Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai 'thiên đường tiền bạc' lao đao theo Trung Quốc

Hong Kong và Singapore, hai trung tâm tài chính của châu Á, đang vật lộn với tình trạng tăng trưởng chậm do đà giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hong Kong và Singapore, hai trung tâm tài chính của châu Á, đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm ngày càng trầm trọng do sự chững lại của Trung Quốc và cơn bĩ cực của ngành tài chính.

Mức tăng trưởng của nền kinh tế Hong Kong đột ngột chững lại trong quý đầu tiên của năm do doanh số bán lẻ giảm và thị trường bất động sản trở nên trầm lắng nhất trong 25 năm, Bloomberg đưa tin.

ngoi sao tat dan tren bau troi tai chinh anh 1
Người dân rút tiền tại các máy ATM ở Singapore. Ảnh: financeasia.com.

Các vấn đề ở hai "thiên đường tài chính" đều giống nhau. Tăng lợi nhuận trở thành việc khó khăn hơn với các ngân hàng, hoạt động tuyển dụng chậm lại và giao dịch chứng khoán giảm. Các nguồn vốn – từng chảy ào ạt vào Hong Kong và Singapore do chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và giới đầu tư Trung Quốc – đang chảy ngược ra ngoài hai thành phố. Mặc dù Singapore và Hong Kong từng trải qua những giai đoạn khó khăn hơn trong quá khứ và củng cố lợi thế ở những lĩnh vực khác, dường như thời kỳ tăng trưởng dựa vào ngành tài chính đã không thể trở lại.

Khi tập đoàn tài chính Barclays thông báo hồi tháng 1 rằng họ sẽ ngừng hoạt động giao dịch cổ phiếu phổ thông ở châu Á, đó chỉ là sự khởi đầu của làn sóng giảm nhân sự tại Hong Kong và Singapore trong năm nay.

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, giá trị cổ phiếu được giao dịch hàng ngày ở Hong Kong đạt 8,6 tỷ USD trong năm nay, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu đem về 5,6 tỷ USD, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (14,4 tỷ USD). 

Singapore, trung tâm tài chính ở Đông Nam Á, cũng trải qua tình trạng tương tự. Giá trị giao dịch chứng khoán mỗi ngày ở Singapore từ đầu năm tới nay đạt 1,17 tỷ USD, thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Là trung tâm tài chính, Hong Kong và Singapore không thể tránh những tác động địa chính trị và kinh tế từ Trung Quốc. Vì thế nền kinh tế của cả hai thành phố đều chịu hậu quả tiêu cực”, Andrew Sheng, mọt nhà nghiên cứu của Viện Toàn cầu châu Á ở Hong Kong, nhận xét.

Sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc chỉ là một phần trong “cơn bão rất mạnh” mà các ngân hàng ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ đối mặt. Cách đây khoảng một năm, tình hình khác hẳn. Hồi ấy đà tăng trưởng cao của Trung Quốc khiến các tập đoàn và ngân hàng của họ hướng tới Hong Kong, Singapore để vay tiền và sử dụng dịch vụ tư vấn tài chính. Cơn sốt vay tiền của giới doanh nghiệp khiến lợi nhuận các ngành ngân hàng, du lịch và bán hàng xa xỉ tăng vọt.

Nhờ thời kỳ tăng trưởng ngoạn mục ấy mà ngành tài chính chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của hai thành phố. Singapore là nơi hơn 1.200 định chế tài chính – bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm, doanh nghiệp tài chính – đặt trụ sở, theo dữ liệu của Cục Tiền tệ Singapore. Lĩnh vực tài chính sử dụng khoảng 5% lực lượng lao động của đảo quốc sư tử. Tài chính và bảo hiểm là lĩnh vực lớn thứ 4 trong nền kinh tế Singapore, chiếm gần 13% GDP trong năm 2015, theo dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore.

Dịch vụ tài chính là lĩnh vực đóng góp nhiều thứ hai (16,5%) vào tổng sản phẩm quốc nội của Hong Kong và sử dụng 6,3% lực lượng lao động trong năm 2014. Chính quyền đặc khu hành chính cho biết, 156 ngân hàng đang kinh doanh tại xứ cảng thơm tính tới ngày 17/6.

“Đây là thời kỳ rất khó khăn đối với các ngân hàng. Niềm tin và sự ổn định trong ngành ngân hàng đã biến mất. Thực trạng đó khiến các ngân hàng không muốn tuyển dụng”, John Mullally, giám đốc dịch vụ tài chính của hãng Robert Walters tại Hong Kong, bình luận.

Nhưng bức tranh không chỉ có màu xám. Ngành du lịch Singapore tăng trưởng mạnh nhờ làn sóng người giàu Trung Quốc tới những khu nghỉ dưỡng kiêm sòng bạc hào nhoáng. Hãng Credit Suisse dự đoán lượng du khách tới quốc đảo sư tử trong năm nay sẽ vượt mức mà Tổng cục Du lịch Singapore dự đoán – với mức tăng tối đa 8% so với năm 2015, tương đương với 16,5 triệu khách. Trong khi đó, Hong Kong vẫn là bàn đạp quan trọng đối với những công ty Trung Quốc muốn huy động vốn. Thành phố cũng là trung tâm ngân hàng cá nhân đối với tầng lớp người giàu ở châu Á.

Mặc dù vậy, hai trung tâm tài chính vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn. Chừng nào nền kinh tế Trung Quốc còn tăng trưởng với mức thấp, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục phủ bóng đen lên Hong Kong và Singapore.

“Cơ hội tăng trưởng kinh tế mạnh vẫn ngoài tầm với của cả hai thành phố. Thách thức đối với Hong Kong và Singapore rất lớn”, Klaus Baader, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Societe Generale SA, nhận xét.

Tương lai bấp bênh của 'thành phố đồ lót'

Một thành phố ở Trung Quốc sản xuất tới 350 triệu áo lót mỗi năm, nhưng chi phí nhân công tăng cùng sự cạnh tranh từ nước khác khiến tương lai thành phố trở nên khó lường.

 

Quân Vũ

Bạn có thể quan tâm