Ngày 6/12, tại UBND tỉnh Bạc Liêu, đoàn liên ngành của Thanh tra Chính phủ do ông Trần Xuân Thành, thanh tra viên của Phòng Nghiệp vụ 1 (Cục 3, Thanh tra Chính phủ), làm trưởng đoàn đã công bố quyết định thanh tra một số vụ khiếu nại, tố cáo kéo dài tại Bạc Liêu.
Đoàn thanh tra sẽ làm việc 45 ngày để xem xét các hồ sơ liên quan đến các vụ việc, kiểm tra thực tế, đối thoại với người khiếu nại, tố cáo, làm việc với các ngành chức năng liên quan.
Ngoài việc thanh tra khiếu nại, tố cáo kéo dài ở Nông trường Rau Đắng (huyện Phước Long) liên quan đến quyền lợi về đất dai của trên 70 hộ dân, đoàn thanh tra còn tập trung vào vụ Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Minh Thắng Bạc Liêu (công ty Minh Thắng, TP Bạc Liêu) tố cáo lãnh đạo tỉnh này.
Chợ tạm Trần Huỳnh chưa được đóng cửa khiến công ty Minh Thắng bức xúc. Ảnh: Việt Tường. |
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Thắng, cho biết doanh nghiệp này là chủ đầu tư chợ trung tâm TP Bạc Liêu (chợ A), chợ Cầu Xáng và chợ tạm Trần Huỳnh ở TP Bạc Liêu với tổng vốn khoảng 265 tỷ đồng.
Theo ông Thắng, khi nhà đầu tư xây xong chợ này thì chính quyền địa phương xây thêm chợ khác gần đó, khiến chợ của ông không thu hút được tiểu thương. Không chỉ vậy, khi công ty Minh Thắng xây xong chợ A thì chợ tạm Trần Huỳnh không được giải tán như cam kết của chính quyền địa phương.
Bức xúc vì chợ tạm Trần Huỳnh không bị giải tán như cam kết của địa phương, công ty Minh Thắng làm đơn gửi Thủ tướng, tố cáo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu.
Chợ A (bên phải) của công ty Minh Thắng cách nơi 100 tiểu thương bán buôn cạnh bờ kè ven sông Bạc Liêu cũng là điều khiến nhà đầu tư không hài lòng. Ảnh: Việt Tường. |
Trong báo cáo giải trình, UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng nhà đầu tư mới khai thác được tầng trệt và một phần tầng lửng của chợ A, hai tầng lầu ở trên tiểu thương không chịu vào kinh doanh vì giá thuê quầy, sạp khá cao. Tiểu thương cũng cho rằng công ty Minh Thắng bố trí quầy sạp không hợp lý, ngại buôn bán ở các vị trí bất lợi, nhất là trên lầu.
Không đồng tình với quan điểm giải trình của UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Thắng nói: "Giá thuê sạp và kiốt không phải công ty đưa ra mà do UBND tỉnh quyết định và có thông qua HĐND khi các bên thấy phù hợp. Chính quyền phải có trách nhiệm giải thích điều này để tiểu thương hiểu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển".
Chợ B gần chợ A của công ty Minh Thắng. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Thắng, mặc dù công ty ký hợp đồng 10 năm, hoặc 15-20 năm và thu tiền một lần nhưng tiểu thương chỉ đóng 30%, 70% còn lại đã có ngân hàng bảo lãnh.
"Đã có đơn vị bảo lãnh thì hàng tháng tiểu thương chỉ phải trả dần nợ cho ngân hàng. Những tiểu thương đóng một lần trong số 30% còn lại thì chúng tôi giảm 20-30%, tùy theo hoàn cảnh của từng người. Có những tiểu thương đã vào bán mà đến nay vẫn chưa đóng 30% cho công ty", nhà đầu tư chia sẻ.
Chợ trung tâm TP Bạc Liêu (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |