Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thành phố đáng sống Đà Nẵng thực hiện '4 an' thế nào?

An ninh trật tự, ATGT, an toàn vệ sinh thực phẩm và an sinh xã hội là “4 an” mà Đà Nẵng đang nỗ lực hướng tới trong năm 2017 và các năm sắp tới để thực sự là thành phố đáng sống.

Ngày 3/1, vừa cập cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà), tàu cá BĐ 43602 do ông Trần Ngọc Mai (quê Bình Định) lập tức phải thực hiện thủ tục kê khai với Ban quản lý về nguồn gốc xuất xứ số thủy sản mình vừa đánh bắt được ở ngư trường Trường Sa.

Tra cứu nguồn gốc thực phẩm qua zalo, tin nhắn và tổng đài

Có chút bất ngờ, nhưng ông Mai rất vui khi thực hiện việc này. “Nếu đăng ký kê khai, các thương lái và người tiêu dùng biết rõ sản phẩm đó được đánh bắt ở vùng biển nào. Khi có thông tin rõ ràng, họ sẽ mạnh dạn thu mua, việc giao dịch cũng trở nên thuận lợi hơn. Đà Nẵng là nơi đầu tiên nói tôi phải lập kê khai này”, ông Mai cho biết.

Thanh pho dang song anh 1
Mỗi bó rau tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng đều phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

 

Theo Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, việc kê khai các loại hải sản tại cảng được thực hiện từ ngày 1/1/2017 theo Quyết định 35 của TP về quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập vào tiêu thụ trên địa bàn.

Sau 3 ngày triển khai, đã có gần 200 lượt chủ hàng, phương tiện thực hiện kê khai với tổng sản lượng thủy sản được khai báo hơn 500 tấn.

“Đặc thù chủ tàu cá, người buôn bán là những người lao động nên việc hướng dẫn, đăng ký kê khai vẫn gặp phải sự e dè, khó hiểu. Tuy nhiên, khi hiểu rõ mục đích của việc làm này, mọi người đều vui vẻ chấp hành. Bởi việc truy xuất nguồn gốc rất có lợi cho họ”, ông Phạm Bá Hùng, Phó ban quản lý nói.

Việc kê khai, truy xuất nguồn gốc cũng được thực hiện tại chợ đầu mối nông sản Hòa Cường (Hải Châu), nơi cung cấp hơn 300 tấn rau, củ, quả cho thành phố. Gần 300 tiểu thương đã được tập huấn, ký cam kết; hơn 130 camera được lắp đặt để đảm bảo việc quản lý, truy xuất hàng hóa.

Đặc biệt, đầu tháng 12/2016, TP Đà Nẵng cũng triển khai việc tra cứu các cơ sở kinh doanh đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) qua Zalo, tin nhắn và tổng đài. Khi đến bất kỳ cửa hàng thực phẩm, nhà hàng, cơ sở nào, chỉ cần vài thao tác là khách hàng có thể biết địa điểm đó có đạt chuẩn ATVSTP hay không.

ATGT truy xuất camera và Facebook

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng thống nhất việc xử phạt vi phạm giao thông qua camera tại 9 nút giao thông trên địa bàn. Từ hình ảnh camera, các lực lượng sẽ phối hợp nhanh với Sở GTVT để lấy thông tin chủ xe, xuất phiếu phạt về tận nơi cư trú.

“Sau 3 lần nhận thông báo (tối đa 30 ngày - PV) mà tài xế chưa đến trình diện, đơn vị sẽ chuyển thông tin đến các nơi nhằm kiểm tra, buộc nộp phạt khi tài xế mang xe đi đăng kiểm lại hoặc đến Công an TP cấp lại chứng nhận đăng ký xe”, trung tá Phan Văn Thương, Phó phòng PC67 Đà Nẵng cho biết.

Thanh pho dang song anh 2
 Hệ thống camera được đưa vào sử dụng giúp Đà Nẵng quản lý tốt về ATGT, ANTT trên địa bàn.

 

Hiện, trên diễn đàn Facebook của CSGT Đà Nẵng, hàng ngày có hàng chục hình ảnh ATGT từ người dân chuyển về. Đây là căn cứ để CSGT tìm hiểu, phạt nguội. Có trường hợp sau khi kiểm tra, phải nộp gần 7 triệu đồng cho các lỗi vi phạm.

Chính những thay đổi trong việc quản lý, xử phạt cùng sự đầu tư về cơ sở hạ tầng mà trong đợt Tết Dương lịch vừa qua, Đà Nẵng chỉ xảy ra 1 vụ TNGT, làm 1 người bị thương.

"4 an" để cho con cháu

Phát biểu tại hội nghị triển khai xây dựng thành phố “4 an” ngày 27/12/2016, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, đề án này không chỉ làm cho hiện tại mà làm cho con cháu sau này.

“Mình không chỉ làm cho mình, mà còn cho con cháu. Mà làm cho con, cho cháu, chắc chắn phải quyết tâm ở mức cao hơn nữa”, Bí thư Đà Nẵng nói.

Để hoàn thành mục tiêu này, Đà Nẵng đã xây dựng đề án, lộ trình cụ thể cho từng “an”. Như với mục tiêu ATVSTP, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ chi hơn 186 tỷ đồng cho đề án “quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng”. Đề án này có 6 dự án thành phần đã được phê duyệt.

Còn với lĩnh vực ATGT, ANTT, trong 2 năm 2016-2017, Đà Nẵng sẽ chi gần 70 tỷ đồng lắp đặt hơn 1.600 camera khắp thành phố. Đầu tháng 12/2016, Sở GTVT Đà Nẵng đưa vào sử dụng 5 tuyến xe buýt có trợ giá với tiêu chí “xe buýt VIP, giá bình dân”.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, TP Đà Nẵng đang nỗ lực phát triển mạng lưới phương tiện vận tải công cộng để tạo lập văn hóa giao thông đô thị, giảm sử dụng xe cá nhân, dễ gây ùn tắc. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có hai tuyến xe buýt nhanh (BRT), ba tuyến tiêu chuẩn dịch vụ BRT và 15 tuyến buýt thường. Các tuyến xe buýt sẽ phủ sóng hầu hết khu vực trong thành phố, đi qua 6 quận và một huyện.

Với lĩnh vực an sinh xã hội, Đà Nẵng cũng đang có nhiều chương trình thu hút đầu tư, xây dựng thành phố khởi nghiệp để phấn đấu đến cuối năm 2020 hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%. Với nhiều người dân TP Đà Nẵng, thành phố “4 an” chỉ đơn giản là cuộc sống thấy thoải mái, an tâm.

“Tôi không biết mục tiêu cụ thể của thành phố về “4 an” là gì. Thế nhưng, hàng ngày tôi ăn thực phẩm sạch, an ninh trật tự đảm bảo, đi xe thay an toàn, con cháu tôi có việc làm là tôi an tâm, như vậy là “4 an” rồi”, bà Nguyễn Thị Biên, phường Mỹ An, Ngũ Hành Sơn) chia sẻ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc T.Ư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đà Nẵng phải tạo sự khác biệt, vươn lên một tầm cao mới, đạt được vị thế mới, là thành phố đáng sống có sức hấp dẫn không chỉ với du khách Việt Nam mà cả ở châu Á và thế giới. Một thành phố năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, giàu tính thực tế nhưng cũng rất lãng mạn. “Thành công có phải đi từ 5 không, 3 có, 4 an”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Những phát ngôn ấn tượng của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Là một trong những Bí thư Thành ủy trẻ nhất nước, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã có những phát biểu ấn tượng từ khi nhậm chức.



http://www.baogiaothong.vn/thanh-pho-dang-song-da-nang-thuc-hien-4-an-the-nao-d183405.html

Theo Quốc Nhựt/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm