Công ty phân phối thực phẩm của chị Trần Bích Đạt, cơ sở Hà Nội, có hơn 20 nhân viên nhưng hầu hết đang là F0, số ít còn lại cũng F1. Nhiều công việc đòi hỏi nhân sự trực tiếp nay đình trệ.
"Hai tuần nay, công ty tôi dường như không có người làm việc", nữ trưởng phòng kinh doanh than thở.
Không chỉ ở doanh nghiệp của chị Đạt, đây đang là tình trạng chung của nhiều cơ quan, đơn vị khi “F0 nhiều hơn F1”, nhân lực làm việc trực tiếp thiếu trầm trọng.
Mong bỏ quy định cách ly F1
Với đặc thù là đơn vị phân phối thực phẩm, chị Đạt cho biết nhu cầu của khách hàng trong đợt dịch khiến khối lượng công việc tăng vọt. Gần đây, dịch lây lan nhanh khiến hầu hết nhân viên công ty đều mắc Covid-19 và nữ trưởng phòng này cũng không ngoại lệ.
“Công việc của chúng tôi có đặc thù phải đi thị trường nhiều để phân phối sản phẩm cho hệ thống bán lẻ hay siêu thị - đều là những nơi đông người và có nguồn lây nhiễm phức tạp. Mắc Covid-19 là khó tránh khỏi”, chị Đạt cho hay.
Theo chị, việc mắc Covid-19 ngoài chịu tâm lý lo lắng bởi các triệu chứng của dịch, nhiều nhân viên còn chịu áp lực lớn khi đối tác liên tục thúc tiến độ giao hàng, hoàn thành hồ sơ, giấy tờ. Tuy nhiên, người nhiễm bệnh lại không thể tới công ty làm việc.
Đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) vắng lạ thường trong những ngày số ca F0 của thành phố liên tục lập kỷ lục. Ảnh: Nhật Sinh. |
Nữ trưởng phòng đánh giá với tỷ lệ bao phủ vaccine rất lớn, đa số mọi người đã sẵn sàng cho tâm lý sống thích ứng với dịch bệnh. Song, việc có thích ứng được hay không còn phụ thuộc vào quy định của cơ quan quản lý.
Công ty của chị Đạt sẵn sàng cho F1 đến làm việc để đáp ứng yêu cầu của thị trường, phục vụ người dân, chỉ cần nhân viên tuân thủ quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người...
"Yêu cầu F1 dù đã tiêm đủ vaccine vẫn phải cách ly 5 ngày của Bộ Y tế khiến chúng tôi gặp khó. Tuân thủ thì không có người làm việc, mà không tuân thủ cũng không được”, chị Đạt nói, đồng thời kiến nghị bỏ quy định về cách ly F1 trong giai đoạn hiện nay.
May mắn chưa thành F0 nhưng anh Hoàng Văn Thọ (36 tuổi, nhân viên một công ty tư nhân về phòng cháy chữa cháy) khổ không kém khi "là F1 triền miên". Anh không thể đi làm trực tiếp và gia đình vì thế chịu thêm gánh nặng kinh tế.
"Khi người trong nhà khỏi Covid-19, tôi lại vô tình va phải F0 bên ngoài, tình trạng này đã kéo dài hơn một tháng nay", anh Thọ nói. Theo anh, dù công ty rất mong muốn để nhân viên là F1 đến làm việc, điều này lại mâu thuẫn với quy định của Bộ Y tế.
Mới đây, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) cũng kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh quy định cách ly F1 theo hướng sau khi xét nghiệm âm tính thì được đi làm bình thường.
Hiệp hội này cho rằng nếu áp dụng rập khuôn cách ly F1 thì chỉ cần một công nhân ở nhà trọ là F0 thì cả phòng trọ, thậm chí cả khu nhà trọ đó là F1. Khi đó, nhà máy và khu công nghiệp không có công nhân đi làm.
Trả lời Zing, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh bất cập về vấn đề này. Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh. “Những quy định này được điều chỉnh liên tục chứ không phải cố định”, ông Tuyên nói.
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) góp ý việc cách ly cần được điều chỉnh tương thích với năng lực chữa trị của ngành y tế. Ở những địa phương cơ sở y tế đang quá tải, có thể cần cách ly F1, còn nơi năng lực chữa trị dồi dào thì không nên áp dụng quy định này.
Đánh giá tỷ lệ người phát bệnh thay vì thống kê ca nhiễm
Nhìn rộng ra từ việc thay đổi tư duy và chính sách, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng về quản trị, quan trọng nhất là cân đối giữa số ca phát bệnh và năng lực điều trị của ngành y tế. Theo đó, cần thu thập dữ liệu để có thông tin chính xác về tỷ lệ phát bệnh với người đã tiêm vaccine đầy đủ và người chưa tiêm. Các giải pháp khống chế lây lan dịch bệnh phải được điều chỉnh tương thích với tỷ lệ này. Mục đích là không bao giờ để hệ thống y tế bị quá tải.
"Thống kê số ca mắc Covid-19 trong bối cảnh rất nhiều người tự nhiễm, tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa và cũng khó chính xác”, ông Dũng nhấn mạnh. Hơn nữa, điều này gây sức ép lớn cho việc mở cửa trở lại.
Nhiều trường học sau khi mở cửa đã cho học sinh quay trở lại học trực tuyến khi số ca nhiễm tăng cao. Trong ảnh là học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM được ăn bán trú khi trở lại trường học trực tiếp vào tháng 2. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo tiến sĩ Dũng, nếu biết chính xác tỷ lệ người phát bệnh thì hoàn toàn có thể đoán được tổng số người đang nhiễm bệnh.
Ví dụ, nếu tỷ lệ người phát bệnh là 1% mà số người đang phát bệnh là 10, thì số người nhiễm bệnh là 1.000. Nếu năng lực điều trị của ngành y tế đủ cho 20 bệnh nhân, không nhất thiết phải tăng biện pháp phòng, chống lây nhiễm. Ngược lại, năng lực điều trị chỉ đủ cho 10 bệnh nhân, các biện pháp phòng, chống phải nhanh chóng được tăng cường, thực thi.
Không thể “đóng cửa vô tận”
Về cách ứng xử với Covid-19, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm nên coi đây là bệnh đặc hữu giống như cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa… Tức là lúc này hay lúc khác, chỗ này hay chỗ kia sẽ có nhiều người bị bệnh nhưng chỉ cần “mắc thì chữa”.
“Bệnh nào cũng khó tránh có người tử vong. Vấn đề là với người tiêm chủng đầy đủ, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 sẽ thấp”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Vị chuyên gia nhấn mạnh nhận thức về dịch bệnh rất quan trọng để thoát khỏi "nỗi sợ Covid-19", "nỗi sợ là F0". Ngoài ra, cần điều chỉnh chính sách truyền thông để bảo đảm sự cân bằng, khách quan và khoa học, chấm dứt kiểu thông tin “dọa ma”.
Để chuẩn bị cho lộ trình mở cửa an toàn hướng đến phục hồi hậu Covid-19, ông thể hiện quan điểm trước hết cần chuẩn bị về mặt tư duy, coi Covid-19 là một loại bệnh đặc hữu. Mà đã là bệnh đặc hữu thì nó sẽ không biến mất hoàn toàn.
“Vì thế, chúng ta không thể đóng cửa vô tận đời sống kinh tế - xã hội của đất nước để chờ nó biến mất. Trở lại với cuộc sống bình thường mới là sự cần thiết khách quan. Hàng nghìn năm nay, chúng ta đã sống chung an toàn được với virus gây dịch cúm, thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể sống chung an toàn được với Covid-19”, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.
Biển Vũng Tàu đón một lượng lớn du khách đến trong những ngày sau Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về mặt hành động, ông góp ý từng bước mở cửa cho mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội. Điều chỉnh độ mở căn cứ vào tỷ lệ người phát bệnh và năng lực điều trị của ngành y tế. Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh tiêm chủng, nhanh chóng tiếp nhận thành tựu mới nhất của thế giới trong lĩnh vực vaccine và thuốc chữa bệnh; nâng cao ý thức và năng lực phòng chữa bệnh cho người dân.
“Nền kinh tế của Việt Nam là một nền kinh tế mở, đóng cửa khi thế giới đã mở thì sẽ chịu thiệt hại rất lớn”, ông Dũng nói và lưu ý việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế, mở cửa đồng bộ với thế giới.