Hiệu sách gắn liền với nhiều giá trị cộng đồng. Ảnh: The Seatle Times. |
Đại dịch Covid-19 đã mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt trong xã hội, tuy nhiên, lại mang đến kết quả tích cực cho ngành sách. Theo số liệu năm 2022 của The New York Times, đã có hơn 300 tiệm sách tư nhân mọc lên trên khắp nước Mỹ vào thời gian đó. Đây là một xu hướng trái ngược với trước dịch bệnh khi từ năm 1998-2020, hơn một nửa số hiệu sách độc lập tại Mỹ phá sản.
Vấn đề của giới bán sách Mỹ
Nước Mỹ đã có vấn đề về các hiệu sách từ nhiều thế kỷ trước. Đầu tiên là sự thiếu hụt nơi bán sách. Cho đến giữa thế kỷ 19, việc phân phối sách chủ yếu nằm trong tay các nhà in và nhà xuất bản, khi họ mở hiệu sách riêng.
Do số lượng hiệu sách không lớn, một số người đã lập nên các kênh vận chuyển, như chiếc xà lan chở sách trên kênh đào Erie vào đầu thế kỷ 19 hay những đoàn xe chở sách đi bán cho đến thế kỷ 20.
Ngay cả sau khi việc phân phối sách được cải thiện, vẫn không dễ để có được những cuốn sách mới trừ khi độc giả sống ở một thành phố lớn hoặc khu trường học. Theo ước tính, vào năm 1939, khoảng 180 triệu cuốn sách đã được xuất bản, nhưng chỉ có 2.800 hiệu sách.
Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn sau Thế chiến hai, khi ngành xuất bản bùng nổ một phần nhờ vào sự gia tăng mạnh mẽ số lượng sinh viên đại học, những người phải mua sách cho các khóa học. Thêm vào đó là việc nới lỏng luật cho phép các nội dung người lớn xuất hiện, điều phần nào giúp sách hấp dẫn hơn. Theo Publishers Weekly, năm 1950, đã có 11 nghìn đầu sách mớ. Năm 1970, con số này là 36 nghìn, tăng gấp 3 lần.
Trước tình hình này, các hiệu sách địa phương không đủ khả năng chi trả tiền thuê cho mở rộng không gian và sắp xếp khối lượng sách mới quá lớn. Còn các nhà xuất bản cần nhiều “đại lý” hơn để đưa sách tới nhiều khách hàng hơn. Và thị trường đã phản ứng bằng việc xuất hiện các chuỗi hiệu sách.
Chuỗi hiệu sách lớn đầu tiên là B. Dalton, mở một cửa hàng vào năm 1966 và đến năm 1978 đã có các chi nhánh tại 43 tiểu bang. Và cả Waldenbooks, khởi đầu vào những năm 1930 với tư cách là một công ty cho thuê sách, mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên vào năm 1962 và đến năm 1981 đã có 735 hiệu sách.
B. Dalton gắn liền với một giai đoạn phát triển của ngành sách Mỹ. Ảnh: Reddit. |
Giống như siêu thị, về cơ bản chúng là dịch vụ tự phục vụ. Nhân viên thường không được đào tạo để đưa ra các khuyến nghị đọc sách. Tuy nhiên, họ mang đến điều các hiệu sách độc lập thiếu: Sự tiện lợi và số lượng sách lớn. Đến năm 1982, Waldenbooks và B. Dalton chiếm khoảng 24% tổng doanh số bán sách tại Mỹ.
Thị trường tiếp tục phát triển và các chuỗi hiệu sách này đã phải nhường thị phần cho các siêu thị sách khi họ bố trí những không gian bán sách khổng lồ hơn nhiều cùng nhiều mặt hàng giải trí khác, như đĩa CD và DVD.
Những cái tên lớn là Borders, mở cửa vào năm 1971 và bắt đầu mở rộng vào những năm 1980, hay Barnes & Noble, từng là một hiệu sách cũ ở New York nhưng được Leonard Riggio mua lại vào năm 1971 và áp dụng chiến lược giảm giá để đưa tên tuổi của họ đến với khách hàng.
Đến năm 1997, Barnes & Noble và Borders đã bán tới 43% tổng số sách tại Mỹ. Thời điểm đó, hơn 60.000 đầu sách được phát hành mỗi năm. Cửa hàng Barnes & Noble lớn nhất bày sẵn khoảng 200.000 cuốn, nhiều cuốn trong số đó được giảm giá 20% hoặc 30% so với giá niêm yết.
Đây không phải là mô hình kinh doanh mà các hiệu sách độc lập nhỏ có thể áp dụng, vì họ cần kiếm được lợi nhuận từ từng quyển sách một. Trong cuộc cạnh tranh giữa người anh hùng David và khổng lồ Goliath, Davids đã cho thấy sự suy tàn. Đến năm 2021, chỉ còn khoảng 2.000 hiệu sách độc lập vẫn còn kinh doanh.
Barnes & Noble vẫn giữ được vị thế tại Mỹ hiện tại. Ảnh: BI. |
Tuy nhiên, vấn đề phân phối vẫn chưa hoàn toàn được giải quyết. Ngày nay, có khoảng 3 triệu cuốn sách được xuất bản mỗi năm, bao gồm cả sách điện tử tự xuất bản chỉ có trên các nền tảng số. Khi số lượng sách in mỗi năm ngày càng nhiều thì danh mục sách tồn đọng của nhà xuất bản càng dài và không có không gian bán lẻ nào có thể chứa được tất cả lượng hàng tồn kho đó.
Do đó, sự ra đời của Amazon, khởi đầu là một hiệu sách trực tuyến vào năm 1995, là một diễn biến phù hợp. Xu hướng mua sắm trực tuyến dần phát triển và ngày nay nền tảng này có giá trị tới 1,8 nghìn tỷ USD.
Sách hiện chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong doanh số bán hàng của Amazon, nhưng chúng chiếm hơn một nửa tổng số sách được mua tại Mỹ. Ngoài Amazon, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng lan rộng trong cộng đồng sách, với trang web của AbeBooks cung cấp sách hiếm và sách đã hết bản in hay có thể lên trang web trực tuyến của nhà xuất bản hay chuỗi hiệu sách barnesandnoble.com để mua. Vậy tại sao thế giới còn cần hiệu sách?
Không chỉ là trải nghiệm với sách
Một câu trả lời bật ra ngay đối với độc giả là họ được tận tay chạm vào sách và việc mua sách trực tuyến hoàn toàn không thể bù đắp được trải nghiệm này. Tiếp đó, dịch vụ khách hàng của các hiệu sách và Amazon cũng không thể so sách với nhau. Trong khi độc giả có thể nhận được đề xuất, khuyến nghị các tác phẩm tương tự theo gu đọc của mình trên Amazon, việc được trò truyện với những người am hiểu về sách với sự đa dạng về cá tính, hóm hỉnh, nghiêm túc hay khéo léo để lại ấn tượng đặc biệt.
Ngoài ra, còn một yếu tố được học giả Janice Radway gọi là "hào quang" của sách in. Độc giả không coi sách là hàng hóa thông thường và với nhiều người, hiệu sách là một nơi trú ẩn an toàn khỏi sự xô bồ và cạnh tranh khốc liệt của cuộc sống bên ngoài.
Và ngoài những lý do truyền thống này, các hiệu sách tại Mỹ cũng đang bổ sung thêm cho mình những giá trị mới để tồn tại. Đầu tiên là trở thành một không gian phát triển cộng đồng, giống như một nơi tụ họp của người dân khu phố. Họ chào đón mọi người, từ trẻ mới biết đi, những con người lập dị hay những vị giáo sư uyên bác lớn tuổi. Họ lên lịch cho các tác giả đến trò chuyện và nhiều buổi tụ tập khác, với số lượng có thể lên tới hàng trăm sự kiện mỗi năm. Ngoài không gian bán sách, một số cửa hiệu cũng có một quầy cà phê để những người thường xuyên ghé qua có thể thư giãn và trò chuyện về sách.
Trong khi đó, khi không thể cạnh tranh về số lượng đầu sách, có lẽ các hiệu sách cần tìm cách nâng cao sự độc đáo của mình. Theo nhà bình luận Louis Menand của tờ New Yorker, chìa khóa để có một hiệu sách tốt chính là sự tuyển chọn. Từ hàng tỷ cuốn sách ngoài kia, mỗi hiệu sách có thể có cách lựa chọn khác nhau để đáp ứng cả niềm đam mê của chủ hiệu và độc giả.
Gần đây, đã có một số hiệu sách bắt nhịp với đà nổi lên của tiểu thuyết lãng mạn và ngay từ tên gọi, họ đã tạo được ấn tượng với độc giả. Khi đến với Ripped Bodice ở Brooklyn, Steamy Lit ở Deerfield Beach, Florida hay Blush Bookstore ở Wichita, độc giả được đắm chìm trong thế giới lãng mạn và nhân viên đều rất nhiệt tình hỗ trợ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.