Với các cặp đôi bình thường, cơ duyên giúp họ gặp nhau là khi vô tình bắt gặp người ấy giữa đám đông hay “quẹt phải” nhau trên Tinder. Nhưng với Gao Yuchen và Li Zhaoxuan, chuyện tình của họ bắt đầu từ một trận đấu trong game bắn súng Apex Legends.
Cả hai tán thưởng kỹ năng bắn súng của nhau khi chơi game. Sau một vài trận chơi chung, họ dần làm quen và trò chuyện với nhau trên mạng xã hội.
Vài tháng sau, cả hai lần đầu gặp nhau ngoài đời. Đến lần hẹn thứ hai, Gao đã ngỏ lời hẹn hò với Li. “Cô ấy nói câu trả lời sẽ còn tùy vào biểu hiện của tôi. Nhưng tôi nói đây là cơ hội duy nhất đấy và rồi cô ấy đồng ý”, Gao mỉm cười kể lại.
Tìm thấy tình yêu ở thế giới ảo
Kể từ khi đó, video game trở thành cách để cặp đôi trẻ bồi đắp tình cảm với nhau. Mặc dù cách xa 400 km, học ở hai trường đại học, sống ở hai thành phố khác nhau, họ vẫn thường xuyên gặp nhau online trên tựa game Fling to the Finish. Đây là một trò chơi đua xe vượt chướng ngại vật yêu cầu sự phối hợp giữa hai người chơi để về đích vì họ gắn liền với nhau bằng một sợi dây co giãn.
Gao cho rằng việc cùng nhau vượt qua thử thách trong trò chơi giúp cả hai giao tiếp với nhau tốt hơn và càng chứng minh rằng họ phù hợp với nửa kia. Chàng trai nói rằng khi anh và Li ổn định hơn về mặt tài chính, họ sẽ cưới nhau và sinh con.
Theo Sixth Tone, đây chỉ là một trong rất nhiều đôi tình nhân trẻ ở Trung Quốc tìm thấy tình yêu đời mình trong các tựa game online. Nhiều người thường cho rằng game thủ là những kẻ chán ngắt, không có một mảnh tình vắt vai. Nhưng nghiên cứu mới đây của Đại học Renmin lại chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác.
Trong những năm gần đây, số lượng người trẻ lập gia đình ngày càng giảm với số cặp đôi tiến tới hôn nhân giảm 6% chỉ trong một năm 2021. Nhưng nghiên cứu của Đại học Renmin cho thấy tỷ lệ game thủ thể thao điện tử (eSports) có dự định kết hôn trong tương lai cao hơn sinh viên thông thường lên đến 7,8%.
Chơi game giúp các cặp đôi gắn kết và hiểu nhau hơn. Ảnh: Sixth Tone. |
Theo Sixth Tone, eSports đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên. Thị trường game của quốc gia này trị giá 169 tỷ nhân dân tệ (24 tỷ USD) vào năm 2021, tăng 13,5% so với năm trước đó.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Liao Lanfang cho rằng chơi game có thể khiến người trẻ muốn kết hôn hơn. Việc nhập vai vào các tựa game giúp thôi thúc mong muốn lập gia đình của họ. Đồng thời, thông qua việc hợp tác với nhau trong game, cặp đôi sẽ thân thiết và khắng khít với nhau hơn.
“Tương tác giữa hai bên qua game online và eSports giúp họ học cách xây dựng mối quan hệ bền vững hơn. Phát triển tình cảm, sự tôn trọng và khả năng giao tiếp giữa hai bên trong thế giới ảo cũng ảnh giúp họ cải thiện mối quan hệ trong thế giới thực”, chuyên gia cho biết.
Lý do game thủ thường kết hôn sớm
Nói với Sixth Tone, cựu game thủ eSports Liao Feiyu chia sẻ những vận động viên eSports chuyên nghiệp thường lập gia đình sớm. Trong đó, anh chính là ví dụ điển hình nhất. Anh cưới vợ năm 27 tuổi và hiện đã có em bé 9 tháng tuổi.
Liao Feiyu cho biết anh đã bắt đầu chơi game với trò Vương Giả Vinh Diệu từ khi còn đi học. Đến năm 20 tuổi, anh là tay chơi xuất sắc trong khu vực và nhanh chóng trở thành vận động viên chuyên nghiệp sau khi hợp tác với các đồng đội khác, tạo ra một nhóm thi đấu.
Năm 23 tuổi, Liao Feiyu rửa tay gác kiếm. Áp lực luyện tập 10 tiếng liên tục từ 13 giờ đến 23 giờ mỗi ngày khiến anh kiệt sức và nghĩ rằng 23 tuổi chính là độ tuổi anh nên chậm lại, lui về phía sau hậu trường. Sau khi nghỉ thi đấu, anh trở thành huấn luyện viên.
Không lâu sau đó, Liao gặp vợ mình, Wang Pan. Bố mẹ cô làm việc trong canteen của trường eSports ở tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc mà Liao đang làm việc.
Mẹ Wang Pan rất ấn tượng với ngoại hình và vẻ nho nhã, lịch sự của anh nên liên tục gửi hình cho con gái và hỏi cô có muốn gặp anh hay không. Năm 2021 đánh dấu buổi hẹn đầu tiên giữa đôi trẻ. Sau đó, họ giữ liên lạc với nhau qua WeChat và hẹn hò suốt một năm trời rồi tiến đến hôn nhân.
Các game thủ eSports với mức lương cao thường có xu hướng kết hôn sớm. Ảnh: Sixth Tone. |
Chuyên viên tâm lý Liao cho rằng game thủ eSports thường cưới sớm vì họ bắt đầu sự nghiệp từ khi còn trẻ. Bên cạnh đó, mức lương hậu hĩnh cũng là nhân tố chính của xu hướng này bởi nhiều người trẻ ngại lập gia đình vì lo sợ không thể ổn định tài chính.
“Vận động viên eSports thường ít có áp lực tiền bạc hơn và một khi đã vượt qua áp lực đó, họ sẽ bắt đầu cân nhắc đến việc kết hôn và sinh con”, chuyên gia nói.
Chia sẻ với Sixth Tone, sinh viên Li Yizhi (Thượng Hải) cũng cho biết bạn bè là nữ của cô ít ai muốn lập gia đình. Nhưng cô gái lại muốn lấy chồng sớm. Là một fan hâm mộ của các tựa game, cô gái dành phần lớn thời gian rảnh để chơi game và tin rằng game online sẽ giúp cô gặp bạn bè mới và tìm ra tình yêu đời mình.
Jie, một người chơi game khác, cũng muốn lập gia đình. Nhưng khác với Li, Jie không tin rằng game sẽ giúp con người kết nối với nhau một cách chân thật, gần gũi. Anh nói không hề có ý định gặp gỡ ai từ game. Mặc dù đôi lúc cảm nắng với một vài nhân vật ảo trong trò chơi yêu thích, Li cho rằng cảm xúc này không mang lại sự thỏa mãn thật cho mình.
Anh nghĩ lý do khiến nhiều game thủ muốn cưới là vì trải nghiệm chơi game một mình trong thời gian dài đã khắc sâu nhu cầu kết nối xã hội trong đời thật của họ. “Nhân vật trong các trò chơi chỉ là ảo và luôn bất biến, trong khi con người trong đời thực là những thực thể, luôn phát triển và thay đổi không ngừng”, Jie nói với Sixth Tone.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.