Thành phố Brussels - thủ đô của Bỉ, cũng là thủ đô của cả châu Âu - chứa đầy nhân viên tình báo nước ngoài. Đây là điều gần như ai cũng biết.
Các điệp viên có mặt trong các sự kiện do giới nghiên cứu tổ chức. Họ tham gia các cuộc họp báo của quan chức EU. Họ nghe lén trong những quán bar và nhà hàng gần trụ sở của khối, theo một cảnh báo năm 2019 của cơ quan đối ngoại châu Âu.
Việc các bức tường có máy nghe lén đã là điều bình thường tại Brussels, theo Politico. Dù vậy, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng và quan hệ giữa châu Âu với Nga hay Trung Quốc nổi lên nhiều vấn đề, năng lực phản gián của Bỉ lại trở thành tâm điểm chú ý.
Mối đe dọa tiềm tàng
Không ai biết rõ có bao nhiêu điệp viên đang hoạt động tại Brussels. Khi bị hỏi, giới chức an ninh Bỉ thậm chí nói đùa rằng họ sẽ rất vui nếu ai đó có thể tìm ra con số này.
Một số quốc gia như Mỹ hay Australia yêu cầu những người hoạt động phục vụ cho lợi ích của nước thứ ba phải đăng ký với chính quyền. Điều này giúp họ phần nào xác định được những đối tượng cần quan tâm. Dù vậy, Bỉ không đề ra quy định này.
Trong khi đó, số mục tiêu được giới tình báo quốc tế quan tâm lại rất lớn. Brussels có trụ sở của các cơ quan EU, NATO và khoảng 100 tổ chức quốc tế khác, cũng như khoảng 300 cơ quan ngoại giao nước ngoài. Có khoảng 26.000 nhà ngoại giao được đăng ký chính thức, theo Bộ Ngoại giao Bỉ.
Giới chức an ninh Bỉ ước tính 10-20% trong đó là nhân viên tình báo.
Giới chức Bỉ lo ngại phóng viên là vỏ bọc của nhiều nhân viên tình báo tại Brussels. Ảnh: New York Times. |
Bên cạnh đó, những cơ quan nghiên cứu cũng là các “ổ điệp viên” tiềm năng, khi nhân viên ở đây được trả tiền để thu thập và phân tích thông tin. Năm 2021, Bỉ đã trục xuất một nghiên cứu sinh tiến sĩ người Trung Quốc với cáo buộc gián điệp.
Phóng viên cũng là một vỏ bọc hoàn hảo khác. Với thân phận nhà báo, các điệp viên có thể tham dự nhiều sự kiện khác nhau, cũng như có cái cớ để làm thân với giới quan chức. Cơ quan an ninh Bỉ nhận định khoảng một phần năm số nhà báo Trung Quốc tại Brussels là nhân viên tình báo.
Dù đây là thủ phủ của cả châu Âu, trách nhiệm phát hiện gián điệp tại Brussels vẫn chủ yếu thuộc về giới chức Bỉ.
Một số cơ quan của EU và NATO có lực lượng an ninh riêng để bảo vệ trụ sở, ngăn điệp viên xâm nhập và tiếp cận các tài liệu mật. Tuy nhiên, EU không có một cơ quan tình báo chung - hay thậm chí là một tổ chức điều phối hoạt động của lực lượng tình báo các quốc gia như Europol.
“Tôi biết đây là vấn đề nhạy cảm với một số thành viên, nhưng việc có một cơ quan tình báo ở cấp độ châu Âu là điều có ý nghĩa để bảo vệ lợi ích chiến lược của châu Âu”, nghị sĩ Bỉ Samuel Cogolati tuyên bố. “Nguy cơ gián điệp là hiện hữu và không thể bị bỏ qua”.
“Đây đơn giản là điều quá nhạy cảm”, một quan chức Bỉ nói, cho biết một số chính phủ EU ngần ngại chia sẻ thông tin.
Thiếu hụt nguồn lực
Các cơ quan chính của Bỉ chịu trách nhiệm phản gián là Cơ quan An ninh Quốc gia Bỉ và cơ quan tình báo quân sự của nước này. Họ hợp tác với 120 cơ quan phản gián khác từ 80 quốc gia để tìm bắt các điệp viên.
Công bằng mà nói, Bỉ đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với hoạt động gián điệp trong lịch sử. Khi trụ sở NATO chuyển từ Paris sang Brussels vào thập niên 60 của thế kỷ XX, Mỹ đã đề nghị Bỉ tăng cường năng lực phản gián để đối phó với hoạt động của Liên Xô lúc đó.
Trụ sở của NATO tại Brussels. Ảnh: Reuters. |
Lực lượng an ninh Bỉ đã tăng số nhân sự lên 6 lần. Chính phủ Bỉ khi đó tuyên bố họ muốn ngăn Brussels trở thành một trung tâm gián điệp.
Dù vậy, thành phố này vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ cho giới điệp viên. Điều này càng đúng hơn sau Chiến tranh Lạnh, khi công tác phản gián ít được chú ý hơn.
Điều này góp phần khiến Bỉ phải đối mặt với một vụ bê bối gián điệp lớn năm 2003, khi các thiết bị nghe lén được phát hiện trong tòa nhà trụ sở Hội đồng châu Âu.
“Châu Âu chưa bao giờ mạnh trong công tác phản gián”, một cựu quan chức tình báo Mỹ nói. “Họ quá phụ thuộc vào Mỹ. Giờ đây, tâm lý của họ đã thay đổi”.
“Bỉ đã đẩy mạnh hoạt động và trở nên chủ động hơn”, một quan chức cấp cao của EU nói.
Truy bắt lặng lẽ
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố, giới chức Bỉ khẳng định họ muốn biến Brussels thành “môi trường hoạt động thù địch” đối với các điệp viên nước ngoài. Đầu năm nay, Bỉ cũng đã thông qua một luật cho phép các quan chức an ninh có nhiều quyền hành hơn trong khâu điều tra.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne tuyên bố luật mới sẽ giúp đội ngũ an ninh có thêm thẩm quyền thẩm vấn và thêm công cụ để đối phó. Ví dụ, các nhân viên an ninh sẽ có thể tham gia các cuộc biểu tình trái phép để theo dõi mục tiêu.
Số lượng nhân viên an ninh quốc gia cũng sẽ được tăng gần gấp đôi - lên 1.000 người vào năm 2024. Giới chức Bỉ không tiết lộ số nhân sự trực tiếp đảm nhiệm công tác phản gián, nhưng cho biết con số này sẽ tăng.
Bộ trưởng Tư pháp Bỉ Vincent Van Quickenborne khẳng định Bỉ sẽ tăng cường nỗ lực phản gián. Ảnh: Belga. |
Ông Van Quickenborne cho biết giới chức Bỉ cũng sẽ đệ trình một luật mở rộng định nghĩa gián điệp để tạo thuận lợi cho việc truy tố các điệp viên. Tại Bỉ, hoạt động gián điệp không phải tội hình sự. Các điệp viên chỉ bị truy tố nếu chuyển thông tin mật liên quan tới an ninh quốc gia cho thế lực bên ngoài.
Dù vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng Bỉ đang làm chưa đủ. Một quan chức Bỉ nhận định số tiền mà nước này chi ra vẫn không thể so bì với nguồn lực của các cường quốc như Trung Quốc.
Khác với nhiều quốc gia khác, Bỉ lựa chọn cách tiếp cận lặng lẽ khi đối phó với các điệp viên. Đây là lý do không nhiều thông tin về những vụ bê bối gián điệp tại Bỉ được đưa lên báo chí.
Cơ quan tình báo Bỉ cũng có xu hướng tránh thu hút sự chú ý, khi việc truy tố điệp viên có thể gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Thay vào đó, các điệp viên bị phát hiện thường chỉ được kín đáo yêu cầu rời khỏi đất nước. Đôi lúc giới chức Bỉ thông báo cho người cung cấp tin cho điệp viên để vô hiệu hóa họ.
Bên cạnh đó, do hạn chế về nguồn lực, cơ quan phản gián Bỉ phải chọn lọc - tập trung đối phó với điệp viên của các quốc gia như Nga, Iran và Trung Quốc, nhưng “ngó lơ” điệp viên của các đồng minh.
“Đây là vấn đề về sự ưu tiên”, một quan chức an ninh Bỉ nói. “Thà có máy nghe trộm từ Mỹ hay Đức còn hơn là từ Trung Quốc hay Nga”.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018. Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.