Lệnh phong tỏa kéo dài khiến nhiều dịch vụ xã hội ở Thượng Hải "sụp đổ", khiến cuộc sống hàng ngày của người dân buộc phải dừng lại. Giờ đây, các tình nguyện viên, trong đó có một số kỹ sư và lập trình viên tại các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đang cố gắng lấp đầy “lỗ hổng” này.
Họ đã xây dựng một loạt cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân. Trong hơn một tháng phong tỏa, 25 triệu cư dân Thượng Hải đang dựa vào những công nghệ này để duy trì cuộc sống hàng ngày.
Loạt ứng dụng mới
Giống như ở Vũ Hán, các ủy ban quản lý dân cư ở Thượng Hải có nhiệm vụ kiểm soát dịch nghiêm ngặt theo quy định của chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực hạn chế, họ đang chịu sức ép rất lớn.
Tiến sĩ Guobin Yang, giáo sư truyền thông và xã hội học tại Đại học Pennsylvania và là tác giả một cuốn sách về đợt phong tỏa ở Vũ Hán, cho biết các nhân viên tại Thượng Hải dường như còn quá tải hơn những người ở Vũ Hán hai năm trước.
Và điều đó buộc người dân phải tự tìm cách kiếm thực phẩm và hỗ trợ y tế khi cần, ông nói.
Nhân viên vận chuyển thực phẩm cho người dân Thượng Hải trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Ảnh: Bloomberg. |
Một số tình nguyện viên đã tạo ra các nền tảng sử dụng trí thông minh nhân tạo để kết nối bệnh nhân với bác sĩ theo nhu cầu y tế, cũng như cung cấp hướng dẫn mua thuốc và vật tư y tế khẩn cấp.
Hua Rongqi, 21 tuổi, sinh viên đại học ở Thượng Hải, đã tạo ra một cơ sở dữ liệu có tên gọi “Trợ giúp khẩn cấp y tế Thượng Hải”, nhằm kết nối bệnh nhân với nhân viên cộng đồng và bệnh viện địa phương.
Chỉ sau 3 ngày xuất hiện, nền tảng đã nhận được yêu cầu trợ giúp từ hơn 700 bệnh nhân. Sau đó, Hua nhận được đề nghị hỗ trợ kỹ thuật từ một nhóm nhân viên của Tencent, và mở rộng nền tảng thành một hệ thống hướng dẫn toàn diện.
Qua nền tảng này, người dân được cung cấp thông tin chi tiết về bệnh viện, cách mua thuốc, đường dây nóng khẩn cấp, các kênh hỗ trợ của chính phủ, đồng thời liên kết với các nhóm trên mạng xã hội để giúp đỡ nhau.
Một nền tảng khác có tên gọi “Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp”, được thành lập bởi một nhóm các nhà phát triển phần mềm từ các công ty như ByteDance và Alibaba.
Ngay sau lần đầu xuất hiện, nền tảng này đã tràn ngập các yêu cầu, kỹ sư AI họ Wang, một trong những người sáng lập cho biết. Vào thời gian cao điểm nhất, hơn 1.000 người đã truy cập vào trang web, yêu cầu giúp đỡ để mua thuốc, thực phẩm và chăm sóc y tế.
“Tất cả chúng tôi đều sống trong tình cảnh này, và chúng tôi muốn làm phần việc của mình”, Wang nói. Anh cho biết trang web sử dụng thuật toán để phân loại yêu cầu trước khi chuyển đến khoảng 800 tình nguyện viên, bao gồm các sĩ quan cảnh sát và bác sĩ.
Tương trợ lẫn nhau
Trong khi đó, một kỹ sư máy tính ở Thượng Hải đã thiết kế ứng dụng tự động kiểm tra tồn kho hàng hóa trên các ứng dụng thương mại điện tử vài giây một lần, giúp người dân đối phó với tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Thượng Hải, vào ngày 27/4. Ảnh: Bloomberg. |
Nhiều nhóm chat cũng được lập ra để giúp những người phải đi cách ly tìm người chăm sóc vật nuôi.
Lindsay Snider, 40 tuổi, người Canada ở Thượng Hải, đã lập ra một nhóm hỗ trợ vật nuôi với khoảng 430 thành viên. Cô cho biết nhiều người lo sợ rằng vật nuôi của họ sẽ bị các cơ quan y tế ngược đãi, vì thiếu sự minh bạch trong quy định.
Vào tháng 4, mạng xã hội Trung Quốc phẫn nộ khi đoạn phim quay cảnh một con chó Corgi bị nhân viên y tế đánh chết ở Thượng Hải, được lan truyền.
Snider cho biết khoảng 4.000 thành viên từ các nhóm hỗ trợ vật nuôi khác nhau thành lập trong thời gian Thượng Hải phong tỏa, đã tổng hợp danh sách tài xế, tình nguyện viên và nơi ở cho động vật, để có thể đáp lại "tiếng kêu cứu" trong vài giờ.
Các ứng dụng nhắn tin cũng là nơi sắp xếp việc mua thực phẩm và đồ dùng thiết yếu theo nhóm. Vào đầu tháng 4, khi các gia đình ở Thượng Hải đang cạn kiệt nguồn cung thực phẩm, Euphe Cang, một nhà thiết kế 26 tuổi, đã giúp những người hàng xóm của cô mua hàng theo nhóm.
Với sự tham gia của các nhân viên ủy ban quản lý dân cư và tình nguyện viên, Cang và những người khác đã tổ chức hơn 20 nhóm mua nhu yếu phẩm như gạo, bột mì và giấy vệ sinh, cho hơn 200 hộ gia đình trong khu nhà mình.
Cang cho biết các nhân viên ủy ban đang chịu áp lực rất lớn và cần sự hỗ trợ từ tình nguyện viên. Trong khu nhà của cô, chỉ có 5 nhân viên giám sát 5.000 cư dân.
Tuy nhiên, một số công cụ và tài liệu được chia sẻ không cập nhật đủ nhanh để phản ánh tình hình đang thay đổi nhanh chóng ở Thượng Hải. Kang Yi, nhà khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, cho biết nhiều người dân mong muốn tham gia giúp đỡ những người gặp khó khăn, nhưng buộc phải ở trong nhà hoặc khu chung cư.
Song, tiến sĩ Kang cho rằng tình cảnh hiện tại có thể thay đổi quan điểm của người dân Thượng Hải về dịch vụ cộng đồng. Nhiều người trước đây thường xem hoạt động tình nguyện là nhiệm vụ của các ủy ban khu phố.
“Khi kết thúc phong tỏa, chúng ta có thể thấy nhiều tình nguyện viên thực thụ hơn. Và mọi người có thể có cách hiểu mới về cộng đồng, khác với những gì các cơ quan có thẩm quyền định nghĩa”, ông nói.