FiinGroup và Hội Thành viên độc lập HĐQT doanh nghiệp Việt Nam (VNIDA) vừa công bố kết quả khảo sát các thành viên độc lập HĐQT tại công ty đại chúng Việt Nam, gồm 544 công ty niêm yết với 671 thành viên độc lập HĐQT. Trong đó, 373 người, chiếm 55,6%, không được công bố thù lao.
Các chuyên gia tại FiinGroup và VNIDA cho rằng thù lao cho thành viên độc lập HĐQT đang chưa tương xứng với năng lực và trách nhiệm của nhân sự này.
Cụ thể, trong số 373 thành viên độc lập HĐQT được công bố mức thù lao, có hơn 63% người nhận thù lao hàng năm dưới 180 triệu đồng, 20% nhận 180-360 triệu đồng/năm và chỉ 17% nhận thù lao trên 360 triệu đồng/năm.
Mức thù lao hàng năm cao nhất của nhân sự vị trí này hiện nay là 41.600 USD (gần 1 tỷ đồng) và thấp nhất chỉ là 1.400 USD (33 triệu đồng). Điều này cho thấy có sự chênh lệch lớn về thù lao cho vị trí thành viên độc lập HĐQT tại các công ty niêm yết của Việt Nam.
TƯƠNG QUAN MỨC THÙ LAO CỦA THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP HĐQT TẠI VIỆT NAM | ||||||||
Nguồn: FiinGroup và VNIDA. | ||||||||
Nhãn | Dưới 180 triệu đồng | 180-360 triệu đồng | 360-540 triệu đồng | 570-720 triệu đồng | 720-900 triệu đồng | Trên 900 triệu đồng | Không công bố | |
Số lượng Thành viên Độc lập | Người | 188 | 60 | 20 | 11 | 6 | 13 | 373 |
Dựa trên kết quả khảo sát, FiinGroup và VNIDA cho biết mức thù lao cho vị trí thành viên độc lập HĐQT tại các công ty niêm yết của Việt Nam trung bình là 550 USD/tháng (gần 13 triệu đồng/tháng), tương đương 6.600 USD/năm (156 triệu đồng/năm),
"Mức thù lao này thấp hơn nhiều so với những thành viên HĐQT không điều hành tại các thị trường khác. Đơn cử, Ấn Độ (11.000 USD, cộng với 31.000 USD ưu đãi), Trung Quốc (34.000 USD), Malaysia (43.000 USD), Hong Kong (64.000 USD) và Singapore (75.000 USD)", báo cáo chỉ rõ.
Với mức thù lao này, các chuyên gia cho rằng thành viên độc lập HĐQT tại Việt Nam không đóng vai trò thiết yếu trong nhiều công ty mà sự hiện diện của họ chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu luật định.
Trong một cuộc chia sẻ với Zing, ông Lê Quang Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn quản lý BDSC, cho biết khác với thông lệ ở Việt Nam, việc thành viên độc lập giữ chức danh chủ tịch HĐQT khá phổ biến ở các quốc gia đã phát triển, điển hình là Singapore.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 28-30% công ty trong nhóm S&P 500 của Mỹ có chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập và xu hướng này ngày càng gia tăng.
“Thành viên độc lập HĐQT chuyên nghiệp sẽ hiểu rõ các bổn phận và trách nhiệm của họ đối với công ty và cổ đông. Họ không có nhiều lợi ích tài chính từ công ty như các cổ đông. Họ cũng hiểu rõ rằng cổ đông có thể kiện họ ra tòa và họ chịu trách nhiệm bồi thường cho những quyết định sai trái. Do vậy, khi đưa ra các quyết định, họ thường hành xử độc lập và không tư lợi chứ không vì số lượng cổ phần họ đang nắm giữ như các cổ đông khác”, ông Phúc nhìn nhận.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế