Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay đổi công nghệ xử lý rác mới giải quyết được mùi hôi ở Đa Phước

“Việc chôn lấp rác có xử lý như thế nào thì cũng có mùi, chỉ có chuyển sang đốt mới giảm mùi hôi và việc quan trọng nhất là phải đổi mới công nghệ xử lý rác", Giám đốc Sở TNMT nói.

Trưa 3/7, tại họp báo định kỳ tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, trả lời nhiều vấn đề liên quan đến mùi hôi ở khu Nam Sài Gòn.

Ông Thắng cho rằng Sở TNMT đã dự báo được tình hình bãi rác Đa Phước gây ra mùi hôi cho khu vực trên, chứ không phải đến khi người dân phản ánh tình trạng ô nhiễm cơ quan này mới biết.

Theo đó, Sở TNMT đã yêu cầu Công ty TNHH xử lý chất thải VN (VWS) áp dụng nhiều giải pháp hạn chế mùi ở bãi rác Đa Phước, như: Điều chỉnh thời gian xử lý chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày; Bố trí các khu vực tiếp nhận chất thải di động ở vị trí phù hợp để hạn chế khuếch tán mùi; Mua sắm, nhập khẩu thêm một số máy móc chuyên dụng, máy khử mùi, phun xịt thêm hóa chất thân thiện với môi trường để khống chế mùi…

mui hoi nam sai gon anh 1
Công nghệ xử lý chôn lấp gây mùi hôi tại bãi rác Đa Phước. Ảnh: Lê Quân.

Đồng thời, Sở TNMT đề nghị VWS tập trung áp dụng các biện pháp khống chế mùi hôi trong mùa mưa và đề xuất thêm giải pháp mới.

Liên quan đến kết luận thanh tra về Công ty VWS, ông Thắng cho biết Bộ TNMT đã xử phạt công ty này số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ TNMT yêu cầu VWS phải nâng công suất xử lý nước thải từ 2.000 m3/ngày lên 6.280 m3/ngày và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018.

“Chôn lấp rác có xử lý như thế nào thì cũng có mùi, chỉ có giải pháp giảm lượng chôn lấp, chuyển sang đốt mới giảm mùi hôi và việc quan trọng nhất là phải đổi mới công nghệ xử lý rác để đảm bảo môi trường cho TP”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết TP phát triển quá nhanh nên nhu cầu xử lý rác tăng cao với 8.000 tấn rác/ngày và có thể tăng hơn nữa. TP.HCM cũng có nhu cầu kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt để chuyển hóa sang năng lượng điện.

Theo ông Hoan, TP tổ chức đấu thầu, tìm nhà đầu tư để phát triển càng nhiều nhà máy xử lý rác càng tốt. Điều này cần thiết hơn là bàn về việc chuyển rác từ chỗ này sang chỗ khác.

"Khi có nhiều nhà máy thì sẽ có cạnh tranh về giá, nhiều hướng xử lý hơn và nên hạn chế di chuyển rác qua thành phố. Xử lý càng nhanh càng tốt với công nghệ cao thì mùi hôi chắc chắn sẽ giảm rất nhiều. Hiện nay, chúng ta chỉ có một hướng duy nhất, làm ảnh hưởng đến người dân rất nhiều”, Chánh văn phòng UBND TP.HCM nói.

Cư dân Nam Sài Gòn: Cứ đi ngủ là phải bịt khẩu trang Mùi hôi xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày, các cư dân chung cư đang sống tại Nam Sài Gòn phải đóng cửa cả ngày trong nhà, bịt kín khẩu trang ra ngoài.

Giữa năm 2016, mùi hôi thối xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống của người dân ở Phú Mỹ Hưng và khu vực Nam Sài Gòn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó có ý kiến chỉ đạo UBND TP.HCM làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm tại quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đồng thời, đề xuất phương án giải quyết.

TP.HCM sau đó đã có kết luận mùi hôi phát sinh tại khu vực chôn lấp đang tiếp nhận rác và hồ chứa nước thải nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước của Công ty VWS.

Tháng 4/2018, Thanh tra Chính phủ có văn bản báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố cáo của công dân liên quan đến Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Mùi hôi ở Phú Mỹ Hưng: Nhà của mình mà nhiều khi không dám về

Mùi "lạ" xuất hiện nhiều thời điểm trong ngày khiến cuộc sống của người dân ở Phú Mỹ Hưng đảo lộn. Nhiều người có ý định bán nhà vì không chịu nổi mùi hôi thối kinh khủng này.

Bình Nguyên - Lê Trai

Bạn có thể quan tâm