Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thay đổi cách tiếp cận với người lao động nghỉ việc

Bộ phim “Hè rồi, nghỉ việc thôi” gợi nguồn cảm hứng cho nhiều người nghỉ việc để thực hiện các kế hoạch mới.

Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, việc nhân sự quyết định nghỉ việc trở thành bài toán đau đầu.

Khi người lao động tạm chia tay công việc

Ngọc Anh vừa rời khỏi vị trí quản lý tại một công ty truyền thông sau 4 năm gắn bó. Chị cho biết đang trong giai đoạn cần dừng lại để suy nghĩ về hướng đi mới cho bản thân. Tuy vậy, không như nhân vật chính trải qua hàng loạt “drama” nơi công sở của bộ phim Hè rồi, nghỉ việc thôi, quyết định của Ngọc Anh đơn giản hơn nhiều.

“Quyết định nghỉ việc đến với tôi rất tự nhiên, không phải vì gặp khó khăn hay mâu thuẫn với đồng nghiệp. Chỉ đơn giản là tôi muốn mình có một khoảng nghỉ để nhìn nhận lại lộ trình sự nghiệp hiện tại”, chị chia sẻ.

Không chỉ riêng Ngọc Anh, nhiều người lao động đôi khi không cần biến cố để quyết định chia tay công việc. Họ dành ra khoảng thời gian nghỉ trong sự nghiệp như một “món quà” cho sự cống hiến của bản thân. Xu hướng này đang dần được biết đến với thuật ngữ “career break” - khoảng nghỉ khi người lao động muốn tạm gác công việc và tập trung cho những mối quan tâm khác, hoặc đơn giản là họ cần nghỉ ngơi. Theo khảo sát của LinkedIn thực hiện trên 23.000 người lao động và hơn 7.000 nhân viên bộ phận nhân sự (HR) cho thấy gần 62% nhân viên từng thực hiện “career break”.

Talentnet anh 1

Lợi ích từ “career break” khiến xu hướng này trở nên phổ biến hơn và được nhóm nhân sự cấp cao hưởng ứng.

Bà Lý Ngọc Trân - Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài, Công ty tư vấn nhân sự Talentnet - chia sẻ:Nếu người lao động biết tận dụng các khoảng nghỉ để định hình tương lai và trau dồi những kỹ năng cần thiết, ‘career break’ có thể là cột mốc cần thiết trong sự nghiệp của họ. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên có góc nhìn khách quan về xu hướng này. Việc tạm thời ‘bật nút tắt’ cho công việc không có nghĩa đánh dấu chấm hết giữa người lao động và doanh nghiệp, mà có thể là một bước lùi cho nhiều bước tiến của đôi bên”.

Tạm nghỉ để bắt đầu “mối quan hệ mở”

Khi “career break” đang dần trở thành lựa chọn đáng được cân nhắc của người lao động thuộc nhóm nhân sự cấp cao, lỗ hổng từ việc thiếu hụt nhân sự ở nhóm này sẽ khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian tìm kiếm ứng viên lấp chỗ trống thích hợp.

Tuy nhiên, bản thân HR cũng sẽ không thể can thiệp vào quyết định của nhân sự. Vì vậy, thay vì chia tay trong tiếc nuối, HR có thể thay đổi cách thức tiếp cận theo 2 hướng mới. Đầu tiên là mở lời cho người lao động cấp cao chế độ “nghỉ việc tạm thời” nếu cảm thấy họ bị kiệt sức hoặc cần thời gian để giải quyết vấn đề cá nhân. Trong trường hợp người lao động có hướng đi mới, HR có thể cân nhắc cho người lao động hợp tác với vai trò freelancer nếu điều này không ảnh hưởng đến chính sách doanh nghiệp.

Bà Lý Ngọc Trân chia sẻ với phương án nghỉ việc tạm thời, doanh nghiệp có thể tạo điều kiện để nhân sự cấp cao được tạm rời khỏi công việc, dành thời gian cho bản thân, giải quyết vấn đề gia đình hay học hỏi thêm để phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Doanh nghiệp sẽ giữ vị trí khi họ quay trở lại. Điều này giúp doanh nghiệp tăng khả năng giữ chân nhóm nhân sự “hiếm có khó tìm”, tạo lợi thế cạnh tranh về chính sách phúc lợi trên thị trường.

Talentnet anh 2

Khi nhân sự cấp cao nghỉ việc, doanh nghiệp hoàn toàn có cách đưa nguồn lực đặc thù này về quỹ đạo chung.

Trong trường hợp giữa doanh nghiệp và nhóm nhân sự cấp cao chia tay trong hòa bình, doanh nghiệp có thể cân nhắc đồng hành cùng họ với vai trò freelancernếu đôi bên có cùng tiếng nói chung: Người lao động mong muốn tiếp tục hợp tác và học hỏi ở các dự án, doanh nghiệp đủ điều kiện xây dựng mô hình làm việc mới với freelancer.

Dù vậy, nếu một người lao động vẫn quyết định “dứt áo ra đi”, sự thay đổi nhân sự sẽ là biến số cho đội ngũ. Vì thế, doanh nghiệp cần có một kịch bản để đối ứng. Theo bà Trân, có 2 phương án “chữa cháy” mà HR có thể tìm đến cho tình huống này. Thứ nhất, mượn trợ lực từ nguồn nhân sự dồi dào của dịch vụ nhân sự thuê ngoài. Điều này giúp doanh nghiệp ổn định cơ cấu nhân sự, lấp chỗ trống cần thiết và có thêm thời gian phát triển đội ngũ hiện tại.

Thứ hai, HR có thể tìm đến sự trợ giúp từ dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao. Với ưu điểm kết nối nguồn nhân lực cấp cao chất lượng, doanh nghiệp có thể rút ngắn thời gian tuyển dụng và tái cơ cấu lại vị trí đang bỏ ngỏ sau sự rời đi của nhóm nhân sự quan trọng này.

Cũng theo LinkedIn, 79% HR đồng ý thuê ứng viên có “career break” trong lý lịch của họ. Thị trường đang dần quen thuộc hơn với những khoảng nghỉ này và doanh nghiệp có thể chuẩn bị các chính sách phù hợp nếu người lao động lựa chọn “career break”.

Có thể nói, nếu doanh nghiệp và người lao động sẵn lòng cho một mối quan hệ mở, “career break” có thể không còn là một biến số khó giải quyết đối với doanh nghiệp.

Lan An

Bạn có thể quan tâm