Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thất bại là ôm mọi công việc vào mình'

Bà Ruby Nguyễn, Giám đốc điều hành Vietcetera Media, chia sẻ về cách các công ty về truyền thông và báo chí nên thay đổi trong tình hình mới.

Với chủ đề “Thích ứng – Chuyển đổi – Bứt phá”, ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2020 bắt đầu diễn ra từ ngày 26-29/11/2020 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

Khác với mọi năm, sự kiện lần này đã được mở rộng về quy mô và tập trung thể hiện chiều sâu nội dung thông qua 12 làng công nghệ: Đô thị thông minh, Nông nghiệp, Giáo dục, Y tế, Du lịch và Ẩm thực, Tài chính, Tác động xã hội, Tiên phong, Dịch vụ hỗ trợ, Sinh viên, Địa phương, Quốc tế cùng 250 gian hàng.

Truyền thông – Giải trí trực tuyến thu hút nhiều sự quan tâm

Trong ngày đầu tiên tổ chức, Techfest 2020 được khởi động bằng chuỗi sự kiện thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngành công nghệ thông tin, lý giải những rào cản khi đầu tư vào Việt Nam và ra mắt quỹ liên minh đầu tư Việt Nam.

Bên cạnh đó, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực truyền thông – giải trí là một trong những mối quan tâm hàng đầu với giới khởi nghiệp. Diễn đàn năm nay có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, đại diện đến từ những doanh nghiệp truyền thông, giải trí nổi tiếng như TikTok, Netflix, Amanotes, Vietcetera Media, TopClass, Yeah1.

Ngoài thúc đẩy, đánh thức năng lượng khởi nghiệp, các diễn giả chú trọng truyền tải những phương pháp chuyển đổi tư duy thông qua trải nghiệm kinh doanh của bản thân.

Đem đến diễn đàn nguyên tắc “Gia đình hạnh phúc”, bà Ruby Nguyễn, Giám đốc điều hành Vietcetera Media, cho biết tương tự với gia đình, các công ty kinh doanh thành công đều hội tụ đầy đủ những yếu tố giống nhau. Tuy nhiên, sự vắng mặt hoặc thiếu hụt của một trong những yếu tố này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn khác nhau.

Giai tri - Truyen thong la chu de duoc nhieu doanh nghiep khoi nghiep quan tam anh 1
Sự lên ngôi của truyền thông trực tuyến đã mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp. Ảnh: Techfest Vietnam.

Chia sẻ về thử thách trong ngành truyền thông báo chí, bà Ruby đã chỉ ra 3 yếu tố ngáng chân lĩnh vực này, bao gồm những người khổng lồ, quá trình chuyển đổi số chậm và “thiên nga đen” (ám chỉ các rủi ro không lường trước như đại dịch Covid-19).

Trong bối cảnh công nghệ đang hiện diện nhiều hơn trong đời sống, lĩnh vực truyền thông báo chí nay phải chuyển đổi dần sang hình thức điện tử. Ngoài ra, doanh số của các cơ quan báo chí tập trung chủ yếu đến từ quảng cáo số, vốn là sân chơi của những tập đoàn công nghệ như Google, Facebook.

Theo CEO của Vietcetera, các cơ quan truyền thông báo chí cần đổi mới tư duy, sáng tạo nhiều nội dung quan trọng nhằm xây dựng niềm tin nhất định tới độc giả. Giống một sản phẩm tốt, giá cả hợp lý, cơ quan báo chí sẽ có nhiều cơ hội được tìm đến hơn nếu tạo ra được dấu ấn tốt đẹp trong mắt độc giả. Ngoài quảng cáo, các mô hình kinh doanh khác như môi giới dữ liệu, kêu gọi người dùng đăng ký dài hạn cũng là lời giải đáp cho những vấn đề doanh thu của báo chí.

“Thất bại chính là ôm mọi công việc vào mình. Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức cần học cách chia nhỏ công việc, chiến thắng từng mục tiêu, bổ sung nguồn lực, nâng cấp và thực hiện lại từ đầu”, bà Ruby Nguyễn giải thích.

Giá trị cốt lõi nằm ở sản phẩm

Cùng chung quan điểm, ông Erik Davis, đồng sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến TopClass, tin rằng thị trường hiểu nhiều, biết nhiều hơn chính nhà khởi nghiệp. Giải pháp cho bất kỳ vấn đề phát sinh nào đều xuất phát từ sản phẩm. Với ông, sai lầm lớn nhất mà các startup thường mắc phải chính là tìm kiếm giải pháp cho một vấn đề không tồn tại.

“Tiền, doanh thu, lợi nhuận là kết quả của tính khả thi. Hãy hiểu người dùng cuối có muốn chọn sản phẩm của bạn hay không, có sẵn sàng trả tiền cho bạn hay không. Startup nào cũng phải đối mặt với rủi ro và phải tìm cách tối thiểu hóa chúng”, ông Erik cho biết.

Giai tri - Truyen thong la chu de duoc nhieu doanh nghiep khoi nghiep quan tam anh 2
Ông Erik Davis (ngoài cùng tay trái) chia sẻ TopClass tự hào khi được tham gia Techfest 2020. Ảnh: Techfest Vietnam.

Ông tin rằng nếu startup có thể bán sản phẩm trước khi nó hoàn thiện, chắc chắn người dùng sau này sẽ dễ dàng đón nhận hơn khi sản phẩm chính thức ra thị trường.

Ngoài ra, bất kỳ công ty khởi nghiệp nào cũng cần tạo nên mối liên kết chặt chẽ với khách hàng từ những giai đoạn đầu tiên. Sự phản hồi từ người dùng là yếu tố giúp sản phẩm được hoàn thiện.

“Sức mạnh của sản phẩm còn nằm ở sự rõ ràng. Bạn có thể khiến khách hàng tò mò, nhưng họ sẽ tạm biệt bạn ngay lập tức nếu thấy sản phẩm không minh bạch”, nhà đồng sáng lập TopClass chia sẻ.

Tính đến năm 2019, định giá thị trường truyền thông trực tuyến của Việt Nam vào khoảng 2,8 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Kể từ sau đại dịch Covid-19, Việt Nam trở thành một điểm đến an toàn, uy tín cho các chuyên gia, nhà đầu tư trên thế giới.

Techfest Vietnam 2020 là cơ hội lý tưởng để Việt Nam chứng tỏ tài năng cũng như chất lượng của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước. Từ đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề đổi mới sáng tạo, giúp Việt Nam có được đòn bẩy để phát triển mạnh mẽ.

Giải mã sức hút 'Đấu trường công nghệ'

Nằm trong khuôn khổ diễn đàn công nghệ FPT Techday 2020, “Đấu trường công nghệ” nóng lên từng ngày khi nhiều coder háo hức chinh phục và thách thức giới hạn bản thân.

Minh Khánh

Bạn có thể quan tâm