Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Thắt dây an toàn ở Việt Nam: 'Có ai dùng thứ này đâu'

Nếu không có dây an toàn, khả năng tử vong khi có va chạm sẽ tăng gấp đôi. Đừng tiếp tục cảm thấy “không thoải mái" khi thắt dây.

csgt phat khong that day an toan anh 1

Thắt dây an toàn ở Việt Nam: ‘Có ai dùng thứ này đâu'

Nếu không có dây an toàn, khả năng tử vong khi có va chạm sẽ tăng gấp đôi. Đừng tiếp tục cảm thấy “không thoải mái" khi thắt dây.

csgt phat khong that day an toan anh 2

csgt phat khong that day an toan anh 3

Simon Stanley

Nhà báo tự do

Simon Stanley là cây viết tự do chuyên các vấn đề thời sự, văn hóa và lịch sử đang sống tại TP.HCM. Một số tác phẩm của Stanley được dịch sang tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia. Anh cũng từng góp mặt trong vài tập phim của series nổi tiếng Somebody Feed Phil trên Netflix có bối cảnh quay ở TP.HCM.

Vừa leo lên xe taxi, theo phản xạ, vợ chồng tôi quơ tay tìm kiếm dây an toàn thắt vào cho mình và đứa con nhỏ, trước sự ngạc nhiên của anh tài xế.

“Tôi lái xe bao nhiêu năm nay, có ai dùng đến thứ này khi ngồi băng sau đâu”, anh tài xế taxi nói với tôi. Rõ là dây an toàn không được sử dụng bao giờ thật vì bao xung quanh nó vẫn là lớp bọc nylon bảo vệ như hồi mới mua xe.

Dù thao tác chỉ mất một vài giây nhưng rất nhiều người bỏ qua bước này. Có lẽ vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi trong đợt ra quân vừa rồi của CSGT ở TP.HCM nhằm tăng cường xử phạt hành vi không thắt dây an toàn, phần lớn tài xế lẫn người ngồi trên xe đều bị bất ngờ.

Thắt dây an toàn trở thành phản xạ không điều kiện của chúng tôi. Vì sao? Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh: Nếu không có dây an toàn, khả năng tử vong khi có va chạm sẽ tăng gấp đôi. Và chúng tôi thì chưa muốn chết.

Tuy vậy, có vẻ như vợ chồng tôi khá đơn độc trong việc cài dây an toàn ở Việt Nam. Bạn đồng hương của tôi từ Anh, dù phát khiếp với giao thông Việt Nam, nhưng lại “nhập gia tùy tục” rất tốt.

Họ trèo lên xe, bỏ qua bước thắt dây an toàn, và cứ thế ngồi ung dung ngắm đường phố qua khung cửa kính. Tôi thật sự thấy khó hiểu bởi lẽ nếu ở Anh, chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm thế. Mỗi lần đi chung xe, thấy chúng tôi thắt dây an toàn, họ đều phẩy tay: “đi đoạn ngắn ấy mà” hay “chúng ta đi chậm mà, lo gì”.

Trước khi quy định yêu cầu thắt dây an toàn có hiệu lực, một tài xế taxi khác của tôi ước tính, chỉ khoảng 1% khách hàng của anh này có thắt dây an toàn. “Khách không đeo vì họ thấy không thoải mái và cũng có ai phạt đâu”, anh tài xế này nói.

Cũng theo người tài xế này, nhiều người không thắt dây an toàn chỉ đơn giản bởi vì họ “chưa quen". Và cũng rất nhiều người “chưa quen" có ghế riêng cho trẻ nhỏ; họ cứ để chúng ngồi trên đùi hoặc băng ghế trước.

Chính tâm lý chủ quan đó là mối lo.

Trung bình người trưởng thành ngồi băng ghế sau mà không thắt dây an toàn sẽ bị văng ra phía trước, đập vào kính chắn gió, vô lăng, ghế trước hay bảng táp lô và phải chịu một lực nặng khoảng 3 tấn hoặc gấp 30-60 lần trọng lượng cơ thể đè lên người.

Theo một nghiên cứu của Đại học Tokyo năm 2002, trong trường hợp tai nạn, tùy thuộc vào cân nặng của hành khách, nhưng trung bình người trưởng thành ngồi băng ghế sau mà không thắt dây an toàn sẽ bị văng ra phía trước, đập vào kính chắn gió, vô lăng, ghế trước hay bảng táp lô và phải chịu một lực nặng khoảng 3 tấn hoặc gấp 30-60 lần trọng lượng cơ thể đè lên người. Với những va chạm này, nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng hoặc tử vong là rất lớn.

Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Center for Disease Control and Prevention, Mỹ) chỉ ra: Khi tai nạn xảy ra, người không thắt dây an toàn có xác suất bị văng ra khỏi xe cao gấp 30 lần so với người có thắt dây.

Di chuyển bằng ôtô đã trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng mãi đến gần đây, luật mới bắt buộc cả lái xe và hành khách đều phải thắt dây an toàn. Chúng ta đều nhìn thấy rõ, đúng như cái tên, dây an toàn đảm bảo an toàn cho người trong xe.

Nếu người dân không hiểu được tại sao phải hình thành thói quen này thì luật pháp hay chế tài cũng chỉ là vô nghĩa. Chưa kể mức phạt cho một lần vi phạm chỉ từ 100.000-200.000 đồng. Theo tôi mức phạt như vậy chưa đủ sức răn đe.

Ngành công nghiệp ôtô đang phát triển rất nhanh, đôi khi trước cả luật lệ và quy định. Ví dụ, tại Mỹ, sự ra đời của những chiếc xe tự lái vẫn đang gây đau đầu cho các nhà lập pháp. Còn nếu xét trường hợp Việt Nam, quy định về thắt dây an toàn trên ôtô theo tôi được ban hành hơi muộn.

Phạt, cho dù có nặng, cũng vẫn chưa đủ. Người dân cần nhận thức rõ rằng rất nhiều thảm hoạ có thể được phòng ngừa chỉ bằng một, hai giây đơn giản thắt dây.

Bởi lẽ phải có luật, có chế tài người dân mới thi hành, lâu dần thành thói quen. Và còn một số quy định khác khi đi ôtô cũng cần được đưa vào luật như cần có có ghế chuyên dụng, có đai bảo hiểm cho trẻ em thay vì cha mẹ bế ẵm con trên đùi.

Với các chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu ôtô và mức sống ngày càng cao như hiện nay, chắc chắn sẽ ngày càng nhiều người sử dụng ôtô ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức về thắt dây an toàn do đó trở nên ngày càng cần thiết.

Phạt, cho dù có nặng, cũng vẫn chưa đủ. Người dân cần nhận thức rõ rằng rất nhiều thảm hoạ có thể được phòng ngừa chỉ bằng một, hai giây đơn giản thắt dây.

Hãy bỏ ngay cách nghĩ “đi đoạn ngắn ấy mà” hay “chúng ta đi chậm mà, lo gì”. Đừng tiếp tục cảm thấy “không quen" hay “không thoải mái". Hãy biến thắt dây an toàn thành phản xạ không điều kiện mỗi khi chúng ta bước lên xe.



Simon Stanley

Illustration: Duy Nguyễn
Biên dịch: Hà Phương

Bạn có thể quan tâm