.
Chưa kể, đài từ của Chi Pu và Rima Thanh Vy đều không ổn. Giọng nói thiếu nhấn nhá, cộng thêm cách phát âm chậm rãi của hai diễn viên khiến các câu chữ trong kịch bản trở nên vô hồn. Theo ý kiến của nhiều khán giả, biên kịch đang “tập làm văn” còn hai diễn viên “đọc như trả bài”.
Ngoài ra, phim còn tạo nhiều tình huống mang tính sắp đặt, với lời thoại thiên về sân khấu hơn điện ảnh. Điển hình là hai cảnh quay được nhà sản xuất tung ra từ trước: Cảnh nhân vật Hồng (Hồng Ánh) chất vấn chồng và cảnh trục vong khi Hằng chửi rủa Linh.
Đứng trước chồng, Hồng nói: “Mình lấy tôi vì thuận ý gia đình, tôi cũng chịu. Mình nhờ tiền của tôi để thỏa chí nghệ sĩ tang bồng, tôi cũng cam lòng. Vậy mà...”. Khi chồng chưa kịp trả lời, cô tiếp tục: “Tôi đã làm cái gì sai, nó chỉ là thứ hèn mọi, thứ đê tiện đi giựt chồng người khác,...”.
Tương tự, khi Linh chưa nói câu nào, Hằng tự biên tự diễn bằng một loạt câu nói: "Cuối cùng mày cũng đã tới rồi. Con bạn thân nhất của tao. Mày là một con khốn thối tha, dối trá. Mày phản bội tao, chiếm đoạt người yêu của tao…”.
Cả hai phân đoạn đều khiến tác phẩm nhảy từ dòng kinh dị (horror) sang chính kịch (drama), thậm chí melodrama với những câu chữ sướt mướt. Không khí rùng rợn bỗng nhiên biến mất, thay bằng cảm giác rề rà của phim truyền hình. Người xem không cảm nhận được nỗi sợ hãi, chỉ thấy chán nản vì những câu thoại cũ kỹ, sử dụng chưa hợp lý.
Phụ đề Việt giúp phim ngoại thắng
Kể từ lễ 2/9, phòng vé Việt chứng kiến sự thất bại của phim nội ngay tại sân nhà, để mặc phim ngoại thay nhau đứng đầu bảng doanh thu. Thành công của hai cái tên gần đây là bài học lớn dành cho các nhà làm phim Việt, nhất là đội ngũ biên kịch.
Theo số liệu của Box Office Vietnam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập, Ngược dòng thời gian để yêu anh (Thái Lan) thu hơn 82 tỷ đồng, trong khi Bỗng dưng trúng số (Hàn Quốc) hiện thu hơn 115 tỷ đồng, trở thành phim Hàn ăn khách nhất Việt Nam.
Điểm chung của cả hai phim là đều có yếu tố hài hước, chất lượng không quá xuất sắc nhưng nội dung gần gũi. Đặc biệt, qua phần chuyển ngữ của nhóm dịch phụ đề, lời thoại trở thành yếu tố quan trọng giúp phim được lòng khán giả.
Điển hình là Bỗng dưng trúng số. Phần lớn người xem đánh giá cao sự mạnh tay của nhóm chuyển ngữ. Họ không chọn cách dịch sát nghĩa mà sẵn sàng sử dụng những từ ngữ hiện đại, gần gũi với khán giả Việt, đặc biệt là giới trẻ Việt, lứa Gen Z.
Một phân đoạn được yêu thích là khi anh lính Triều Tiên giả làm người Hàn, phải học những từ ngữ thịnh hành ở nước bạn để tránh bị lộ thân phận. Lúc này, nhóm dịch thuật không ngần ngại dùng những cụm từ xa lạ ở Hàn Quốc nhưng “bắt trend” tại Việt Nam như: “ô dề” (làm lố), “ét ô ét” (khẩn cấp lắm rồi), “chầm zn” (trầm cảm), “rìa lý” (nghiêm túc),…
Sự xuất hiện bất ngờ của những cụm từ phổ biến trong một bộ phim ngoại tạo được hiệu ứng tốt, giúp phim đảm bảo nội dung mà vẫn tăng giải trí.
Thậm chí trong một cảnh, nhân vật hát tiếng Hàn nhưng đội phụ đề lại chuyển ngữ thành bài Dằm trong tim của Lương Bích Hữu: “Vì một tình yêu không thể nói… vì một hình dung không thể quên…”. Đây không phải điều ngẫu nhiên vì cựu thành viên nhóm HAT vừa gây sốt khi bất ngờ xuất hiện trong một chương trình truyền hình.
Tương tự, sau khi xem xong Ngược dòng thời gian để yêu anh, nhiều khán giả tỏ ra thích thú với câu nói "mai đẹt-ti-ni", vốn là cách phát âm không chuẩn của cụm từ "my destiny" (định mệnh đời tôi) trong tiếng Anh. Hay những câu “ờ mây zing, gút chóp” (tuyệt vời, làm tốt lắm), “dùng hoa thay nút thả tim trên Instagram”,… được cài cắm vẫn có thể tạo ra những tràng cười thú vị.
Trong hai trường hợp trên, Bỗng dưng trúng số đáng chú ý vì không thắng lớn khi chiếu ở quê nhà nhưng lại chinh phục thành công thị trường Việt. Theo Korean Film, phim bán được chưa đến 2 triệu vé và chỉ thu hơn 13 triệu USD khi ra mắt Hàn Quốc. Trong khi đó, một dự án được đánh giá là ăn khách tại xứ kim chi thì trung bình phải bán được từ 4-5 triệu vé.
Thực tế này cho thấy phim thành công phần lớn nhờ nhà phát hành Việt, đặc biệt là nhóm dịch phụ đề. Sự sáng tạo hợp lý và tinh thần cập nhật, hướng đến đối tượng khán giả trẻ giúp các tác phẩm ngoại thành công. Trái lại, phim Việt vẫn bị đánh giá thấp vì kịch bản cũ kỹ, lời thoại khuôn mẫu và khô cứng, khó thể khiến người xem đồng cảm.
Nghịch lý ở chỗ, chính ê-kíp Việt là người giúp phim ngoại thành công nhưng lại chưa thể vực dậy nền điện ảnh nước nhà. Một số nhà sản xuất, người làm phim vẫn đang đổ lỗi cho ảnh hưởng của đại dịch, tình hình thị trường, tâm lý người xem,… Họ quên mất rằng khán giả trong nước luôn sẵn sàng bỏ tiền để ủng hộ những tác phẩm hay, được đầu tư bài bản bất cứ lúc nào.
Trước nay, kịch bản hấp dẫn luôn là điều điện ảnh Việt đang thiếu. Nhưng bên cạnh việc sáng tạo câu chuyện, tìm tòi ý tưởng thì đội ngũ biên kịch cần thay đổi tư duy viết thoại.
Một câu nói dài dòng chưa chắc đã hiệu quả bằng một từ đơn giản mà gần gũi. Và hơn hết, chẳng có khán giả nào muốn ra rạp chỉ để nghe những lời thoại khô cứng, thiếu tự nhiên.