Gioiosa Ionica, một thành phố với 7.000 dân của Italy, đang là nơi nhiều người tị nạn nương náu. Chính quyền cấp cho họ những tờ tiền giả để mua hàng hóa. Họ gọi tiền giả là “vé”, BBC đưa tin.
Người tị nạn có thể dùng tiền giả để mua mọi thứ, nhưng chúng chỉ có giá trị trong phạm vi thành phố. Những tờ tiền có mệnh giá 10, 20, 50 euro.
Để người tị nạn dùng tiền giả là một giải pháp “nhất cử lưỡng tiện” đối với thành phố Gioiosa Ionica. Người tị nạn có thể mua hàng hóa, còn những người bán hàng có thêm khách mới. Mối quan hệ giao thương giữa người tị nạn và thương nhân địa phương cũng góp phần làm giảm sự phản đối của người dân trước việc chính quyền thành phố cho phép người tị nạn tới đây.
Lợi ích kinh tế
Mỗi ngày hội đồng thành phố nhận 35 euro (39 USD) cho mỗi người tị nạn từ chính phủ ở Rome. Với khoản tiền ấy, họ phải lo mọi thứ cho người tị nạn – từ chỗ ở, thực phẩm, chăm sóc y tế, lớp học tiếng Italy, việc làm và thủ tục xin tị nạn. Thậm chí người tị nạn còn có tiền tiêu hàng ngày.
Một lớp dạy tiếng Italy cho người tị nạn ở thành phố Gioiosa Ionica. Ảnh: BBC. |
Đối với một thành phố nghèo như Gioiosa Ionica, người dân vốn quen với cảnh dân địa phương tới nơi khác để làm việc, chứ chưa quen với tình trạng người nơi khác tới đây. Vì thế khoản tiền trợ cấp của chính phủ thực sự tạo nên sự khác biệt.
Những người có nhà bỏ trống giờ đây có thể kiếm tiền từ việc cho người tị nạn thuê nhà, còn các cửa hàng có thêm thu nhập từ nhu cầu mua hàng của người tị nạn.
Tiền giả cho phép người tị nạn mua hàng hóa mỗi ngày, kể cả khi tiền trợ cấp từ Rome đến muộn.
Khi tiền từ thủ đô tới, những người chủ cửa hàng mang tiền giả tới cư quan phụ trách người tị nạn để đổi sang tiền thật.
Tạo thêm việc làm
Dịch vụ chăm sóc người tị nạn tạo ra 20 việc làm mới. Đó là kết quả mà Salvatore Fuda, thị trưởng thành phố, đã thấy từ trước. Khi vận động tranh cử 3 năm trước, Fuda từng tuyên bố ông sẽ đưa người tị nạn vào thành phố để tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân.
Vị trí thành phố Gioiosa Ionica trên bản đồ. Ảnh: BBC. |
Hiện nay, với 75 người tị nạn, thành phố nhận khoảng một triệu Euro mỗi năm từ chính phủ.
“Rome gửi tiền cho chính quyền thành phố, chứ không trao tiền cho người tị nạn. Nếu biết rằng ngân sách cả năm của thành phố chỉ đạt khoảng 8 triệu Euro, bạn có thể thấy khoản trợ cấp dành cho người tị nạn thực sự có ý nghĩa về kinh tế đối với chúng tôi. Nó tạo ra thu nhập từ việc cho thuê nhà và bán hàng, tạo việc làm. Lợi ích kinh tế đã quá rõ ràng”, Fuda lập luận.
Những người di cư cũng tỏ ra hài lòng với chính sách của thành phố. Thay vì phải sống tù túng trong những trại tị nạn lớn, họ có thể tìm việc làm, thuê chung nhà với những người cùng cảnh ngộ, tự nấu bữa.
Chẳng hạn, một cửa hàng in ấn ở địa phương đã thuê một thanh niên tị nạn từ Somali. Chừng nào người thanh niên còn khả năng làm việc, chừng ấy anh có thể sống thoải mái ở thành phố nhỏ phía nam đất nước Italy.