Theo Visa, tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử nửa đầu năm 2017 trên cả nước đã tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt sẵn sàng thử các phương thức thanh toán mới thay cho tiền mặt.
Tỷ lệ giao dịch thanh toán điện tử trên cả nước tăng 38% trong nửa đầu năm. Ảnh: Samsung Pay. |
Mới đây tại diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh Chính phủ cam kết tạo thuận lợi và thúc đẩy thanh toán di động tại Việt Nam. Điều này càng khiến các nhà phát triển ứng dụng, đơn vị tài chính và người dùng đặt kỳ vọng vào sự bùng nổ của xu hướng này.
Minh chứng cho xu hướng đang lên này, tại buổi giao lưu trực tuyến Thanh toán di động - Xu hướng sẽ bùng nổ tại Việt Nam, Phó TGĐ R&D Napas Nguyễn Quang Minh cho biết, những năm qua, hầu hết ngân hàng đã cung cấp ứng dụng mobile banking và dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động. “Theo dõi lượng tải về các ứng dụng này có thể thấy rõ xu hướng sử dụng dịch vụ thanh toán và ngân hàng di động đang tăng nhanh”.
Ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc R&D, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas). Ảnh: Hoàng Hà |
Từ góc độ một ngân hàng bán lẻ, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó TGĐ VietinBank khẳng định: “Với thanh toán di động, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tài chính tiện lợi hơn thông qua smartphone. Việc này cũng giảm bớt giao dịch tiền mặt theo đúng định hướng của Chính phủ: Hướng đến một xã hội ít dùng tiền mặt”.
Bên cạnh những thuận tiện và ích lợi, như một xu hướng mới, thanh toán điện tử cũng khiến người dùng nảy sinh không ít nghi vấn về độ bảo mật. Lạc quan về điều này, đại diện Napas khẳng định thao tác thanh toán di động rất đơn giản và an toàn nên cả người bán lẫn người mua có thể hoàn tất giao dịch nhanh chóng, giảm rủi ro. Đại diện VietinBank cũng nhìn nhận thanh toán di động an toàn hơn vì tất cả thông tin đều được mã hóa, khách hàng không phải trao thẻ vật lý cho người bán hàng.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoàng Hà |
Riêng với Samsung Pay - dịch vụ thanh toán bằng thiết bị di động độc quyền của Samsung - nhờ sử dụng công nghệ tokenization, tất cả thông tin thẻ (số thẻ, số tài khoản, số CVV...) được số hóa thành mã đại diện. “Do vậy, cả khi điện thoại của người dùng bị mất hoặc hack, thông tin thẻ cũng không bị lộ”, Trưởng dự án Samsung Pay tại Việt Nam Lê Thị Hải Oanh cho biết.
Ngoài ra trong quá trình thanh toán, người dùng phải xác thực bằng sinh trắc học (quét vân tay hoặc mống mắt) được xem là có độ bảo mật cao nhất hiện nay. Đồng thời, công nghệ bảo mật dữ liệu nghiêm ngặt trên nền tảng của Samsung Knox tiêu chuẩn quốc phòng Mỹ đảm bảo dữ liệu trên điện thoại được bảo mật an toàn trong khu vực dữ liệu riêng.
Bà Lê Thị Hải Oanh tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Hoàng Hà |
Tính an toàn, tiện dụng cũng như sự mới lạ trong trải nghiệm dịch vụ thanh toán di động nói chung và Samsung Pay nói riêng hứa hẹn góp phần thay đổi thói quen thanh toán của chủ thẻ tại Việt Nam: bớt dùng tiền mặt, tăng cường dùng thẻ hoặc ứng dụng thanh toán di động trong giao dịch.
Tuy còn nhiều rào cản đối với mục tiêu thanh toán không tiền mặt nhưng Việt Nam cũng có nhiều cơ hội để công nghệ thanh toán điện tử nói chung và thiết bị thanh toán di động nói riêng phát triển mạnh mẽ. “Rất khó dự đoán thời điểm đạt được tỷ lệ cao về giao dịch không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tôi tin tưởng nếu triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì có thể đạt được mục tiêu trong tương lai gần”, ông Nguyễn Quang Minh khẳng định.