Ngành manga đang thiệt hại lớn từ các trang web vi phạm bản quyền khi họ cho đọc và tải manga miễn phí. Ảnh: Nikkei. |
Tháng trước, nhóm chống vi phạm bản quyền có trụ sở tại Nhật Bản Authorized Books of Japan (ABJ) đã thực hiện một chiến dịch quảng cáo trên báo chí tại Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Ngày ra mắt của chiến dịch này, ngày 17/7 được tuyên bố là "Ngày Manga" và mục đích của chiến dịch là nâng cao nhận thức về nạn vi phạm bản quyền manga. Quảng cáo của họ được đăng trên nhiều tờ báo uy tín như New York Times, La Repubblica, El Pais hay Le Monde.
Hình ảnh của chiến dịch chống vi phạm bản quyền manga. |
Phần lớn chiến dịch chống vi phạm bản quyền đều tập trung vào những điều tiêu cực với hy vọng rằng nỗi sợ hãi sẽ chế ngự những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, chiến dịch của ABJ thực hiện cách tiếp cận ngược lại. Sau khi đã ghi nhận sự thành công ở Nhật Bản, lần này họ mở rộng ra phạm vi quốc tế
Thay vì chỉ trích những người không trả tiền, quảng cáo thể hiện lòng biết ơn đối với những người trả tiền ("Cảm ơn bạn đã đọc các ấn bản chính thức"), đơn vị triển khai hy vọng rằng sự tích cực sẽ được đón nhận tốt hơn và sẽ có tác động lâu dài hơn trong cộng đồng người hâm mộ manga đang không ngừng mở rộng.
Vấn nạn vi phạm bản quyền trong giới manga
Khi chiến dịch trên được triển khai tại Mỹ và châu Âu vào tháng trước, ABJ đã ghi nhận có tổng cộng 1.332 trang web vi phạm bản quyền, chủ yếu tập trung vào manga, đã cung cấp miễn phí truyện tranh để đọc trực tuyến hoặc cho phép tải xuống. Phần lớn các manga lậu này đã được dịch sang tiếng Anh, đánh trúng nhu cầu của độc giả quốc tế và thu hút được hàng tỷ lượt truy cập hàng năm.
“Chỉ riêng lượng đọc miễn phí mỗi tháng trên 10 trang web vi phạm bản quyền dịch tiếng Anh hàng đầu đã có doanh thu lên tới 800 triệu USD, một con số đang tăng lên hàng năm và cần phải hành động ngay lập tức”, ABJ đưa tin, trích dẫn số liệu từ tháng 5/2024.
Một trong những số liệu đáng chú ý khác là sự tăng trưởng mạnh mẽ của một số trang web trong top 10 trên chỉ trong vòng một tháng. Theo tài liệu của ABJ, trang web ở vị trí số 4 vào tháng 4 đã ghi nhận lượng truy cập tăng gấp đôi và leo thẳng lên vị trí số 1 trong tháng 5.
Hiện chưa rõ lý do cho sự gia tăng đột biến này, nhưng xét đến bản chất của các trang web lậu, sau khi bị triệt phá, chúng thường xuyên đổi tên liên tục để xuất hiện trở lại, do đó, số lượt truy cập có thể dao động mạnh trước khi ổn định trở lại.
Lượng truy cập của top 10 trang web vi phạm bản quyền manga trong tháng 5. Ảnh: Torrent Freak. |
Trong một văn bản vào tháng 7, ABJ nêu rằng "lượt truy cập đã giảm do các trang web lớn bị đóng cửa" nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại "về sự xuất hiện và phát triển của các trang web được sản xuất hàng loạt do một số tổ chức thực hiện". Hoạt động của chúng gây mất phương hướng cho lực lượng chức năng và có thể dẫn đến sự xuất hiện của 100 trang web mục tiêu mới chỉ trong vòng một tháng.
Những tín hiệu tích cực bước đầu
Đã có số liệu cho thấy số lượng trang web vi phạm bản quyền có thể tăng giảm rất nhanh chóng. Theo ABJ, có 1.332 trang web cung cấp manga vi phạm bản quyền vào tháng 5 năm 2024, tăng từ 1.207 trang web từ tháng 2.
Các trang web này cũng phục vụ cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Theo phân tích sơ bộ của ABJ, họ xác định được có 294 trang web phục vụ cho độc giả Nhật Bản, 466 trang web cung cấp bản dịch tiếng Anh và có 477 trang web cung cấp manga bằng nhiều ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ Nhật và tiếng Anh, bao gồm tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Indonesia, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Nga, tiếng Italy,…. Theo khối lượng, các trang web dịch tiếng Anh chiếm vị trí hàng đầu, tiếp theo là các trang web tiếng Nhật.
Về thiệt hại từ nạn vi phạm bản quyền, ABJ ghi nhận các con số đáng cảnh báo trong vòng 3 năm qua. Năm 2021 (ước tính tính đến tháng 2 năm 2022), con số thiệt hại vào khoảng 1,19 nghìn tỷ yên (theo tỷ giá hiện tại khoảng 8 tỷ USD). Năm 2022, (ước tính tính đến tháng 2 năm 2023), mức thiệt hại là 506,9 tỷ yên và năm 2023 (tính đến cuối tháng 1 năm 2024), ngành manga thiệt hại khoảng 381,8 tỷ yên.
Chưa rõ nguyên nhân của sự sụt giảm này, tuy nhiên, ABJ đưa ra một số đánh giá ban đầu. Đây có thể là sự hiệu quả từ “các biện pháp khẩn cấp” xóa các liên kết đến nội dung vi phạm bản quyền khỏi kết quả tìm kiếm của Google, bắt đầu vào mùa thu năm 2022. Và khả năng thứ hai là “sự phát triển mạnh mẽ” của chiến dịch “STOP! Manga Piracy" "Vi phạm bản quyền! Dừng lạ!".
“Chúng tôi đã tìm nhiều biện pháp khác nhau và nhận thấy hoạt động vi phạm bản quyền giảm khoảng 25% từ năm 2022 đến năm 2023”, ABJ giải thích.
Những thành quả bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả khi có sự phối hợp của nhiều đơn vị và diễn ra ở quy mô lớn. Sự thay đổi hoàn toàn chưa rõ khi nào có thể thành hiện thực, nhưng có thể thấy chống vi phạm bản quyền không còn là nhiệm vụ bất khả thi như trước nữa, Torrent Freak nhận định.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.