Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thấy gì qua việc ăn cắp sách của một em nhỏ?

Người ăn cắp sách trong siêu thị Vỹ Yên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang ở độ tuổi học sinh. Cái mà em lấy cắp là sách - khát khao chữ làm người.

Trong những ngày qua, dự luận xã hội đang rất quan tâm đến sự việc một học sinh lớp 7 bị nhân viên siêu thị Vỹ Yên, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai buộc đeo biển “Tôi là người ăn trộm”, khi cho rằng học sinh này lấy trộm sách trong siêu thị.

'Đừng làm em nhỏ lỡ ăn cắp bị mất tương lai'

Khi xem bức ảnh lăng nhục nữ sinh, nhiều bạn đọc có cùng quan điểm rằng đây là hành động xúc phạm nhân phẩm người khác và không có tình người.

Nhìn nhận về vấn đề này cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhau, có ý kiến cho rằng, ăn trộm đó là hành vi xấu, cần phải lên án, phải giáo dục, răn đe nhất là khi đối tượng đang ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, phần đông ý kiến lại nghĩ, hành động xử lý của nhân viên siêu thị là thiếu tính nhân văn, vô tình có thể làm ảnh hưởng đến nhân cách, tổn thương tâm hồn của một đứa trẻ, thậm chí là vi phạm pháp luật.

 

Hình ảnh nữ sinh bị đeo biển ăn trộm do lấy sách ở siêu thị khiến nhiều người suy ngẫm.

Đúng sai của vụ việc đến đâu, ở đây xin không bàn luận, bởi đó là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Nhưng đánh giá hiện tượng, từ hành vi của một đứa trẻ và sản phẩm mà nó lấy cắp, chúng ta không khỏi phải băn khoăn nhất là khi cả nước hướng về Ngày sách Việt Nam 21/4.

Đối tượng mà người ta gắn cái tội ăn cắp ấy đang ở độ tuổi học sinh. Đồ vật em lấy cắp là sách - khát khao cái chữ học để làm người. Và có lẽ, ở tuổi của em, sự đam mê, sự khao khát hiểu biết và cả thiếu thốn đã khiến em có hành động đó.

Nói như vậy, nhìn ở một góc độ khác, liệu đó có phải là một tín hiệu đáng mừng? Bởi khi chúng ta đang báo động về sự thờ ơ của xã hội với văn hóa đọc, lo lắng vì giới trẻ không chịu đọc sách… thì ở đâu đấy, vẫn có những đứa trẻ cần sách để đọc.

Từ đây, đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước thấy được một thực trạng về văn hóa đọc. Liệu sách đã đến được với đúng đối tượng cần? Có chăng, mỗi người dân đều đã được thụ hưởng 3,4 bản sách/người/năm? Sách đã đến được với các em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn hay chỉ là “thừa” đối với trẻ em thành phố?

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều chính sách quan tâm, đầu tư cho phát triển văn hóa tại các địa bàn nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa như dành một phần kinh phí hàng năm để xuất bản và chuyển giao sách đến các địa bàn trên thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về sách Nhà nước đặt hàng.

Độc giả xếp hàng xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại Hội sách TP.HCM. Ảnh Như Quỳnh.

Bên cạnh đó, một số chương trình xã hội cũng đã được các đơn vị trong ngành xuất bản quan tâm với mục tiêu gìn giữ và phát triển văn hóa đọc cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo nông thôn, miền núi, vùng sâu - vùng xa như chương trình xây dựng 1.000 tủ sách cho thiếu niên tại các xã đặc biệt khó khăn; cấp sách và trang thiết bị tủ sách cho thiếu nhi nghèo tại các khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ hay chương trình Một triệu cuốn sách Kim Đồng dành tặng trẻ em nghèo.

Chưa bàn đến hiệu quả và đánh giá về chất lượng của các chương trình này, nhưng có thể thấy chỉ với sự quan tâm đó thì chưa đủ, vì nguồn ngân sách còn rất hạn chế, đối tượng, địa bàn cần đầu tư thì nhiều, vì vậy, cần lắm sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để sách đến được với tất cả các địa bàn trong cả nước, để không còn nỗi đau trẻ phải “trộm” sách để đọc.

Thiết nghĩ, đây là một việc làm mà mỗi thành viên trong cộng đồng đều có thể tham gia được với điều kiện thực tế của mình, từ việc góp từng cuốn sách đến ủng hộ kinh phí. Tuy nhiên, cần phải có một tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực xuất bản đứng ra chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện, để hiệu quả của phong trào đọc sách cũng sẽ lan rộng trong cộng đồng. Để sách đến với trẻ em nghèo cũng được hưởng ứng như những chương trình Áo trắng đến trường, Cơm có thịt đang được xã hội chia sẻ.

Ngẫm việc lấy sách của em là việc nhỏ nhưng lại là vấn đề mà xã hội cần phải quan tâm. Mong rằng, với truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc đã được xây dựng qua bao thế hệ, với tinh thần và không khí của Ngày sách Việt Nam 21/4, chúng ta hãy lượng thứ cho một hành động thiếu suy nghĩ của một đứa trẻ.

Chúng ta hãy nghĩ nhiều hơn, quan tâm nhiều hơn nữa để thay đổi nhận thức của mỗi người, mỗi gia đình đối với văn hóa đọc, chia sẻ sự khó khăn về nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các em nhỏ ở những địa bàn cần được sự quan tâm của cộng đồng.

Bình Trung

Bạn có thể quan tâm