Bình luận
Sau đàn chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trần Thị Thanh Thúy đang tiếp tục sứ mệnh quảng bá bóng chuyền Việt Nam tới các quốc gia hàng đầu châu lục. Tay đập sinh năm 1997 đầu quân cho FPU Blue Cats của Nhật Bản ở mùa giải này và để lại dấu ấn ngay trong 2 trận mở màn.
Chương mới trong sự nghiệp của Thanh Thúy
Giữa tháng 9, Thanh Thúy lần thứ 2 tới Nhật Bản để gia nhập câu lạc bộ PFU Blue Cats, đang thi đấu tại giải bóng chuyền nữ vô địch Nhật Bản. Không có ngôi sao nổi bật, nhưng PFU sở hữu tuyển thủ Yurie Nabeya hay tài năng trẻ người Cuba Valdes Melissa.
Sau khi hoàn thành việc cách ly, Thanh Thúy có gần một tuần tập luyện, ráp chiến thuật cùng đội để chinh chiến cho mùa giải mới. Tuy vậy, tay đập quê Bình Dương được trao cơ hội đánh chính, gây ấn tượng khi ghi điểm nhiều thứ hai và có hiệu suất tấn công tốt nhất đội.
Thanh Thúy chơi đa năng hơn trong màu áo PFU. Ảnh: PFU. |
Thúy không chơi ở vị trí sở trường chủ công mà chuyển sang chơi phụ công. Đây là vị trí mà cô chưa từng thi đấu trước đó. Khi thấy danh sách đăng ký thi đấu của PFU, nhiều người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam tưởng rằng ban huấn luyện ghi sai vị trí cho Thúy. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến Thúy ra sân thi đấu, người hâm mộ đã bất ngờ, và bất ngờ với cả cách Thúy hòa nhập cũng như thể hiện.
Huấn luyện viên Masayasu Sakamoto đang xây dựng lối chơi Hybrid-6 cho PFU, giống như những gì ông Masayoshi Manabe đã làm và giúp tuyển nữ Nhật Bản gặt hái thành công trong giai đoạn 2010-2012.
Khi sử dụng lối chơi này, phụ công sẽ chơi đa năng hơn, và thường đổi vị trí với chuyền hai ra biên số 2 để tấn công như một chủ công. Tuy nhiên, khi phòng thủ, họ sẽ trở lại khu vực giữa lưới chắn bóng. Để phát huy hiệu quả lối chơi này, đội bóng cần có hàng sau ổn định, bước một tốt cùng khả năng phối hợp nhuần nhuyễn giữa các vị trí.
Khi Thúy chưa cứng bước một, cô được đẩy sang vai trò phụ công "ảo". Với chiều cao 1,93 m, Thanh Thúy được kỳ vọng có thể phát huy khả năng bám chắn cũng như tấn công ghi điểm. Sau 2 trận mở màn, Thanh Thúy có phần bỡ ngỡ trong khả năng chạy bám chắn khi nhiều lần bỏ chắn, nhưng cô vẫn thể hiện tốt ở khoản công, từ vị trí số 3, đánh một chân sau đầu và tấn công biên.
Thanh Thúy chơi với vai trò phụ công "ảo". |
Hôm 16/10, ngay ở trận khai màn, Thúy đã chạm trán đội bóng cũ từng đầu quân mùa 2019 là Denso Airy Bees. PFU thất bại 1-3. Thúy ghi 12 điểm, với hiệu suất 48%. Ở trận tái đấu hôm 17/10, PFU thua tiếp 0-3, Thúy ghi nhiều điểm nhất đội với 13 điểm, cùng hiệu suất 34,5%. Tuy vậy, Thúy đã có 2 lần bám chắn thành công, so với con số 0 ở trận đầu. Thêm bước tiến với Thúy, bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của phụ công là bám chắn.
Nguyên nhân thất bại của PFU một phần đến ở vị trí chuyền hai cùng khả năng bước một chưa tốt. Điều này ảnh hưởng nhiều đến lối chơi Hybrid-6 mà đội đang xây dựng. Tuy nhiên, giải đấu mới chỉ khởi đầu và còn chặng đường dài phía trước.
Trong lần thứ 2 trở lại Nhật Bản, Thanh Thúy đã tự tin, hòa nhập nhanh và khát khao thể hiện mình hơn, giống như những gì cô chia sẻ trước ngày lên đường.
"Lần này sang Nhật Bản, tôi thấy tự tin hơn. Lần trước, tôi còn khá rụt rè nên chưa thể hiện được nhiều. Tôi hy vọng có thể thành công ở đội bóng mới và chứng tỏ các vận động viên Việt Nam đủ trình độ thi đấu ở các giải nước ngoài", tay đập 24 tuổi nói.
Đại sứ bóng chuyền Việt Nam ở sân chơi quốc tế
Chuyện xuất ngoại còn nhiều mới mẻ với các vận động viên Việt Nam, nhưng với Thanh Thúy, cô đã có lần thứ 4 ra nước ngoài thi đấu, dù mới 24 tuổi. Chưa từng có vận động viên bóng chuyền Việt Nam nào xuất ngoại nhiều như Thanh Thúy, ngay cả đàn chị Ngọc Hoa.
Nếu như Ngọc Hoa để lại dấu ấn trong màu áo Bangkok Glass (Thái Lan) với chức vô địch câu lạc bộ châu Á, đại diện tham dự giải thế giới, Thanh Thúy lại có cơ hội thử sức ở các nền bóng chuyền khác nhau từ Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) tới Nhật Bản.
Thanh Thúy đã quen với nền bóng chuyền Nhật Bản. Ảnh: Denso. |
Khi mới 19 tuổi, Thúy đã có lần đầu ra nước ngoài thi đấu, khi gia nhập Bangkok Glass, cùng đội với Ngọc Hoa. Cô cùng đội bảo vệ thành công danh hiệu vô địch quốc gia Thái Lan mùa 2016.
Việc được chơi cho đội bóng sở hữu hàng loạt tuyển thủ quốc gia Thái Lan, như Thinkaow Pleumjit, Guedpard Pornpun giúp Thanh Thúy tích lũy kinh nghiệm và trau dồi chuyên môn. Cô gái chưa bước sang tuổi 20, còn nhiều rụt rè khi đó đã nhận được sự yêu mến của đông đảo người hâm mộ bóng chuyền Thái Lan.
Sau khi chia tay đội bóng Thái Lan, Thúy có cơ hội gia nhập Attack Line (Đài Loan, Trung Quốc) cuối năm 2017. Tại đây, cô thể hiện rõ vai trò "gánh team" khi có trận có ghi 32 điểm và hạ nhà đương kim vô địch Taiwan Power.
Kết thúc mùa giải, Attack Line xếp hạng 3. Thanh Thúy ghi điểm nhiều nhất giải. Tay đập Việt Nam thể hiện sự tiến bộ rõ nét qua khả năng tấn công hàng sau. Cô còn để lại dấu ấn trong lòng khán giả với tình huống lăn xả cứu bóng, dẫn đến đổ máu sau khi va vào biển quảng cáo.
Những bước tiến của Thúy giúp cô nhận được quan tâm của các đội bóng Nhật Bản, nơi có nền bóng chuyền phát triển hàng đầu châu lục. Mùa giải 2019, Thúy được thử sức trong màu áo Denso Airy Bees, đội bóng chất lượng nhất mà cô từng đầu quân. Tuy nhiên, cũng chính vì điều này, Thúy ít có cơ hội thi đấu và chỉ vào sân khi trận đấu đã "an bài".
Dù vậy, khoảng thời gian ở Denso, Thúy được các huấn luyện viên chỉnh sửa nhiều về các kỹ thuật cơ bản mà cô sử dụng theo bản năng.
Thanh Thúy tái ngộ Nabeya (phải) trong màu áo PFU. Ảnh: PFU. |
Tỏa sáng trong màu áo đội chủ quản Long An ở lượt đi giải vô địch quốc gia 2021 và vô địch cúp Hùng Vương, Thanh Thúy lại một lần nữa xuất ngoại. Cô tiếp tục đến Nhật Bản với những ước mơ và khát vọng mới.
Ông Thái Bửu Lâm, Giám đốc Công ty Thể thao Bình Điền - Long An, cho biết: "Chúng tôi nhận được lời mời từ nhiều CLB Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) hay Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi mong muốn Thúy có môi trường tốt để phát triển bản thân. Nhật Bản là giải đấu phù hợp với năng lực của Thúy lúc này".
Sau 2 trận đã qua trong màu áo PFU, người hâm mộ đặt niềm tin Thúy sẽ làm tốt hơn ở các trận tới. Thúy đang ở trong độ tuổi đẹp nhất của sự nghiệp bóng chuyền và sẵn sàng nắm bắt cơ hội để thể hiện bản thân, cũng như góp phần giới thiệu bóng chuyền Việt Nam tới bạn bè quốc tế.