Những ngày cuối tháng 5, không khí bắt đầu tất bật tại các vườn chuyên canh “thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn. Trái với lo lắng ban đầu, người nông dân Bắc Giang sớm thở phào vì vải thiều rộng đường tiêu thụ. Không chỉ bán trên kênh truyền thống, năm nay, những trái vải thiều được chở từ vườn đến tận tay người dùng nhờ các nền tảng công nghệ. Điển hình, dự án GrabConnect với chương trình đầu tiên “Kết nối vải thiều Lục Ngạn” nhằm kết nối nông sản địa phương chất lượng từ vườn đến người dùng. “Mọi năm tiêu thụ trong nước chừng 10-20%, năm nay nhờ có dự án GrabConnect mà đạt tới 50%”, chị Như - chủ hợp tác xã thu mua An Như (Bắc Giang) - bày tỏ. |
“Khi nghe nói vải được doanh nghiệp hỗ trợ, bán đủ nơi từ chợ đến ứng dụng di động, chúng tôi mừng lắm. Lúc vào chính vụ, bà con ở đây giúp nhau thu hoạch xuyên đêm để kịp vận chuyển đi các thành phố lớn vào sáng sớm. Từ đầu vụ đến giờ tình hình luôn ổn định, tôi cảm ơn chính quyền địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con”, chú Mến - nông dân Bắc Giang - nhớ lại thời điểm vào vụ vải rộ. |
Từ đầu tháng 6, từng chùm vải thiều Lục Ngạn cập bến Hà Nội và TP.HCM. Nhờ quy trình vận chuyển nhanh chóng, bảo quản lạnh kỹ lưỡng, thức quả đặc sản Bắc Giang khi đến cửa hàng đối tác của GrabMart vẫn giữ được sự tươi ngon như vừa hái từ vườn. |
Tham gia chương trình GrabConnect và bán hết 500 kg vải thiều trong vài ngày, anh Phùng Văn Đích - quản lý cửa hàng Trái cây Bắc Nam - cho biết: “Chương trình hỗ trợ này rất ý nghĩa, khách hàng của tôi vừa nghe đã ủng hộ liền. Vải đạt chuẩn xuất khẩu nên chất lượng tốt, không bị sâu, to đều, dày cơm, vị ngọt thanh. Khách hàng khen và phản hồi tốt”. |
Hơn một tháng qua, từng chùm vải Lục Ngạn đạt chuẩn xuất khẩu theo chân các đối tác tài xế, len lỏi khắp cung đường đến với mọi nhà. Từng đơn hàng được gửi đi mang theo niềm vui của những người tham gia chiến dịch, là nông dân, đối tác nhà hàng và cả tài xế công nghệ. |
Đằng sau chiếc khẩu trang là niềm vui và sự hài lòng của người dùng khi nhận trên tay những chùm vải Bắc Giang đỏ mọng. Chị Thanh Nga (Hà Nội) chia sẻ: “Năm nào nhà tôi cũng đợi đến tầm tháng 5, tháng 6 để được ăn đặc sản vải thiều Bắc Giang. Năm nay, dịch bệnh không đi chợ liên tục được, có vải ngon chuyển tới tận nhà như thế này tiện lắm”. |
Không dừng lại ở đó, trong khuôn khổ dự án GrabConnect, Grab và Quỹ Hy vọng triển khai chương trình “Cùng Grab chung tay, tiếp sức tâm dịch” nhằm trao hàng trăm kg vải thiều và nhu yếu phẩm đến 1.500 người dân, y bác sĩ ở khu cách ly ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM. “Sự chung tay của các thành viên tham gia hoạt động phần nào lan tỏa thông điệp về sự sẻ chia vượt qua khoảng cách về địa lý, khi các tâm dịch ở hai đầu đất nước được kết nối với nhau”, đại diện Quỹ Hy Vọng chia sẻ. |
Không chỉ vậy, hàng nghìn đối tác tài xế có hoạt động tích cực tại TP.HCM, Hà Nội cũng được gửi tặng và thưởng thức vải thiều chuẩn xuất khẩu như lời tri ân từ Grab. Những chùm vải tươi ngon như tiếp thêm sức mạnh để họ thực hiện sứ mệnh kết nối vải thiều đến mọi nhà. |
"Kết nối vải thiều Lục Ngạn" dừng lại nhưng hành trình của GrabConnect vẫn sẽ tiếp tục trong tương lai. Trước bối cảnh một số loại nông sản chính ở miền Bắc và Nam Trung Bộ sắp bước vào mùa thu hoạch, Grab tăng cường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số ban, ngành, địa phương để hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Đây được xem là nỗ lực của Grab trong việc mang cơ hội chuyển đổi số đến người dân Việt Nam, ủng hộ chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Bình luận