U23 Indonesia tan vỡ giấc mơ Olympic. Ảnh: AFC. |
U23 Indonesia đã làm nên kỳ tích ở VCK U23 châu Á 2024 với việc lọt vào top 4. Do giải là vòng loại cho Olympic Paris 2024, Indonesia đã có tới 3 cơ hội để giành vé, nhưng đều thất bại sau khi thua Uzbekistan ở bán kết, thua Iraq ở trận tranh hạng 3 và mới đây là trận play-off liên lục địa với Guinea.
Sau khi Thái Lan dự Olympic 1968, hiếm đội Đông Nam Á nào từng ở gần tấm vé thế vận hội đến vậy trong nhiều thập kỷ. U23 Indonesia dù đã tiến bộ, được đầu tư đáng kể cả về nguồn lực lẫn tiền bạc, vẫn phải lỡ hẹn.
Với việc bổ sung nhiều nhân tố gốc nước ngoài từ đội tuyển quốc gia, U23 Indonesia đã thể hiện những tín hiệu mới mẻ ở U23 châu Á 2024. Bộ khung gốc Hà Lan theo trục dọc gồm Nathan Tjoe-A-On, Justin Hubner, Ivar Jenner và Rafael Struick cùng nhóm ngôi sao trong nước như Marselino Ferdinan, Pratama Arhan hay Witan Sulaeman đã tạo ra những trận đấu ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn các đối thủ được đánh giá cao hơn.
Sau khi thua 0-2 trước Qatar, các học trò HLV Shin Tae-yong đã đánh bại Australia 1-0, thắng Jordan 4-1 để đi tiếp với ngôi nhì bảng. Tại tứ kết, họ cầm hòa 2-2 Hàn Quốc và loại đối thủ này 11-10 trên chấm luân lưu để vào bán kết. 3 chiến thắng trước các đội mạnh, trong đó có đội bóng quê hương HLV Shin, khiến báo chí Indonesia gần như điên đảo.
Nhưng chỉ khi đương đầu Uzbekistan hay Iraq, U23 Indonesia mới bị khoảng cách trình độ khuất phục. Đội bóng Đông Nam Á đều thua theo kiểu nếu không bị áp đảo cả về yếu tố con người lẫn chiến thuật thì cũng thua vì non kinh nghiệm. Ở U23 châu Á, Indonesia là đội nhận thẻ phạt nhiều nhất (14 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ).
Chênh lệch thể hình của cầu thủ Indonesia với Guinea. |
Đó cũng là kịch bản tương tự khi U23 Indonesia đấu với Guinea. Trong dịp đối thủ châu Phi huy động nguồn lực tốt nhất đang đá ở châu Âu về, Indonesia gần như bất lực, chỉ có đúng 1 cú sút trúng đích, bằng 1/4 đối thủ. Đội thua bàn duy nhất ở chấm phạt đền còn HLV Shin thì bị tước quyền chỉ đạo vì phản ứng.
Không chỉ thể hình, sức mạnh mà kinh nghiệm cũng là điều Indonesia còn thiếu để cạnh tranh tầm châu lục và thế giới. Các đội Đông Nam Á quả thực không có nhiều cơ hội để đấu với một đại diện châu Phi trong một trận có tính chất sống còn kiểu như này.
Thái Lan, Việt Nam đều có quãng thời gian ghi dấu ấn tiến bộ với việc hiện diện ở vòng loại thứ ba World Cup. Giờ là Indonesia, với 3 cơ hội tranh vé đi Olympic. Nhưng khi chúng ta tiến bộ, các đối thủ không hề giậm chân tại chỗ. Sự phát triển của bóng đá khu vực cho đến giờ vẫn chưa theo kịp xu thế của thế giới.
Indonesia vẫn đang từng bước nâng cấp để nâng cao khả năng cạnh tranh. Chính sách chiêu mộ nhân tài từ châu Âu là con cháu của người Indonesia đến nay vẫn phát huy tác dụng, biến "Đại bàng Garuda" dần trở thành thế lực mới của Đông Nam Á.
3 chiến thắng liên tiếp trước tuyển Việt Nam ở Asian Cup 2023 và vòng loại hai World Cup 2026 báo hiệu cho Thái Lan và Malaysia những kịch bản khó lường ở AFF Cup 2024 diễn ra cuối năm nay. Với lực lượng hùng hậu, tuyển Indonesia sẵn sàng đá sòng phẳng để cạnh tranh chức vô địch.
Nhưng để tiến ra châu lục, cạnh tranh sòng phẳng với các đội tuyển hàng đầu, Indonesia nói riêng và Đông Nam Á nói chung chắc chắn phải cần thêm thời gian.
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.